Theo Cục Thú y, từ đầu tháng 2 đến nay, bệnh dịch tả lợn châu Phi đã xảy ra tại 6.581 xã thuộc 592 huyện của 62/63 tỉnh, thành phố trong cả nước. Tổng số lợn ốm, chết phải tiêu hủy lên tới trên 4 triệu con. Ước tính thiệt hại do dịch tả lợn châu Phi hơn 3.000 tỷ đồng, bao gồm chi phí hỗ trợ lợn tiêu hủy, mua hóa chất... Dịch bệnh khiến tổng đàn lợn của nhiều tỉnh, thành phố giảm mạnh, thiệt hại nặng nề cho người chăn nuôi lợn. Nhiều chủ trang trại, gia trại, hộ chăn nuôi có lợn bị dịch bệnh rơi vào cảnh trắng tay, nợ nần chồng chất.
Bà Hoàng Thị Tố Nga - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Nam Định cho biết, từ ngày 8/3 đến 11/8/2019, tỉnh Nam Định có 249.571 con lợn của 35.245 hộ chăn nuôi bị ốm, chết phải tiêu hủy do dịch tả lợn châu Phi, với tổng trọng lượng gần 13.600 tấn. Ước tính con số thiệt hại khoảng 500 tỷ đồng.
Dịch tả lợn châu Phi đã khiến tổng đàn lợn tỉnh Nam Định giảm khoảng 29%; trong đó, nhiều nhất là huyện Hải Hậu giảm trên 42% tổng đàn, Trực Ninh giảm 39,3%, Nghĩa Hưng giảm 32,5%. Nhiều xã trong tỉnh có số lợn mắc bệnh phải tiêu hủy chiếm tới 70% tổng đàn như: Nam Hồng (huyện Nam Trực), Trực Thắng (huyện Trực).
Tại hội thảo, đại diện các cơ quan chuyên môn, lãnh đạo địa phương, chủ trang trại, gia trại đã thẳng thắn chỉ ra, nguyên nhân khiến dịch bệnh bùng phát và lây lan nhanh vì đây là bệnh mới lần đầu tiên xâm nhiễm vào Việt Nam nên chưa có thuốc điều trị cũng như vắc-xin phòng bệnh. Hơn nữa, vi-rút này bền vững ở ngoài môi trường, phương thức lây lan đa dạng, phức tạp.
Cùng đó, mật độ chăn nuôi cao, hình thức chăn nuôi chủ yếu nhỏ lẻ, chiếm trên 70% số hộ chăn nuôi lợn, việc vệ sinh chuồng trại không đảm bảo quy định phòng dịch. Nhận thức của một số hộ chăn nuôi về phòng, chống dịch chưa cao; vẫn còn tình trạng không thông báo cho cơ quan chức năng khi có lợn ốm; tự ý điều trị lợn mắc bệnh hoặc bán chạy lợn bệnh…
Trước thực trạng dịch tả lợn châu Phi vẫn đang lây lan và khó kiểm soát tại các tỉnh, thành phố trong cả nước, ông Nguyễn Xuân Dương - Quyền Cục trưởng Cục Chăn nuôi cho rằng, với truyền thống sử dụng thực phẩm lâu đời của người dân Việt Nam thì việc thay thế thịt lợn là điều rất khó. Vì vậy, cần có các giải pháp thích ứng để tiếp tục phát triển ngành chăn nuôi.
Chăn nuôi an toàn sinh học, trong đó sử dụng các chế phẩm vi sinh học là xu thế tất yếu. Chăn nuôi an toàn sinh học là áp dụng tổng hợp, đồng bộ các biện pháp kỹ thuật, quản lý nhằm ngăn ngừa sự tiếp xúc giữa vật nuôi và mầm bệnh, bảo đảm cho đàn vật nuôi hoàn toàn khỏe mạnh, không bị dịch bệnh. Thực tế cho thấy, nếu các trang trại, gia trại thực hiện tốt biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học thì có thể ngăn chặn dịch bệnh, bảo vệ vật nuôi an toàn.
Hiện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã yêu cầu hệ thống khuyến nông, cơ quan chuyên môn phổ biến phương pháp chăn nuôi an toàn sinh học; triển khai xây dựng các mô hình chăn nuôi an toàn nhằm ngăn ngừa dịch bệnh, tạo ra nguồn thực phẩm chất lượng, đáp ứng yêu cầu thị trường, hướng đến xuất khẩu.
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định Nguyễn Phùng Hoan, bên cạnh việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch tả lợn châu Phi, cần tiếp tục duy trì, bảo vệ trang trại, gia trại chưa bị bệnh; rà soát và có kế hoạch tổ chức lại chăn nuôi theo hướng tập trung, an toàn.
Tại Nam Định, dịch tả lợn châu Phi xảy ra chủ yếu ở các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ nên cần phải giảm dần tỷ lệ này để chuyển sang chăn nuôi tập trung. Bên cạnh đó, cần ưu tiên đầu tư các cơ sở giết mổ tập trung bởi giết mổ nhỏ, lẻ như hiện nay tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm và khiến mầm bệnh phát tán nhanh.
Ông Nguyễn Việt Hùng, chủ trang trại chăn nuôi lợn ở huyện Ý Yên (Nam Định) cho hay, trang trại với 500 con lợn thịt, 70 con lợn nái của gia đình ông vẫn an toàn dù trên địa bàn đã xuất hiện dịch tả lợn châu Phi khiến nhiều gia trại, trạng trại phải tiêu hủy lợn bệnh.
Để đảm bảo an toàn cho vật nuôi, cần đầu tư hệ thống chuồng trại khép kín theo quy trình hiện đại; sử dụng kết hợp các biện pháp phòng dịch như: rắc vôi bột, phun thuốc sát trùng khử khuẩn thường xuyên, bổ sung thức ăn dinh dưỡng nâng cao sức đề kháng cho vật nuôi. Đặc biệt, phải tính toán cân đối mật độ nuôi phù hợp. Khi nắng nóng, nhiệt độ ngoài trời quá cao, tác động đến vật nuôi thì phải sử dụng hệ thống quạt làm mát, giữ cho nhiệt độ trong chuồng nuôi ở mức 27 - 28°C - ông Hùng chia sẻ.
Từ năm 2015 đến nay, ông Hùng đã chuyển sang chăn nuôi lợn theo phương pháp an toàn sinh học, sử dụng thức ăn phối trộn gồm: ngô, khô dầu đậu tương, cám gạo, bột cá khô. Qua theo dõi, lợn ăn khỏe, phát triển tốt, ít dịch bệnh, thịt lợn thơm ngon, được thị trường ưa chuộng, nhất là chi phí thức ăn rẻ hơn so với cám công nghiệp./.
Theo PV/ Khuyến nông
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn