Với thực trạng hơn 75% nông hộ có diện tích ruộng đất dưới 0,5 héc ta ở nước ta hiện nay, phần lớn những nông hộ đó không thể thoát nghèo nếu chỉ dựa vào sản xuất nông nghiệp. Ảnh: LÊ HOÀNG VŨ
Cạnh tranh toàn cầu buộc ta phải thay đổi
Trong và sau giai đoạn cách mạng dân tộc dân chủ, khẩu hiệu “người cày có ruộng” đã được đề cao rất hợp thời và thực thi một cách hiệu quả với một nền kinh tế tự cấp, tự túc lúc bấy giờ, góp phần huy động nguồn lực to lớn trong xã hội, giúp đưa cách mạng đến thắng lợi.
Thế nhưng, từ lâu, đất nước đã ngày càng hòa nhập sâu vào quá trình toàn cầu hóa cùng với nền kinh tế thị trường. Vì vậy, mọi lĩnh vực sản xuất và dịch vụ trong nước ngày càng đối mặt với sự cạnh tranh quốc tế quyết liệt, nhất là từ những nước có những mặt hàng tương tự như nước ta. Tuy đã được cảnh báo từ mấy thập niên trước, đáng lẽ chính sách nói trên phải sớm được thay thế bằng những chính sách hợp lý hơn với mục tiêu phát triển nhanh, hiệu quả nền nông nghiệp nước nhà và trước tiên vì lợi ích của chính người nông dân.
Với thực trạng hơn 75% nông hộ có diện tích ruộng đất dưới 0,5 héc ta ở nước ta hiện nay, phần lớn những nông hộ đó không thể thoát nghèo nếu chỉ dựa vào sản xuất nông nghiệp. Điều đó có thể xác định một cách dễ dàng bằng phép tính đơn giản. Cho dù họ có trồng được ba vụ lúa năng suất cao trong một năm và thu được mức lời 30% như mục tiêu phấn đấu thì mức thu nhập đó cũng không thể nào giúp được một gia đình nông dân trung bình có bốn nhân khẩu thoát nghèo được. Đó là chưa nói đến việc, trên thực tế, mức lời kỳ vọng đó không mấy khi đạt được.
Hơn 20 năm trước, khi có dịp khảo sát sản xuất nông nghiệp ở huyện Thạnh Trị, tỉnh Sóc Trăng, chúng tôi được biết có những gia đình nông dân nghèo, nếu trồng lúa trên mảnh ruộng của mình thì thu nhập không đủ sống, nhưng khi họ cho thuê ruộng và đi làm mướn thêm thì cuộc sống khá hơn nhiều. Cũng vào khoảng thời gian đó, có tin ở đồng bằng sông Cửu Long, nhiều hộ nông dân nghèo đã bán ruộng (bán quyền sử dụng đất). Sau đó, chính quyền chuộc lại ruộng cho họ, đúng với phương châm “người cày có ruộng”. Nhưng chỉ một thời gian sau họ lại bán ruộng tiếp. Nghĩa cử rất nhân bản đó không tạo ra lối thoát thực chất cho đối tượng được giúp đỡ!
Việc tạo ra một nền nông nghiệp hiện đại, bền vững đang chờ sự thay đổi trong chính sách hạn điền, song hành cùng chính sách phát triển hợp tác xã và những trang trại quy mô lớn... |
Với phương thức sản xuất cá thể nhỏ lẻ, người nông dân luôn trong tình cảnh bất lợi, từ thiếu thông tin về thị trường, đến thiếu kỹ thuật, hay làm theo phong trào, theo số đông vì lợi ích trước mắt, cả nguồn vật tư sản xuất và đầu ra đều phụ thuộc vào thương lái nên dễ bị ép giá. Không ít trường hợp họ bị lừa gạt mua những sản phẩm phân bón, thuốc bảo vệ thực vật giả hay kém chất lượng, dẫn đến mùa màng thất bát ngay cả những năm không vướng phải rủi ro về thời tiết hay dịch bệnh. Thêm vào đó, khi sản suất cá thể, nông dân thường trồng nhiều giống khác nhau, điển hình là cây lúa, dẫn đến tình trạng phần lớn lúa xuất khẩu của nước ta lẫn lộn nhiều thứ nên không có thương hiệu và tất nhiên là với giá bán thấp. Thiệt hại đó cuối cùng chính người nông dân phải gánh chịu chứ không phải các công ty xuất khẩu với quan điểm “gạo nào cũng xuất khẩu được”, vì họ luôn kiếm được lời. Phần lớn những hộ nông dân nghèo có ít ruộng đất thường thiếu kinh nghiệm và không có điều kiện để ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật thông thường, nói chi đến công nghệ cao, nên dễ bị cuốn theo xu hướng lạm dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, làm môi trường ngày càng suy thoái.
Ngược lại, những người có kinh nghiệm, có kiến thức về quản lý và thị trường, có tiềm lực tài chính để đầu tư ứng dụng công nghệ mới, dù muốn cũng không thể phát huy được thế mạnh của mình trên quy mô sản xuất nhỏ. Trong khi đó, cuộc cách mạng công nghệ lần thứ 4 trên thế giới thúc đẩy việc ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp với tốc độ ngày càng nhanh và mang lại hiệu quả vượt xa các hệ thống sản xuất cũ.
Một nền nông nghiệp hiện đại phát triển bền vững với năng suất và chất lượng sản phẩm cao, an toàn, “hữu cơ”, đòi hỏi phải thay đổi tư duy về quản lý tài nguyên thiên nhiên, trước tiên là đất và nước. Ý tưởng “sản xuất lớn” từng được đề ra ở miền Bắc từ những năm còn chiến tranh, nhưng đến nay vẫn còn một khoảng cách lớn với thực tiễn. Chủ trương cơ giới hóa, hiện đại hóa nông nghiệp bị chính những khoảnh ruộng nhỏ cản trở. Sản xuất tốn nhiều sức lao động nhưng năng suất, chất lượng thấp, giá thành cao. Việc tích tụ ruộng đất để gia tăng quy mô canh tác với công nghệ tiên tiến cũng như việc kêu gọi đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực nông nghiệp đang bị chính sách hạn điền cản trở.
Nhìn ra thế giới
Trái ngược với nước ta, nhiều nước trên thế giới giới hạn việc chia ruộng đất quá nhỏ và tạo điều kiện thuận lợi cho việc mở rộng quy mô trang trại. Chính phủ Hà Lan tạo điều kiện để một số nông dân không muốn tiếp tục làm nông nghiệp chuyển sang việc làm phi nông nghiệp có thu nhập cao hơn và tự nguyện chuyển nhượng đất cho người có khả năng sử dụng hiệu quả hơn với thủ tục đơn giản và được miễn thuế. Những nông trang sản xuất kém hiệu quả phải giải thể được nhận tài trợ, nhưng phải bán đất cho nông trang khác để mở rộng quy mô. Chính phủ chỉ chú trọng tài trợ cho các nông trang áp dụng công nghệ mới vào sản xuất. Nhờ những chính sách hợp lý nên dù diện tích của Hà Lan nhỏ hơn đồng bằng sông Cửu Long một ít, nhưng lại là một trong ba nước xuất khẩu nông sản hàng đầu trên thế giới.
Điều đó cho thấy việc tích tụ ruộng đất có chủ đích tích cực đã mang lại lợi ích to lớn cho toàn xã hội. Năm 2015 giá trị xuất khẩu nông sản của Hà Lan đạt con số kỷ lục 82,4 tỉ Euro (gần bằng một nửa GDP của nước ta). Tính bình quân mỗi người Hà Lan làm nông nghiệp tạo ra giá trị xuất khẩu khoảng 306.319 euro.
Cũng với những bước đi tương tự, từ năm 1999-2009, số nông trang ở Israel giảm từ 23.500 xuống còn 17.000. Một đất nước với diện tích chỉ có 20.770 ki lô mét vuông (bằng một nửa đồng bằng sông Cửu Long), trong đó hơn một nửa lại là sa mạc, Israel đã có bước phát triển thần kỳ nhờ đi đầu trong phát triển công nghệ cao. Israel xuất khẩu được khoảng 3 tỉ đô la Mỹ nông sản mỗi năm. Mỗi người làm nông nghiệp nuôi sống được 113 người. Lý nào nước ta, với điều kiện thiên nhiên thuận lợi hơn nhiều hai nước nói trên, lại không thể làm được như họ?
Một giải pháp khác hạn chế bất lợi của diện tích đất nông hộ nhỏ là ứng dụng công nghệ cao và tổ chức hệ thống hợp tác xã hoạt động hiệu quả. Tiêu biểu cho hướng này là Nhật Bản, nước vì những hoàn cảnh lịch sử nhất định chưa khắc phục được tình trạng ruộng vườn manh mún. Hệ thống hợp tác xã của Nhật Bản giúp người nông dân ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm hiệu quả. Nhờ vậy Nhật Bản là một trong những nước có năng suất nông nghiệp cao nhất thế giới. Theo thông báo của Bộ Nông nghiệp, Rừng và Nghề cá Nhật Bản thì nước này đã đạt được kỷ lục trong xuất khẩu nông sản, thủy sản và thực phẩm vào năm 2014, đạt giá trị 611,7 tỉ yen (khoảng 6 tỉ đô la Mỹ), mặc dù diện tích đất nông nghiệp chỉ có 4,75 triệu héc ta. Tuy vậy, cần lưu ý: trong số các nước phát triển cao trên thế giới thì Nhật Bản là nước duy nhất có thể duy trì phổ biến những mảnh ruộng nhỏ, nhờ chính phủ luôn áp dụng chính sách bảo hộ nông nghiệp rất mạnh mẽ, điều mà Việt Nam không thể làm được.
Việc tạo ra một nền nông nghiệp hiện đại, bền vững đang chờ sự thay đổi trong chính sách hạn điền, song hành cùng chính sách phát triển hợp tác xã và những trang trại quy mô lớn, mở đường cho việc tái cơ cấu nông nghiệp và ứng dụng rộng rãi công nghệ cao phù hợp với từng vùng sinh thái. Trái với mối lo ngại về việc nông dân mất đất lâu nay của nhiều người, việc thay đổi tư duy về hạn điền sẽ giúp tạo ra bước đột phá trong phát triển nông nghiệp cùng hệ thống dịch vụ đi kèm, trước tiên vì lợi ích thiết thân của chính người nông dân.
http://www.thesaigontimes.vn/
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn