Cán bộ Sở Y tế Hà Nội kiểm tra nhanh mẫu thực phẩm trên xe chuyên dụng.
Theo số liệu của Sở Công thương, trung bình mỗi năm Hà Nội tiêu thụ khoảng 890 nghìn tấn gạo, 139 nghìn tấn thịt lợn, 42 nghìn tấn thịt gà, 900 nghìn tấn rau… Trong đó sản xuất tại chỗ mới chỉ cung cấp được 69% thịt gia súc, 60% rau củ tươi và 28% hoa quả tươi, còn lại phải nhập từ các địa phương khác hoặc nhập khẩu. Tình trạng sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng thực phẩm không bảo đảm an toàn vệ sinh trên địa bàn thành phố đang diễn biến phức tạp, từ nguồn cung ứng hàng đến khâu lưu thông. Một số sản phẩm lưu thông trên thị trường đến các bếp ăn tập thể và gia đình vẫn chưa bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP), gây bức xúc trong nhân dân. Trong nhiều năm qua, các ngành chức năng đã có nhiều chương trình hợp tác nhằm đem thực phẩm sạch đến người tiêu dùng. Riêng ngành y tế, công tác thanh, kiểm tra được đẩy mạnh đã góp phần ngăn chặn, xử lý kịp thời các vi phạm về ATVSTP. Ðáng chú ý, nhiều mô hình kiểm soát ATVSTP được triển khai, đạt hiệu quả tốt, như mô hình kiểm soát ATVSTP tại bữa cỗ tập trung đông người; mô hình bảo đảm ATVSTP tại tuyến phố văn minh; sử dụng xe kiểm nghiệm nhanh để tăng tính phòng ngừa… Bên cạnh kết quả đạt được, chất lượng thực phẩm tươi sống vẫn chưa tạo được niềm tin cho người tiêu dùng. Việc kiểm soát tình trạng sử dụng phụ gia trong chế biến thực phẩm còn khó khăn. Thực phẩm kém chất lượng, hàng lậu lưu thông trên thị trường dẫn tới các vụ ngộ độc. Theo thống kê của Sở Y tế, trong sáu tháng đầu năm, trên địa bàn có 33 ca ngộ độc rượu có chứa methanol, trong đó có bảy ca tử vong. Theo kết quả thanh tra, kiểm tra ATVSTP của Sở NN-PTNT tại 1.921 cơ sở sản xuất, kinh doanh nông, lâm, thủy sản từ đầu năm đến nay, đã phát hiện 246 cơ sở vi phạm, chiếm 12,8%. Xuất phát từ thực tế trên, mới đây, Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Hà Nội phối hợp Sở Y tế, Sở NN-PTNT, Sở Công thương, Ủy ban MTTQ thành phố đã khởi động chương trình "Bữa ăn an toàn" và ra mắt trang thông tin điện tử "buaanantoan.vn". Ðây là hoạt động nhằm kết nối chuỗi cung cấp thực phẩm an toàn từ trang trại tới bàn ăn của mỗi gia đình. Theo Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Hà Nội, hiện nay, Hà Nội đã có 324 chuỗi cung ứng sản phẩm nông, lâm, thủy sản được giám sát, kiểm soát an toàn thực phẩm theo chuỗi. Tuy nhiên, để chuỗi cung ứng sản phẩm tới được các bếp ăn, bàn ăn của từng gia đình vẫn cần một sự kết nối rộng hơn với nội dung sát thực hơn, gồm năm nhà: Nhà nước, nhà khoa học, nhà báo, nhà doanh nghiệp và người tiêu dùng. Thương trình "Bữa ăn an toàn" sẽ được thực hiện theo bốn giai đoạn, kéo dài từ nay đến năm 2020 và tiếp tục duy trì sau đó. Giai đoạn một đã được triển khai từ tháng 5-2017 với nội dung chính là tổ chức các hội nghị triển khai kế hoạch tới các ban, ngành, đoàn thể, lựa chọn và khảo sát các khu vực chung cư thí điểm, và kết nối với các cơ quan truyền thông đưa tin tuyên truyền về ý nghĩa và các hoạt động của chương trình. Xác định truyền thông là khâu quan trọng, nhờ đó chương trình được phổ biến tới từng hộ nông dân, chủ trang trại, doanh nghiệp thực hiện các quy định và ký kết bảo đảm ATTP. Trong giai đoạn 2017 - 2020, hoạt động đáng chú ý là xây dựng các gian hàng cố định "Bữa ăn an toàn" tại 30 chung cư. Hiện tại có khoảng hơn 200 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trên địa bàn thành phố đã đăng ký tham gia chương trình "Bữa ăn an toàn" ở tất cả các loại hình từ sản xuất, chăn nuôi, trồng trọt đến chế biến, lưu thông.
|
Theo NHẬT HOÀNG/nhandan.vn |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn