Trong khi đó, nhiều nông dân bám trụ ở lại, trồng cây ăn trái thay thế vườn tiêu.
Nông dân Nguyễn Đình Nhiên (53 tuổi, xã Ia Blư, huyện Chư Pưh, Gia Lai) mất trắng hơn hai tỷ đồng, khi trên 1.600 trụ tiêu của gia đình ông bị chết khô. Không như nhiều người khác bỏ xứ trốn nợ, ông Nhiên mạnh dạn nhổ bỏ toàn bộ số tiêu chết, cải tạo lại đất và thay thế bằng cây ăn trái. Trên 300 cây bơ Booth ông trồng trên diện tích hơn 1ha tiêu chết, giờ đã cho trái bói, có trái nặng gần 1kg.
Những vườn hồ tiêu xanh tốt ngày nào, giờ chỉ là thế này |
"Thấy nhiều người trồng xen cây ăn trái, có người nhổ bỏ hẳn vườn tiêu để trồng cây ăn trái, tôi cũng đánh liều làm theo. Cây phát triển rất tốt và đã cho trái bói, nhưng tôi cũng rất lo về thổ nhưỡng, khí hậu liệu có hợp? Lại còn đầu ra của sản phẩm nữa… Rất mong chính quyền và ngành nông nghiệp hướng dẫn, phân tích cho chúng tôi về cách trồng các loại cây ăn trái, cây ngắn ngày để cùng với nông dân giải quyết khó khăn trước mắt. Năm 2017, vườn bơ của tôi cho trái bói, có những trái nặng gần 1kg nên hy vọng năm 2018 sẽ cho lợi nhuận cao từ vườn bơ này”. ông Nhiên nói.
Ngoài bơ Booth, ông Nhiên còn trồng thêm 200 gốc ổi và hơn 100 gốc na. với hy vọng sẽ "vớt vát" được thiệt hại từ vườn tiêu bị chết.
Cũng ở xã Ia Blưh, Trần Quốc Toản ( 39 tuổi) quyết định phá bỏ 5ha tiêu bị chết, thay thế bằng cây ăn trái. Ông cho biết: "Biết không thể phục hồi vườn tiêu đang bị bệnh, tôi đã phá toàn bộ diện tích 5ha tiêu, xuống miền Tây lấy 100 gốc na về thử nghiệm. Mới hơn một năm nhưng na phát triển rất tốt, vụ đầu tiên mà cây đã cho rất nhiều trái".
Gia đình ông Nhiên với "canh bạc" phá bỏ hồ tiêu, trồng cây ăn trái như bơ, na, ổi... |
Loại na mà ông Toản trồng là giống na Thái, trái to, có trái nặng gần 1kg, ăn rất ngọt và thơm, ít hạt hơn na thường. Vụ đầu tiên, vườn na lại đang thu bói nhưng ông thu được gần 1 tạ. "Với giá 65.000 đồng/kg, gấp đôi giá bán na thường, nhưng tôi vẫn không đủ cung cấp. Kế hoạch của tôi là sẽ tiếp tục mở rộng vườn na”, ông Toàn cho biết.
Huyện Chư Pưh có tổng diện tích hồ tiêu khoảng 2.800ha. Mấy năm gần đây, do thời tiết diễn biến thất thường nên dịch bệnh xuất hiện tràn lan trên cây hồ tiêu. Cũng chính vì vậy mà hàng nghìn ha tiêu bị chết trắng trụ, nhiều hộ nông dân trở thành con nợ, bỏ xứ đi làm ăn xa. Mới năm nào, giá hồ tiêu đạt đỉnh điểm, nông dân nơi đây tìm đất trồng mới hồ tiêu, theo đó diện tích hồ tiêu ở đây tăng đến chóng mặt. Cũng thời điểm này, người trồng tiêu nơi đây mạnh tay xây biệt thự, sắm xe hơi...
Đến khi giá hồ tiêu "lao dốc" thê thảm thì xe hơi mang đi bán hoặc cầm cố, nhiều ngôi biệt thự bị xiết nợ, không ít ngôi biệt thự đóng cửa im ỉm vì chủ nhà đã bỏ xứ trốn nợ. Nhưng những người như ông Toản, ông Nhiên thì ở lại, mạnh dạn chuyển đổi, phá bỏ hồ tiêu để trồng cây ăn trái. Thời gian đầu, cây phát triển tốt, ra hoa kết trái và bán được giá cao. Tuy nhiên nỗi lo vẫn về đầu ra, bởi bỏ hết gia sản xuống vườn cây ăn trái, đến khi thu hoạch mà không biết bán cho ai thì thêm một làn trắng tay.
Nông dân đánh liều trồng cây ăn trái trên diện tích tiêu chết |
Ông Toản lo lắng: “Tôi cũng chỉ đưa ra bán ngoài chợ, cũng có một số người biết đến vườn na ghé mua nhưng số lượng không nhiều. Do vậy đầu ra vẫn là nỗi lo lớn nhất. Nhưng nếu không trồng các cây ăn trái như na, bơ... chẳng lẽ lại quay lại trồng tiêu, nghệ, gừng hay bí... Sắp tới, tôi sẽ mở rộng vườn na và trồng thêm bơ, phủ toàn bộ cây ăn quả trên diện tích 5ha hồ tiêu trước đó. Đánh liều thôi!”.
Ông Nguyễn Long Khánh - Phó phòng NN-PTNT huyện Chư Pưh, cho biết: “Chúng tôi đang xây dựng dự án hỗ trợ chuyển đổi cây trồng, khuyến cáo nông dân luân chuyên các loại cây trồng từ 2 - 3 năm, đợi diệt hết mầm bệnh trong đất trước khi trồng lại vườn tiêu mới. Một số cây trồng mà huyện đang khuyến khích nông dân xen canh như bơ, sầu riêng, cam... Bước đầu đã có những hiệu quả tích cực, bà con cũng đang dần chuyển đổi sang trồng xen cây ăn quả, phá bỏ diện tích tiêu chết”.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn