Muốn có lao động, các chủ tàu phải đỏ mắt đi năn nỉ từng người về làm việc cho tàu của mình hoặc cho lĩnh trước tiền công hậu hĩnh.
Con tàu gỗ công suất 700CV vừa cập bến Gio Việt cũng là lúc mười lao động trên tàu ra về với gia đình sau mấy tuần lênh đênh làm nghề đánh cá trên biển. Chủ tàu, ngư dân Lê Văn Hoàng ở thôn Xuân Lộc, xã Gio Việt hối hả nhắc vợ cho mỗi lao động ứng vài triệu đồng để họ chi tiêu trong thời gian ở nhà.
Dù làm ăn tốt nhưng mỗi chuyến đi biển ông Hoàng cũng đỏ mắt mới tìm đủ lực lượng lao động |
Ông Hoàng phân bua số tiền gửi trước này được dân đi biển xem như tiền “giữ chân” lao động. Nếu mình không “trói” người ta như vậy thì các tàu khác lôi kéo hết lao động, đến ngày đi biển tàu mình cũng không đủ quân số mà ra khơi.
Gia đình ông Hoàng có hai chiếc tàu đánh cá công suất mỗi chiếc trên 500 CV. Ông Hoàng tự hào không phải tàu nào đi biển cũng ăn ra làm nên như đôi tàu của gia đình nên những năm trước các lao động biển rất muốn đi làm ăn với ông. Mỗi chiếc tàu ông sử dụng 10 lao động cho mỗi chuyến đi đánh cá hai tuần trên biển rồi trở về đất liền bán sản phẩm. Những ngày còn đông lao động trên bờ, mỗi lần chuẩn bị ra khơi ông Hoàng rất đau đầu không biết bỏ ai, chọn ai cho lên tàu đi đánh cá. Nhiều người được ông Hoàng chọn đi chuyến nay thì chuyến sau phải vui vẻ ở nhà để người khác đi hoặc đi sang tàu khác có thu nhập ít hơn.
Nhưng kể từ năm trước, khi có phong trào đi xuất khẩu lao động sang Hàn Quốc, Nhật Bản, trai tráng trong làng kéo nhau đi hết nên mỗi chuyến đi biển ông Hoàng phải đỏ mắt đi tìm lao động. Các chủ tàu nghĩ ra nhiều kế sách để giữ chân lao động của mình. Song vì quá thiếu lao động nên nhiều chủ tàu đành bó tay, có tàu đến ngày ra khơi mà chưa tìm đủ lao động nên phải nằm bờ hoặc sử dụng lao động tay nghề non để ra biển.
Trong vai người tìm lao động đi biển cung ứng cho các tàu đánh bắt xa bờ, tôi gặp ông Bùi Xuân Tấn ở khu phố 5, thị trấn Cửa Việt. Chỉ tay về phía các làng biển, ông Tấn than thở đợt này thiếu người đi biển quá nên hầu hết các chủ tàu đang tích cực đi tìm lao động ở khắp nơi. Phải đi tìm thì mới có người đi biển được, chứ ngồi ở nhà chờ thì không biết bao giờ mới đủ người để ra khơi. Ông Tấn là chủ tàu cá công suất 700 CV, hành nghề lưới rê bùng nhùng ở ngư trường vịnh Bắc Bộ và Hoàng Sa. Cách đây hơn 7 năm, ông mua lại tàu cũ của một người trong vùng rồi tu sửa lại, mua máy to để ra khơi.
Những năm trước, tàu của ông tạo việc làm thường xuyên cho khoảng 8 đến 9 lao động địa phương. Hai năm trở lại đây, lao động biển ngày càng thiếu nên ông Tấn phải đầu tư mua sắm thêm máy tời, máy kéo lưới… nhằm giảm sức lao động, tăng năng suất công việc. Trước đây trên tàu của ông Tấn chỉ có 1 máy kéo lưới. Nay vì thiếu lao động trên tàu nên ông Tấn mua thêm 1 máy kéo nữa. Mặc dù có máy móc thay thế con người nhưng hiệu quả khai thác thủy sản thì lại không nhanh bằng khi đủ lao động ở các vị trí.
Muốn có đủ người đi biển, ông Tấn phải cất công đến những vùng khác để tìm và săn đón họ về với mình. Được thể nên các lao động cũng ra giá, họ không chủ động tới xin chủ tàu để được đi biển mà chủ tàu phải tới tận nhà họ để động viên và kêu gọi ngư dân đi cùng tàu của mình. Lúc trước, bình quân mỗi lao động trên tàu ông Tấn được trả công từ 40 đến 50 triệu đồng/năm. Để thu hút ngư dân đi biển với mình nay ông Tấn phải trả công cho mỗi người 80 đến 90 triệu đồng/năm, nhưng sản phẩm thu được trên biển ngày càng ít đi vì thiếu người tham gia khai thác biển nên chuyến ra khơi nào của ông cũng thua lỗ.
