Trong 2 ngày 5 và 6.2, đồng chí Lại Xuân Môn Ủy viên Trung ương Đảng - Chủ tịch Ban chấp hành T.Ư Hội Nông dân Việt Nam, Phó Trưởng ban chỉ đạo Đề án 61 Trung ương đã có chuyến công tác, kiểm tra thực hiện Đề án 61 về “Nâng cao vai trò, trách nhiệm của Hội NDVN trong phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới và xây dựng giai cấp nông dân Việt Nam giai đoạn 2010-2020” tại Kon Tum và Gia Lai.
Đồng chí Lại Xuân Môn thăm mô hình hồ tiêu tại thị trấn Phú Hòa, Chư Păh.
Qua đó, Chủ tịch TƯ Hội NDVN Lại Xuân Môn đã ghi nhận những thành công bước đầu của các địa phương trong quá trình triển khai dự án, đồng thời nhắc nhở các cấp Hội phải thường xuyên quan tâm đến đời sống bà con nông dân và mỗi cán bộ cần phải gần dân hơn, không được làm hời hợt qua báo cáo mà phải “biết lắng nghe dân nói”.
Sáng 6.12, đồng chí Lại Xuân Môn cùng đoàn công tác đã xuống đồng thăm mô hình kinh tế của ông Trần Văn Tiếp và anh Nguyễn Đức Hiền (ở thị trấn Phú Hòa, huyện Chư Păh, Gia Lai). 2 chủ hộ đã xúc động khi được Chủ tịch Hội NDVN ghé thăm và động viên.
Nông dân Trần Văn Tiếp nói: “Có thời điểm gia đình tôi lâm vào cảnh rất khó khăn, thiếu vốn lẫn kiến thức nông nghiệp. Nhưng nhờ được Hội nông dân địa phương thường xuyên tổ chức các lớp hỗ trợ kỹ thuật, giới thiệu mô hình hay nên học hỏi được rất nhiều. Cách đây không lâu, nhờ Hội, gia đình tôi được vay 30 triệu đồng để có chi phí mua phân bón phục hồi vườn cà phê, hồ tiêu vượt hạn”.
Ông Tiếp giờ đã có cơ ngơi khá vững với 2,2 ha cà phê, hồ tiêu 600 gốc, gần 2.000 con gà và 500 con ngan nuôi thả vườn thu nhập hàng năm không dưới 150 triệu. Đặc biệt, vườn của ông không tốn tiền bón phân và làm cỏ nhờ thả hàng nghìn con gà vịt trong vườn.
Sau khi thăm mô hình, đồng chí Lại Xuân Môn đánh giá: Mặc dù 2 mô hình không thuộc diện “thu nhập khủng” nhưng hướng đi trong việc phát triển kinh tế rất tốt. Các hộ đều biết tận dụng, kết hợp các cây trồng vật nuôi tạo nên hiệu quả kinh tế cao hơn bình thường.
Tuy nhiên, Chủ tịch Lại Xuân Môn cho rằng, người nông dân vẫn thiếu tính chủ động trong việc tìm đầu ra cho sản phẩm. Do đó, các cấp hội nên chủ động định hướng thị trường, cung cấp thông tin cho nông dân thì họ mới yên tâm sản xuất.
Buổi chiều cùng ngày, trong buổi làm việc với Tỉnh ủy Gia Lai, ông Võ Thanh Hùng – Trưởng Ban dân vận, Trưởng Ban chỉ đạo Đề án 61 tỉnh cho biết: Đến nay, Hội ND tỉnh đã phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội giúp nông dân vay vốn sản xuất với tổng dư nợ gần 1.124 tỷ đồng; Ngân hàng NNPTNT nông dân vay trên 338 tỷ đồng và phát triển quỹ hỗ trợ nông dân lên trên 13 tỷ đồng. Đồng thời, đã chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật cho 180.000 lượt người, phối hợp các doanh nghiệp, công ty cung ứng vật tư nông nghiệp, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật… theo phương thức trả chậm cho nông dân nên đã tạo nên hiệu quả rất lớn.
Đồng thời, ông Võ Thanh Hùng kiến nghị, cần có cơ chế ưu đãi tăng mức vốn vay đầu tư và giảm lãi suất tiền vay, miễn giảm thuế cho các nhà đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp nông thôn và có cơ chế riêng cho vùng nông thôn, chuyển giao khoa học kỹ thuật cho nông dân, điều chỉnh lại một số tiêu chí nông thôn mới cho phù hợp với từng vùng, từng địa phương… tạo điều kiện cho nông dân sản xuất kinh doanh và chăn nuôi đảm bảo có lãi…
Sau khi nghe báo cáo, đồng chí Lại Xuân Môn nhấn mạnh: Nông dân Việt Nam xưa nay luôn cần cù chịu khó, chưa lùi bước trước khó khăn bao giờ. Nhưng để hướng đến giai cấp nông dân làm chủ thì cần phải nắm vững kiến thức, biết áp dụng khoa học và sản xuất, tay nghề… mà trong đó, cấp hội phải đóng vai trò “bà đỡ” tận tụy và đầy trách nhiệm.
"Do đó, các cấp hội và các ban ngành liên quan cần tập trung, phối hợp chặt chẽ, chăm lo cho người dân phát triển kinh tế vững chắc. Đồng thời hướng đến hỗ trợ đầy đủ mọi mặt về khoa học kỹ thật, thông tin thị trường, pháp lý… để người nông dân luôn ở thế chủ động về kinh tế lẫn đời sống", Chủ tịch Hội NDVN Lại Xuân Môn khẳng định.
Tác giả bài viết: Ngọc Tấn
Nguồn tin: danviet.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn