Lâu nay, trong nhiều tài liệu ghi chép, chè tím là loại chè đặc sản, quý hiếm, có khả năng phòng bệnh ung thư, chống lão hóa...Để ý trong vườn chè của gia đình có cây chè tím, ông Phạm Văn Dung, ở xóm Minh Hợp, xã Tức Tranh đã tập trung chăm sóc, tự nhân giống và mở rộng diện tích. Hiện nay, diện tích cây chè tím của gia đình ông đã có trên 1.000m2, mỗi lứa cho thu từ 12 đến 15 triệu đồng...
Ông Phạm Văn Dung, xóm Minh Hợp, xã Tức Tranh (Phú Lương) giới thiệu về cách chăm sóc vườn chè tím.
Dẫn chúng tôi đi thăm vườn chè của gia đình, ông Dung bắt đầu kể về ngày đầu trồng cây chè tím. Ông bảo: 4 năm trước, khi thu hái diện tích chè trung du của gia đình, tôi thấy trong vườn có vài cây chè từ thân, lá và búp đều có màu mận chín, búp lại mọc tua tủa. Thấy lạ, tôi thử tìm hiểu qua sách báo thì biết được giống chè này có nhiều tác dụng nên tôi tiếp tục chăm sóc.
Sau đó một thời gian ngắn, khi được tham gia lớp tập huấn các kiến thức về cây chè ở tỉnh, biết được cây chè tím có tác dụng chữa một số bệnh, ông Dung mới bắt đầu giâm cành và trồng thử gần 400m2. Khoảng 2 năm sau, diện tích chè này cho thu hái được 4-5kg chè búp khô. Biết được gia đình ông có chè tím, thời điểm chè bắt đầu cho thu hái, giảng viên và sinh viên Trường Đại học Nông lâm Thái Nguyên đã lên nghiên cứu, tìm hiểu về giống chè này. Cũng nhờ đó, ông Dung được học hỏi nhiều kinh nghiệm chăm sóc cây chè tím và gia đình tiếp tục trồng thêm trên 700m2 giống chè này.
Nhờ kiên trì nhân giống và chăm sóc, đến nay, gia đình ông Dung đã có trên 1.000m2 chè tím cho thu hái với trên 30kg chè búp khô mỗi lứa, bán với giá từ 400.000-500.000 đồng/kg ông đã thu được từ 12 đến 15 triệu đồng/lứa.
Nói về cách chăm sóc cây chè tím, ông Dung cho biết: Chè tím có thể trồng ở đồi cao hay khu vực đất bằng phẳng. Ưu điểm của giống chè này là không mất nhiều công chăm sóc như chè hạt hay chè cành mà năng suất vẫn đạt tương đương các giống chè khác (từ 13-15kg chè búp khô/sào).
"Đặc biệt, chè tím có khả năng chống chịu sâu bệnh tốt hơn chè cành hay chè hạt, phải từ 2 đến 3 tháng mới phải phun thuốc trừ sâu, bệnh một lần, trong khi đó, diện tích chè cành, chè hạt có thể phải phun 1-2 lần/tháng...", ông Dung chia sẻ.
Vì chè tím có tác dụng chữa bệnh nên ông Dung luôn chú trọng đến việc sử dụng phân bón cho chè. Thay vì dùng các loại phân hóa học, ông đã sử dụng bột đỗ tương phơi khô nghiền nhỏ để bón cho chè.
Theo ông Dung, bột đỗ tương có chứa rất nhiều đạm, các thành phần tương tự như phân hữu cơ, tốt cho cây trồng. Đặc biệt, khi sử dụng bón cho chè, nguồn dinh dưỡng có trong bột đỗ tương không bị bay hơi, khi gặp mưa sẽ ngấm dần xuống đất làm cho đất tơi xốp, giúp cây trồng phát triển tốt hơn, mà giá thành cũng chỉ tương đương so với các loại phân bón khác. |
Biết về lợi ích của cây chè tím này, nhiều khách hàng trong và ngoài tỉnh như Hải Phòng, Hà Nội, Quảng Ninh...đã đặt mua chè của gia đình ông Phạm Văn Dung.
Để minh chứng cây chè tím có tác dụng chữa bệnh, ông Dung đã cho chúng tôi xem hồ sơ bệnh án của ông Phạm Văn Đúp, thôn Bái Xuyên, xã Minh Tân, huyện Phú Xuyên (T.P Hà Nội). Ông Đúp cũng là khách hàng thường xuyên mua chè búp tím của ông Dung về dùng.
Trao đổi qua điện thoại, ông Đúp cho chúng töi biết: Năm 2013, Bệnh viện U bướu chuẩn đoán tôi bị bệnh u vú ác tính. Tôi đã điều trị bằng hóa chất nhưng không thuyên giảm, trong người lúc nào cũng mệt mỏi. Lúc đó, tôi nghe nhiều người mách dùng cây chè tím có tác dụng chữa bệnh nên đã thử đặt mua. Về tôi uống kết hợp với thuốc của bệnh viện, một thời gian sau khi đi khám lại thì bệnh đã dần ổn định, tôi thấy trong người khỏe ra và ăn uống tốt hơn.
Không chỉ trồng chè tím, hiện nay, ông Dung còn triển khai giâm giống chè này với diện tích trên 300m2 để bán cho bà con trong và ngoài huyện (giá bán 1.500 đồng/cây).
Ông Trần Đình Bảy, Phó Phòng Nông nghiệp và Phát triển huyện Phú Lương cho biết: Tôi đã nghe nhiều về tác dụng của cây chè tím trong việc hỗ trợ chữa một số bệnh, ung thư...Và hiện nay, trên địa bàn huyện đã có gia đình ông Dung - người đầu tiên trồng thử nghiệm giống chè này. Nhiều người dân trong và ngoài tỉnh đã biết đến và đặt hàng với giá khá cao, gấp từ 1,5 đến 2 lần so với chè búp thông thường.
"Thời gian tới, chúng tôi sẽ phối hợp với các ngành, chức năng nghiên cứu, tìm hiểu về lợi ích của giống chè tím. Đồng thời tuyên truyền tới người dân để mở rộng diện tích trên toàn huyện nếu thực sự giống chè này đem lại nhiều lợi ích như vậy...", ông Trần Đình Bảy, Phó Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Phú Lương. |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn