Các đơn vị nhập khẩu đang xem xét lại việc nhập khẩu xoài Việt Nam. Đâu là nguyên nhân và giải pháp nào để trái xoài Việt Nam có chỗ đứng ổn định trên thị trường tiềm năng này.
Nhiều doanh nghiệp tạm dừng xuất khẩu
Mặc dù được phép xuất khẩu sang thị trường Mỹ và những trái xoài Việt Nam đã có mặt tại nước này, tuy nhiên, xoài Việt Nam đang phải cạnh tranh khốc liệt với xoài của các nước khác, nhất là các nước Mỹ La tinh.
Theo bà Phan Thị Thu Hiền, Giám đốc Trung tâm Kiểm dịch thực vật sau nhập khẩu II (Cục Bảo vệ thực vật), có 12 doanh nghiệp (DN) tham gia xuất khẩu xoài sang Mỹ. Tất cả lô hàng xuất tuân thủ tốt quy định của Mỹ, chưa có lô nào bị phát hiện vi phạm.
Tuy nhiên, cũng có một số xoài bị hư hỏng do DN chưa có kinh nghiệm, đưa xoài quá chín sang nên không để được lâu. “Đối với các mặt hàng tươi sống, việc bán ở thị trường xa luôn có lượng hư hao do vận chuyển, bảo quản, bán hàng. Với thị trường mới, những vấn đề trên là bình thường, chưa có gì đáng lo”, bà Hiền nói.
Ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Xuất nhập khẩu Vina T&T (TP. Hồ Chí Minh), cho biết, trong tổng số 130 tấn xoài xuất sang Mỹ, có gần 80 tấn của công ty. “Ngoài vận chuyển bằng hàng không, chúng tôi có 2 lô hàng đi bằng đường biển. Lô đầu tiên sau 23 ngày trên biển đã được đưa đến các chợ, siêu thị tại Mỹ với chất lượng tốt, là tín hiệu thành công trong công tác bảo quản. Đây là lô xoài tượng da xanh (còn gọi là xoài ba màu - PV), người tiêu dùng mua về có thể ăn tươi, làm gỏi hoặc chờ trái chín để ăn”
Theo bà Ngô Tường Vy, Phó giám đốc Công ty TNHH Xuất - nhập khẩu trái cây Chánh Thu (Bến Tre), DN đã xuất khẩu được khoảng 50 tấn xoài sang Mỹ. “Tuy nhiên, DN đang giãn xuất khẩu do đụng mùa trái cây tại Mỹ và xoài Mexico giá rẻ. Xoài Việt Nam giá cao hơn xoài Mexico 5-10 lần nên khó bán. Đặc biệt là, xoài cát Hòa Lộc ngon vượt trội so với xoài các nước nhưng chúng tôi đang gặp khó về bảo quản, tỉ lệ hao hụt cao. DN phải tiếp tục cải tiến công nghệ trước khi đẩy mạnh xuất khẩu vào cuối năm nay, thời điểm tiêu thụ trái cây dễ hơn”.
Công ty TNHH Xuất - nhập khẩu Mộc Phát (TP. Hồ Chí Minh) đã xuất khẩu 4 lô (4 tấn) xoài tươi sang Mỹ và cũng đang tạm dừng. Theo Ông Vương Đình Khoát, Chủ tịch HĐTV Công ty, hiện nay có nhiều DN cùng xuất khẩu xoài sang Mỹ, phải cạnh tranh lẫn nhau nên thị trường chưa ổn định. “DN không cần xuất khẩu số lượng lớn, quan trọng là hiệu quả để mọi người trong chuỗi cung ứng đều có lợi”.
Bà Nguyễn Thị Xuân Lan (Công ty Xuất nhập khẩu Đại Tân tại Mỹ) cho biết, DN nhập khẩu 8 tấn xoài đầu tiên của Việt Nam cách đây 1 tháng. Nhà cung cấp là Công ty Chánh Thu. Sau hơn 1 tháng, 2 công ty đã đưa vào thị trường Mỹ hơn 50 tấn xoài Việt Nam. Con số không phải là nhỏ so với một mặt hàng mới. Tuy nhiên, Công ty Đại Tân thông tin, có thể sẽ phải xem xét lại việc nhập khẩu xoài do mức tiêu thụ đang giảm.
Vì sao giá xoài cao?
Theo bà Lan, nguyên nhân xoài Việt Nam xuất sang thị trường Mỹ mức tiêu thụ giảm là do giá bán quá cao so với xoài của các nước trên thế giới.
Còn ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả, cho rằng, nguyên nhân xoài khó tiêu thụ là do chuyến hàng đầu tiên xuất sang Mỹ bảo quản không tốt, tỉ lệ hư hỏng, phải bỏ đi nhiều, lên tới 30 - 40%. Trong khi đó, số lượng quả chín nhiều, vỏ ngoài nhìn đẹp nhưng bên trong đã nẫu, tạo ấn tượng xấu đối với người tiêu dùng.
Tại Mỹ, xoài Việt Nam có giá khoảng 80 USD/thùng, tức 8 USD/pound (1 pound = 0,45 kg, tương đương trọng lượng một trái xoài xuất sang Mỹ). Trong khi đó, xoài của Mexico có giá chỉ 11 USD/thùng. Như vậy, giá xoài của Việt Nam cao tới gấp 8 lần so với xoài Mexico. Trong khi đó, chất lượng xoài Mexico ngang với xoài cát Chu của Việt Nam.
Mặt khác, giá xoài nguyên liệu đầu vào cao. Giá xoài thu mua trong nước khoảng 2 - 3 USD/kg (tương đương khoảng 46.000 - 70.000 đồng/kg). Đặc biệt, chi phí chiếu xạ của Việt Nam quá cao, gấp 4 lần so với Thái Lan. Cụ thể, chi phí chiếu xạ 1kg xoài của Việt Nam là 1 USD, trong khi Thái Lan chỉ 25 cent.
Cuối cùng là chi phí vận chuyển rau quả qua đường hàng không của Việt Nam cao gần gấp đôi so với Thái Lan. Nếu 1kg rau quả của Thái Lan xuất sang Mỹ chỉ mất 1,5 USD thì con số này của Việt Nam lên tới 2,5-3 USD/kg do chưa được bay thẳng sang Mỹ mà phải trung chuyển qua Hồng Kông, Đài Loan (Trung Quốc)...
“Điều này không chỉ khiến chi phí vận chuyển tăng lên mà còn kéo dài thời gian giao hàng, ảnh hưởng tới chất lượng quả xoài”, ông Nguyên nhận định.
Để xoài cạnh tranh được trên thị trường
Đây là một câu hỏi không dễ gì trả lời đối với các doanh nghiệp xuất khẩu trái xoài sang Mỹ nói riêng và các nước khác nói chung.
Để trái xoài Việt Nam cạnh tranh được với xoài của các nước trên thị trường thế giới, ngoài chất lượng, thì phải có giá bán phù hợp với từng đối tượng. Việc này cần sự vào cuộc và chung tay của nhà nước, DN, nhà vườn và các nhà khoa học.
Chi nhánh Thương vụ Việt Nam tại San Francisco (Mỹ) khuyến nghị: Các DN xuất khẩu xoài Việt Nam ngoài việc tuân thủ các quy định về vệ sinh, an toàn thực phẩm thì cần chủ động thực hiện các hoạt động xúc tiến thương mại tại thị trường Mỹ, đặc biệt là tại các khu vực có cộng đồng người Á Châu và Mỹ Latinh. Đồng thời, cần truyền tải các thông điệp khuyến khích người tiêu dùng tăng cường tiêu thụ xoài, trong đó nhấn mạnh hương thơm độc đáo của trái xoài, các giá trị dinh dưỡng và lợi ích về sức khoẻ mà xoài mang lại, và cũng cần hướng dẫn cách sử dụng, chế biến quả xoài.
Theo các DN xuất khẩu trái cây, hiện nay các nước nhập khẩu trái cây Việt Nam đặt ra các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc xuất xứ, chiếu xạ... Tuy nhiên, việc chiếu xạ cho trái cây của Việt Nam trước khi xuất khẩu đang gặp nhiều khó khăn, do rất ít đơn vị được cấp phép chiếu xạ, do vậy, dễ dẫn đến độc quyền và giá thành cao.
Ông Vương Đình Khoát, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Chiếu xạ Toàn Phát, cho biết, DN đang chờ được tham gia chương trình chiếu xạ trái cây tươi sang Mỹ nên số xoài của Công ty Mộc Phát phải đưa sang công ty khác chiếu xạ rồi mới xuất.
Khi đi vào hoạt động, Công ty TNHH Chiếu xạ Toàn Phát sẽ phá thế độc quyền về chiếu xạ hiện nay, giúp giảm giá thành cho trái cây Việt.
Đồng quan điểm, ông Nguyên bày tỏ mong muốn nhà nước có chính sách ưu đãi để thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước xây dựng thêm nhà máy chiếu xạ. Điều này giúp doanh nghiệp xuất khẩu rau quả có nhiều sự lựa chọn hơn, từ đó được hưởng giá thành cạnh tranh hơn.
Hiện nay, các doanh nghiệp đang mong chờ vào tín hiệu mở đường bay thẳng từ Việt Nam sang Mỹ. Nếu được bay thẳng, thời gian vận chuyển sẽ giảm từ 24 giờ xuống chỉ còn 13 giờ, sẽ giảm chi phí, thời gian vận chuyển chỉ còn bằng ½ nên xoài sẽ giữ được lâu hơn.
Mở được thị trường là việc khó, giữ được thị trường còn khó hơn bởi nó phụ thuộc và bị chi phối bởi rất nhiều yếu tố khách quan và chủ quan. Muốn ngành nông nghiệp phát triển, đặc biệt đối với trái cây, cần sự vào cuộc và ủng hộ của Nhà nước, các bộ, ngành, các nhà khoa học, các doanh nghiệp trong quá trình sản xuất và tiêu thụ để tăng thu ngoại tệ và nâng cao đời sống cho nông dân.
Sản xuất xoài tại chỗ của Mỹ chỉ đạt 3.000 tấn/năm, bằng 1/100 số lượng phải nhập khẩu mỗi năm. Đây là dư địa để xoài Việt Nam có cơ hội gia tăng tiêu thụ tại thị trường nước này.