Trần Thanh Trúc ở thôn Xuân Ngọc, xã Gio Việt vừa tốt nghiệp THPT. Trúc có cha và anh làm nghề đi biển. Nhưng Trúc thì suy nghĩ khác. Phân tích năng lực hiện tại của mình, Trúc tự hào rõ ràng tuổi đôi mươi sức khỏe tràn trề nên em không chấp nhận làm nghề truyền thống đi biển mỗi tháng được vài triệu đồng. Trúc và bạn bè đã dùng zalo, facebook để giới thiệu thế mạnh lao động của mình đến các công ty tuyển dụng lao động xuất khẩu để mong ra nước ngoài làm việc, kiếm thu nhập cao hơn trong nước rất nhiều. Rõ ràng những con em của biển bây giờ sẵn sàng bỏ nghề truyền thống của cha ông, chọn con đường xuất khẩu lao động sang Hàn Quốc, Nhật Bản để tiến thân. Sang bên đó làm việc dù có cực nhọc hơn nhưng mỗi tháng họ dành dụm gửi về cho gia đình vài chục triệu đồng, đó là một thực tế của cuộc sống mà không có gì thuyết phục hơn đối với thanh niên mới lớn. Họ ra đi chấp nhận bán sức trẻ của mình để kiếm về được đồng tiến xứng đáng cho bản thân, gia đình.
Các chủ tàu ở xã Gio Việt và Thị trấn Cửa Việt kiếm được lao động đủ cho các tàu thuyền ra khơi bây giờ rất khó |
Chủ tịch xã Gio Việt Nguyễn Thanh Thương phân tích khi tuổi trẻ đã không còn chọn con đường theo nghiệp cha ông tiếp tục đi biển tìm kế mưu sinh mà ào ào đi xuất khẩu lao động; lực lượng bạn thuyền ở nhà thì ngày càng cao tuổi phải nghỉ nghề biển vì không đủ sức làm việc nặng đã làm cho lao động biển đã khan hiếm lại càng khan hiếm hơn. Cùng với đó là sự ra đời của lực lượng tàu vỏ thép 67 có công suất lớn tăng nhanh đã sử dụng rất nhiều lao động biển, mà việc đào tạo cung cấp nhân lực cho nghề biển của địa phương lại quá yếu kém nên không kịp bổ sung nguồn lực lao động tại chỗ dẫn đến tình trạng quá khan hiếm lao động đi biển ngày càng trầm trọng.
Tỉnh Quảng Trị có tổng số hơn 2 ngàn tàu thuyền với tổng công suất gần 120 ngàn CV. Sau khi Chính phủ ban hành Nghị định 67, trên địa bàn tỉnh có 24 tàu vỏ thép được đóng mới thì nhu cầu sử dụng lao động biển rất lớn. Chỉ có con đường muốn có đủ lao động bền vững thì ngư dân phải hiện đại hóa tàu cá, áp dụng công nghệ, máy móc hiện đại để giảm nguồn nhân công nhưng vẫn đảm bảo năng suất và hiệu quả khai thác cao. Chứ tình trạng thiếu người đi biển như hiện nay, bỏ trống ngư trường thì ai cũng lo lắng, chứ không phải riêng ngư dân.
Tàu vỏ thép cũng gặp khó Thiếu lao động đi biển tưởng chỉ diễn ra ở tàu vỏ gỗ, song thực tế tàu vỏ thép cũng thiếu lao động nếu như không chuẩn bị từ trước. Ông Đoạn Văn Dũng ở thị trấn Cửa Việt là chủ tàu vỏ thép mới đóng trên 15 tỷ đồng. Để đủ số lượng 20 lao động thường xuyên trên tàu ông Dũng phải huy động hết con cháu dòng họ tham gia đi biển. Để giữ chân các lao động, chủ các tàu vỏ thép trả lương trước mỗi tháng 3,5 triệu/người. Sau đó đi biển trúng thì được chủ trả thêm, còn khai thác thua lỗ thì chủ tàu đành chịu mọi khoản chi phí. Không nói đâu xa, tàu vỏ thép của ông Đoạn Văn Dũng chuyến đi biển vừa rồi kéo dài đến 15 ngày, sau khi tính toán các khoản trả lương, tiền dầu thì bị lỗ nặng. Nếu tình trạng thiếu lao động kéo dài, việc trả nợ của các chủ tàu cho ngân hàng gặp khó khăn. Chỉ cần trả lãi chậm thời hạn là bị ngân hàng phạt. |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn