Từ đầu năm tới nay, giá đường liên tục giảm, lượng tiêu thụ của các nhà máy chậm khiến ngành đường lâm vào cảnh khó khăn. Nông dân cũng chật vật khi giá mía giảm 150.000 - 200.000 đồng/tấn so với vụ sản xuất 2016 - 2017. Trong khi đó, Hiệp định Thương mại tự do hàng hóa ASEAN (ATIGA) có hiệu lực từ 2018, xóa bỏ hạn ngạch thuế quan đường, khiến sản phẩm trong nước phải đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt từ đường nhập khẩu, đặc biệt là đường Thái Lan.
Ông Phạm Quốc Doanh - Chủ tịch Hiệp hội Mía đường Việt Nam - đã có những chia sẻ với NDH về những thách thức đối với ngành trong năm 2018:
Ông Phạm Quốc Doanh, Chủ tịch Hiệp hội Mía đường Việt Nam.Ảnh: Một thế giới
- Hiện nay tồn kho đường cả nước đã vượt trên 400.000 tấn, trong khi giá đường liên tục giảm và "điệp khúc" này kéo dài suốt nhiều năm. Ông đánh giá thế nào về hiện trạng trên?
- Tồn kho là chuyện hết sức bình thường trong kinh doanh, vấn đề là cao hay thấp. 400.000 tấn vẫn là mức trung bình, thậm chí thấp hơn so với cùng kỳ năm 2017, chủ yếu do tồn kho từ năm ngoái cộng thêm sản lượng của các nhà máy từ đầu năm tới nay. Diện tích trồng mía ở mức 280.000 ha tức là vẫn đang nằm trong quy hoạch 300.000 ha.
Tuy nhiên, năm nay ngành đường gặp nhiều khó khăn lớn khi giá giảm quá thấp, xấp xỉ giá đường nhập lậu. Tốc độ bán hàng cũng chậm so với cùng kỳ năm trước nên việc thanh toán tiền mía cho bà con cũng khó khăn hơn.
- Từ năm 2018, hiệp định thương mại tự do ATIGA có hiệu lực, đường nội địa phải cạnh tranh khốc liệt với nước ngoài, đặc biệt là Thái Lan. Cùng với những thách thức nêu trên, ông cho rằng Việt Nam cần làm gì để chuẩn bị cho "cuộc chiến" này?
- Hiệp định ATIGA vừa là cơ hội cũng vừa là thách thức đối với ngành đường. Các doanh nghiệp bắt buộc phải thay đổi công nghệ, thiết bị để hạ giá thành sản xuất. Chi phí sản xuất mía và đường ở nước ta vẫn còn cao nên việc cạnh tranh sẽ rất khó khăn.
Đặc biệt khi giảm giá thành trồng mía, người nông dân sẽ được hưởng lợi nhuận cao trong khi giá đường bán ra lại rất cạnh tranh bởi chi phí nguyên liệu đầu vào này chiếm tới 75-80% giá. Vì vậy, nhiều nhà máy và nông dân bắt đầu tìm cách để hạ chi phí sản xuất.
Tỉnh Hậu Giang đặt mục tiêu giá thu mua mía chỉ còn 500.000 đồng/tấn so với mức giá 850.000 đồng/tấn như hiện tại. Như vậy, các nhà máy có thể tự tin cạnh tranh với Thái Lan vì họ đang mua với giá 600.000 đồng/tấn, chưa kể các chế độ ưu đãi khác. Đồng thời, nông dân vẫn lãi khoảng 300.000-400.000 đồng/tấn.
Ảnh: VnEconomy
Bên cạnh đó, Việt Nam cũng cần nâng cao trữ đường trong cây mía. Chất lượng mía hiện vẫn thấp do giống chưa tốt và canh tác còn thủ công.
Đối với khâu chế biến, chúng ta cần nâng cao hiệu suất thu hồi của nhà máy và tận dụng các sản phẩm sau đường. Chẳng hạn như phần bã mía được sử dụng cho các nhà máy phát điện, mật dỉ dùng để sản xuất ethanol, phần bã bùn dùng làm phân bón. Đây cũng sẽ là nguồn thu cho các nhà máy từ đó hạ giá thành của đường và cạnh tranh với các đối thủ trong khu vực.
Hiệp hội Mía đường Việt Nam đang phối hợp cùng với các bộ ngành liên quan xây dựng đề án cơ cấu lại ngành mía đường. Bên cạnh đó, hiệp hội sẽ đưa ra những biện pháp giải quyết đồng bộ phù hợp với cơ chế thị trường, hội nhập kinh tế quốc tế.
- Ông nhận định thế nào về xu hướng tăng cường xuất khẩu đường của Thái Lan cũng như khả năng sử dụng các biện pháp bảo hộ ngành đường trong tương lai?
- Thái Lan có chiến lược phát triển ngành đường rất rõ ràng, lộ trình đến năm 2030 thậm chí đến năm 2064. Vì vậy, họ có chính sách hỗ trợ xuất khẩu. Năm ngoái, sản lượng đường của Thái Lan đạt 11 triệu tấn trong đó tiêu thụ nội địa chỉ khoảng 2 triệu tấn còn lại dùng để xuất khẩu.
Ngay cả khi ký hiệp định ATIGA, Thái Lan cũng tỏ rõ tham vọng chiếm lĩnh thị trường châu Á, đặc biệt là ASEAN. Trong số 4 nước sản xuất đường là Thái Lan, Việt Nam, Phillipines và Indonesia, chỉ có Thái Lan dư đường xuất khẩu. Tất cả các nước còn lại, kể cả Việt Nam, Phillipines và Indonesia trở thành thị trường tiêu thụ đường của Thái Lan. Trong khi đó, theo chiến lược phát triển ngành đường năm 2030, sản lượng đường nước này sẽ đạt tới 30 triệu tấn.
Về vấn đề bảo hộ ngành đường, Việt Nam chưa bao giờ thực hiện biện pháp này. Khi đàm phám các hiệp định thương mại tự do, các nước nước đều coi đường là một trong những mặt hàng đặc biệt nhạy cảm. Theo đó, hầu hết các nước đều đưa ra mục về quản lý hạn ngạch thuế quan đối với ngành đường để hạn chế nhập khẩu. Ngay cả Thái Lan cũng phải thực hiện biện pháp này. Vì vậy, nhiều người hiểu sai rằng chúng ta đang thực hiện bảo hộ ngành đường nhưng thực tế không phải.
Tuy nhiên, riêng hiệp định ATIGA bỏ hạn ngạch thuế quan và khiến nhiều người lo ngại ngành đường trong nước sẽ bị ảnh hưởng.
Để giải quyết bài toán có nên bảo hộ ngành đường trong nước hay không, chúng ta cần phải đánh mức độ tác động của đường nhập khẩu đối với các nhà máy và đời sống nông dân trồng mía. Nếu đường nhập khẩu ảnh hưởng lớn đến ngành đường nội địa, các cơ quan chức năng sẽ điều tra và đề xuất những biện pháp phòng vệ.
- Theo ông, triển vọng ngành đường năm 2018 như thế nào?
- Năm nay sẽ là năm khó khăn nhất của ngành đường, theo chu kỳ 5-7 năm/lần. Như vậy phải hết năm, thị trường đường mới khởi sắc trở lại. Chi phí sản xuất của các nhà máy hiện dao động 11.000 - 13.000 đồng/kg. Trong khi đó, một số nhà máy đã phải hạ giá đường xuống còn 11.500 đồng/kg nhưng vẫn phải bán. Trong khi đó, đường nhập lậu bán với giá chỉ 11.000 đồng/kg. Tuy nhiên, khác với năm ngoái, lượng đường nhập lậu vào Việt Nam ít hơn do mức chênh lệch về giá chỉ 500 đồng.
Tương tự với thị trường đường thế giới năm 2018. Bắt đầu từ năm nay, hạn ngạch sản xuất đường củ cải ở châu Âu được gỡ bỏ vì vậy sản lượng đường khu vực này tăng nhanh. Ngoài ra Thái Lan, Trung Quốc và Ấn Độ năm nay "được mùa" mía nên sản lượng đường tăng mạnh. Vụ mùa năm nay, sản lượng đường Thái Lan được dự đoán sẽ đạt 12,5 triệu tấn. Riêng sản lượng đường của Brazil giảm do nước này tập trung sử dụng mía để sản xuất ethanol.
Theo ndh.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn