Cán bộ, nông dân phấn khởi
Thưa Chủ tịch, việc tổ chức cuộc đối thoại giữa Thủ tướng Chính phủ với nông dân có ý nghĩa như thế nào?
- Thực hiện phương thức lãnh đạo của Đảng theo tư tưởng của Bác Hồ lấy công, nông là gốc; công, nông là chủ thể, Đảng và Nhà nước ta đặc biệt quan tâm đến việc lắng nghe nhân dân, nhất là người nông dân để có những quyết sách sát thực, hiệu quả trong phát triển nông nghiệp, nông dân và nông thôn. Tinh thần này đã thể hiện rất rõ trong Nghị quyết các Đại hội Đảng, đặc biệt là Nghị quyết số 26 của BCH T.Ư Đảng khóa X về phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn.
Theo tinh thần đó, T.Ư Hội NDVN chủ trì tổ chức Hội nghị Thủ tướng đối thoại với nông dân. Tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ sẽ trao đổi trực tiếp với nông dân những chủ trương lớn của Đảng, chính sách của Nhà nước về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; đồng thời lắng nghe những đại biểu nông dân đại diện cho hơn 10 triệu hội viên, nông dân cả nước nói lên tâm tư, nguyện vọng, nêu lên những khó khăn, vướng mắc trong phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới với người đứng đầu Chính phủ một cách trực tiếp nhất.
Thủ tướng sẽ giải đáp, tiếp thu và chỉ đạo chính quyền các cấp, đặc biệt là các bộ, ngành phối hợp với các cấp Hội ND cũng như Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội giải quyết có hiệu quả và phù hợp với thực tế người nông dân đòi hỏi.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc gặp gỡ nông dân bên lề Hội nghị đối thoại với nông dân năm 2018. (ảnh: Đàm Duy)
Được biết đây là lần thứ 2 T.Ư Hội NDVN chủ trì tổ chức Hội nghị Thủ tướng Chính phủ đối thoại với nông dân. Vậy kết quả cuộc đối thoại lần thứ nhất ra sao thưa Chủ tịch?
- Ở cuộc đối thoại lần thứ nhất, nông dân đã trực tiếp phản ánh với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về những vấn đề lớn, quan trọng còn nhiều khó khăn, vướng mắc trong nông nghiệp, nông thôn hiện nay như: Chính sách tín dụng, đất đai, thị trường nông sản, quản lý vật tư nông nghiệp, áp dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp, môi trường nông thôn, chương trình xây dựng nông thôn mới…
Ngay sau cuộc đối thoại đó, Văn phòng Chính phủ đã có Công văn số 6158/VPCP-QHĐP truyền đạt ý kiến của Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành liên quan như Bộ NNPTNT, Bộ Công Thương, Bộ Tài nguyên Môi trường, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam... cùng vào cuộc tháo gỡ ngay những vướng mắc cho nông dân.
Giải quyết những “điểm nghẽn”
Vậy tại cuộc đối thoại này, Chủ tịch kỳ vọng sẽ giải quyết được vấn đề gì đang cấp thiết nhất đối với người nông dân?
Với tư cách vừa là người bạn đồng hành với Chính phủ, vừa là tổ chức chính trị xã hội giám sát Chính Phủ, nhất là các bộ ngành và UBND các tỉnh; Hội ND các cấp phải chủ động và phối hợp chặt chẽ với nữa với Chính phủ và chính quyền địa phương thì mới tháo gỡ được vấn đề này trong năm 2020”. Đồng chí Thào Xuân Sùng |
- Qua tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa X (Nghị quyết 26-NQ/TW) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn và tổng kết 10 năm xây dựng nông thôn mới, chúng ta thấy rằng bên cạnh những thành tựu rất lớn mà Đảng, Nhà nước đã hỗ trợ, giúp đỡ để người nông dân phấn đấu thực hiện được mong ước của mình với tinh thần nhà nước và nhân dân cùng làm thì vẫn còn một số “điểm nghẽn” nhất là về cơ chế, chính sách. Tại hội nghị đối thoại với Thủ tướng vào ngày 10/12 hy vọng sẽ tiếp tục tháo gỡ những “điểm nghẽn” này.
Một trong những “điểm nghẽn” chính là cơ chế để liên kết 6 nhà mà Thủ tướng đã kết luận tại hội nghị đối thoại lần thứ nhất được tổ chức chức ở Hải Dương ngày 9/4/2018.
Hiện nay, liên kết giữa nông dân với nông dân, nông dân với hợp tác xã, với chi hội nông dân thì chúng ta đã thành công bước đầu nhưng nông dân liên kết với nhà khoa học, ngân hàng, nhà nước, nhà doanh nghiệp, nhà phân phối còn rất yếu. Cần phải có cơ chế quản lý để phát huy được sức mạnh nội lực của các thành phần kinh tế nói trên...
“Điểm nghẽn” thứ 2 là về đất đai. Mặc dù Đảng, Nhà nước ban hành khá nhiều chính sách nhưng cho đến nay nông dân muốn thực hiện sản xuất quy mô lớn bằng việc tích tụ ruộng đất vẫn còn thực hiện rất khó.
Đây là một “điểm nghẽn” mà tôi cho rằng tháng 5/2020 Quốc hội mới thảo luận và thông qua dự thảo sửa đổi Luật Đất đai. Nhưng mà một số điểm để tích tụ ruộng đất theo quy mô sản xuất hàng hóa lớn tập trung chuyên canh thì Thủ tướng có thể ban hành những quyết định riêng rẽ, linh hoạt để liên kết 6 nhà...
“Điểm nghẽn” thứ 3 là trình độ của người nông dân. Thực hiện Quyết định 1956 của Chính phủ về đào tạo nghề cho lao động thôn, bên cạnh những kết quả đạt được thì vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế. Hiện nay, nông dân Việt Nam vẫn chưa có được “3 biết”, đó là: Biết tính toán, biết xây dựng kế hoạch sản xuất, biết tiêu thụ tiêu dùng hàng hóa do mình làm ra.
Khi năng lực trí tuệ không có, người nông dân đổ xô về các thành phố, kiếm việc làm. Điều đó không chỉ làm cho chất lượng nguồn nhân lực nông thôn giảm xuống mà còn tạo áp lực rất lớn cho các đô thị.
“Điểm nghẽn” thứ 4 trong nhóm câu hỏi gửi Thủ tướng Chính phủ, đó là việc sản xuất, cung ứng và sử dụng phân bón đang tồn tại nhiều hạn chế, tiêu cực, nhất là nạn phân bón kém chất lượng và giá cả không ổn định, công tác thanh tra và xử lý chưa được quan tâm đúng mức. Về phương diện quản lý nhà nước, chắc chắn đồng chí Thủ tướng và các Bộ trưởng sẽ hết sức quan tâm vấn đề này.
Thứ 5, theo tôi trong hội nghị này, nông dân không chỉ đòi hỏi Thủ tướng mà Thủ tướng cũng có quyền đòi hỏi nông dân, Hội ND. Tự thân của người nông và Hội ND cũng là 1 “điểm nghẽn”. Hơn 10 triệu hội viên nông dân là nòng cốt chủ thể, ta tiếp tục đẩy mạnh phong trào nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, chấm dứt hiện tượng sản xuất chuồng 2 ngăn, rau 2 luống khá phổ biến hiện nay.
Đây làm năm thứ 2 Thủ tướng đối thoại với nông dân, tôi tin rằng Thủ tướng sẽ có những quyết đáp mới để từng bước giải quyết có hiệu quả mong muốn của đồng bào nông dân cả nước
Xin cảm ơn Chủ tịch!
Theo Thu Hà/ Dân Việt
http://danviet.vn/nha-nong/chu-tich-hoi-ndvn-giai-quyet-5-diem-nghen-cho-nong-dan-1039551.html
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn