Vào những năm 2010, là hộ gần như khó khăn nhất của bản Làng Cát, chị Hồ Thị Vân đã nhiều đêm trăn trở: Tại sao có sức khoẻ, có đất đai, có lao động mà vẫn nghèo. Ý nghĩ làm cái gì để thoát nghèo luôn nung nấu trong chị. Năm 2011, chị đã mạnh dạn vay 30 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện để làm vốn phát triển kinh tế. Ban đầu chị đầu tư trồng 2 ha sắn KM94 kết hợp với trồng đậu xanh. Chị đầu tư mua một máy xay xát nhằm phục vụ nhu cầu xay xát cho chị em trong bản. Từ những phế phẩm cám gạo, bột sắn...chị đã đầu tư chăn nuôi lợn thịt mỗi lứa từ 20 đến 30 con, mỗi năm xuất chuồng 3 lứa, cho thu nhập hàng năm từ 35 đến 40 triệu đồng/năm. Ngoài ra, chị chăn nuôi thêm 2 con trâu và 1 con bò, gà, bồ câu, gà, ngan ngỗng …Thu nhập mỗi năm trên 70 triệu đồng.
Chia sẻ kinh nghiệm về mô hình kinh tế của mình, chị Vân cho biết: “Trong chăn nuôi lợn, gia đình chúng tôi luôn tận dụng diện tích tự nhiên xung quanh nhà để trồng thêm rau cho lợn ăn. Trong chăn nuôi trâu bò, sử dụng phụ phẩm trong nông nghiệp như: rơm rạ, thân cây đậu xanh, thân cây bắp để bổ sung nguồn thức ăn, vừa tiết kiệm chi phí thức ăn công nghiệp mang lại hiệu quả kinh tế cao”. Không dừng lại ở đó, khi nhận thấy bà con trong bản trồng sắn, đến mùa thu hoạch thì bị tư thương ép giá. Chị Vân đã mạnh dạn thu mua sắn rồi thuê xe chở đi nhập ở nhà máy. Năm 2015, chị đã tích góp và vay thêm vốn Ngân hàng để đầu tư mua thêm chiếc xe tải. Vậy là từ đó, nông sản của bà con khu vực Mò Ó, thị trấn Krông Klang, xã Đakrông đều do chị thu mua với giá cả phải chăng. Nhiều hộ gia đình lấy tấm gương vượt khó làm giàu của chị mà phấn đấu, noi gương.
Chị Hồ Thị Vân là tấm gương điển hình về tinh thần cần cù, sáng tạo trong lao động sản xuất, biết vươn lên làm giàu chính đáng. Những thành quả đạt được hôm nay của chị thật đáng trân trọng. Chị đã góp phần tô thắm thêm hình ảnh phụ nữ Vân Kiều vùng cao, xứng đáng là tấm gương sáng để chị em phụ nữ học tập, làm theo.
Theo QuangtriTV