Nói về thực trạng sản xuất NN, Bộ trưởng Bộ NN và Phát triển nông thôn nhìn nhận rằng, ngành NN Việt Nam vẫn đang sản xuất nhỏ lẻ, dễ bị tổn thương bởi tác động khí hậu. Đặc biệt, việc hội nhập cũng là thách thức không nhỏ với NN Việt Nam trong giai đoạn đầu. Chính vì thế, tái cơ cấu ngành NN hiện tại là rất cần thiết. Nếu soi rọi lại tình hình sản xuất NN trên địa bàn tỉnh cũng cho thấy, ngành NN của Tiền Giang có rất nhiều nét tương đồng. Đó là quy mô sản xuất nhỏ lẻ, tư duy sản xuất còn lạc hậu, nhận thức của người nông dân đối với mô hình sản xuất lớn, theo hướng hiện đại còn rất nhiều hạn chế.
Suy cho cùng, sản xuất NN cần thêm một thời gian dài nữa để cải tiến và thay đổi theo hướng tích cực. Bởi chúng ta vừa thay đổi tư duy sản xuất lạc hậu, vừa đầu tư ứng dụng công nghệ mới vào sản xuất NN. Một khi việc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất NN được triển khai một cách bài bản, đi vào thực chất và mang lại hiệu quả thiết thực mới mong nền sản xuất NN có chuyển biến tích cực. Phản ánh từ thực tiễn cho thấy rằng, việc thay đổi tư duy trong sản xuất NN không thể thành công "một sớm một chiều" mà là cả quá trình. Thực tế, nhiều cách làm mới như: liên kết chuỗi trong sản xuất NN, mô hình cánh đồng lớn hay việc ứng dụng công nghệ cao vẫn còn nhiều vấn đề cần phải bàn cãi.
Tất nhiên, chúng ta cũng cần nhìn nhận một cách khách quan rằng, những thành công của ngành NN nói chung, của các mô hình sản xuất mới nói riêng đang đạt được những kết quả nhất định, dù chưa được như mong đợi với những tiềm năng và lợi thế hiện hữu của ngành NN. Đánh giá đúng thực trạng, tìm ra giải pháp cho phát triển ngành NN trở nên một trong những nội dung mang tính cấp bách hiện nay. Ngay trên địa bàn tỉnh, với đặc thù sản xuất NN là chủ yếu, việc tìm lối đi nào cho sản xuất NN luôn là những trăn trở của lãnh đạo tỉnh và của ngành. Chính những bước đi này, ngành NN Tiền Giang gần đây có nhiều thay đổi về chất, đặc biệt là xuất hiện nhiều mô hình hiệu quả, đặc sắc và mang tính riêng biệt hơn.
Chẳng hạn như việc gắn kết giữa Công ty TNHH Nông sản Gò Công và nông hộ sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP không những đáp ứng được yêu cầu về chất lượng sản phẩm của thị trường, mà còn giúp nông dân có niềm tin cao hơn về nông sản sạch, về quy trình sản xuất NN tốt, làm giàu được trên chính mảnh đất của mình. Trên cơ sở những hiệu quả, bền vững của mối liên kết này, Công ty TNHH Nông sản Gò Công tiếp tục mở rộng số lượng, quy mô theo hướng hình thành chuỗi giá trị, đáp ứng các quy định của Nhà nước về an toàn thực phẩm, đảm bảo đầu ra ổn định và nâng cao thu nhập cho nông dân.
Hay như mô hình liên kết tiêu thụ giữa Cơ sở Hương Miền Tây (có trụ sở đặt tại xã Phước Mỹ Trung, huyện Mỏ Cày Bắc, tỉnh Bến Tre) với Tổ hợp tác Bưởi Da xanh ấp Bình Thành, xã Tân Mỹ Chánh (TP. Mỹ Tho). Theo hợp đồng tiêu thụ, bưởi da xanh sẽ được đảm bảo giá thu mua không thấp hơn 20.000 đồng/kg tùy theo loại (đối với bưởi xuất khẩu quy cách từ 0,8 - 1kg, có giá ít nhất là 30.000 đồng/kg; quy cách từ 1 - 1,2 kg, có giá 42.000 đồng/kg và quy cách từ 1,2 - 1,4 kg, có giá 53.000 đồng/kg)...
Bên cạnh đó, nhiều mô hình sản xuất mang tính hiện đại tiêu biểu khác cũng được xuất hiện với quy mô ngày càng lớn như: mô hình nuôi gà ta Gò Công, mô hình trồng rau an toàn ở xã Tân Lý Tây (huyện Châu Thành) hay mô hình nuôi chim cút theo hướng hiện đại ở xã Đăng Hưng Phước (huyện Chợ Gạo)... Từ những mô hình này cũng đã góp phần nhân rộng và chuyển hướng ngành NN một cách bài bản và căn cơ hơn.
Tuy nhiên, trên thực tế, ngành NN Tiền Giang vốn dĩ còn rất nhiều tồn tại, yếu kém. Điều này cũng được lãnh đạo tỉnh và ngành NN tỉnh đánh giá và nhìn nhận. Điều cốt lõi vẫn là việc ứng dụng công nghệ cao hay đầu tư vào sản xuất NN. "Trong lãnh đạo nhiệm vụ chính trị năm 2016, thì việc tái cơ cấu NN đạt hiệu quả chưa cao; việc áp dụng công nghệ sinh học và công nghệ cao trong sản xuất NN còn hạn chế"(1). Chính những điều tồn tại, yếu kém như thế, Đề án "Tái cấu trúc ngành NN đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững" đã và đang được đặt ra như một nhu cầu mang tính cấp thiết hơn bao giờ hết. Từ Đề án này, chúng ta hoàn toàn có thể mong mỏi rằng, những mục tiêu được đề cập trong Đề án: "Đến năm 2020, giá trị tăng thêm khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng bình quân 5 năm (2016 - 2020) 4%/năm; cơ cấu kinh tế khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản đến năm 2020 chiếm khoảng 31,3 - 32,7% GRDP toàn tỉnh; chuyển dịch cơ cấu nội ngành: trồng trọt - chăn nuôi - thủy sản từ 62,88 - 16,54 - 20,58 năm 2015 đến năm 2020 là 60,57 - 18,01 - 21,42 (giảm dần tỷ trọng trồng trọt; tăng tỷ trọng chăn nuôi và thủy sản)"(2) sẽ đạt được hiệu quả thiết thực...
Thế Anh/ Tiền Giang GOV
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn