Thoạt nghe tôi tưởng ông Chủ tịch Hội ND xã Hiệp Phước (Nhà Bè) Trần Quang Vinh nói đùa: “Mời anh báo (anh hay đùa với tôi như thế) mai tới xã dự hội nghị liên kết cung - cầu đa quốc gia, có ký ghi nhớ luôn”.
Rôm rả
Đến tận cổng địa điểm mời dự “hội nghị” tôi vẫn bán tín, bán nghi. Anh bảo vệ Trường Mầm non Hoa Hồng thấy tôi đứng lừng khừng trước cổng, ló đầu ra khỏi bốt trực hối thúc: “Vào đi anh, tới giờ khai mạc rồi”.
Nuôi tôm công nghệ cao tại xã Hiệp Phước. Ảnh: Trần Đáng
8 giờ sáng, sảnh hội trường Trường Mầm non Hoa Hồng lố nhố người. Thấp thoáng mấy ông Tây và từng tốp nông dân túm tụm nói chuyện làm tôi vững tâm hơn. Thấy tôi thập thò, anh Vinh bước vội giơ tay bắt cười vui: “Mời anh báo vào”.
Như các hội nghị liên kết cấp tỉnh, cấp quốc gia khác, tại đây cũng bày bàn ăn nhẹ khi khách mời giải lao với bánh trái “cây nhà, lá vườn”; các quầy giới thiệu sản phẩm đơn vị tham gia, và nhất là lôi kéo được đại diện các tập đoàn đa quốc gia đến tham dự. Trong hội trường, khoảng 300 nông dân và các đại diện các công ty công nghệ, giống và thu mua đang chờ đến giờ khai cuộc.
Lão nông Trần Văn Bình đứng săm soi chiếc máy hỗ trợ nuôi tôm của Công ty TNHH Cargill. Thi thoảng ông cho tay vặn cái nút trên máy rồi cười mỉm, thích thú. Ông cho biết, mặc dù nuôi tôm đã nhiều năm nay nhưng chủ yếu nuôi bán công nghiệp nên không dùng máy hỗ trợ nuôi. Hiện ông đang có 2 ao nuôi và một ao lắng với tổng diện tích khoảng 1ha.
Bà Chelsea Andrews- Tổng quản lý khu vực châu Á-Thái Bình Dương, Công ty công nghệ Xpertsea, trao đổi với nhân viên tại “hội nghị” cung cầu. Ảnh: Trần Đáng
“Qua rằm tháng 7 này, tôi sẽ lấy nước vào ao để nuôi tôm thẻ, nên sẵn dịp này đến đây dự xem có gì hay để áp dụng không” - ông Bình cho biết.
Dự sự kiện này, Công ty Công nghệ Iquatic (Cargill Việt Nam) mang đến những công nghệ nuôi tôm hiện đại giới thiệu với nông dân. Ông Quách Thế Minh - đại diện Công ty Iquatic thổ lộ, ông từng đi dự nhiều hội nghị cung cầu cấp tỉnh, cấp liên vùng nhưng đây là đầu tiên ông dự ở cấp… xã. “Rất thú vị! Xã làm hội nghị bài bản chẳng thua kém ai”- anh chia sẻ.
Trong khi đó, bà Chelsea Andrews - Tổng quản lý khu vực châu Á - Thái Bình Dương, Công ty Công nghệ Xpertsea cho biết, ngoài giới thiệu công nghệ nuôi tôm, sau “hội nghị” này công ty sẽ triển khai dự án trợ giúp miễn phí cho nông dân nuôi tôm tại địa phương về quản lý ao và sản xuất tôm bền vững.
Tôi nghĩ, khu đô thị - cảng Hiệp Phước nếu giải tỏa xong chắc phải mất hơn chục năm nữa. Bà con nông dân phải bám đất, phải làm. Xã sẽ cố gắng tìm cách hỗ trợ bà con, nhất là tìm đầu ra, nâng cao sản xuất bền vững”. Ông Phạm Văn Mỹ |
Gác việc cơ quan, sáng nay, Bí thư Đảng ủy xã Hiệp Phước Phạm Văn Mỹ cũng đến dự “hội nghị”. Ông cho biết, đây là sự kiện nông nghiệp rất quan trọng với bà con nông dân, với xã nên không bỏ được.
Theo ông Mỹ, hiện nay con tôm là sản phẩm chủ lực mang lại thu nhập chính cho bà con nông dân xã Hiệp Phước. Trên địa bàn xã có 223 hộ nuôi với 234ha diện tích nuôi tôm. Ngoài mô hình nuôi tôm truyền thống, đa số các hộ nuôi tôm trên địa bàn xã đã mạnh dạn chuyển đổi sang việc áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất, đã có 15 hộ đầu tư mô hình nuôi tôm lót bạt đáy ao và ứng dụng công nghệ cao nên năng suất và sản lượng tăng; bước đầu mang lại hiệu quả trong đầu tư sản xuất và tăng thu nhập cho người dân.
Hiện, bà con nông dân nuôi tôm ở xã Hiệp Phước chủ yếu bán sản phẩm qua chợ đầu mối thủy sản Bình Điền (TP.HCM). “Có bao nhiêu cũng bán hết, nhưng nếu đưa tôm đến chợ Bình Điền trễ giờ hay đụng hàng từ miền Tây lên thì xem như hôm đó giá tôm sẽ rẻ như bèo”- ông Bình cho biết.
Theo ông Chủ tịch Hội ND Trần Quang Vinh, thông qua “hội nghị” kết nối cung-cầu này, xã sẽ xây dựng chuỗi sản xuất, tiêu thụ cho bà con nông dân, cũng như nâng cao ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp của bà con nông dân nuôi tôm.
Có khó cũng không “buông”…
Ông Mỹ chia sẻ, hiện thành phố quy hoạch xây dựng xã Hiệp Phước theo hướng đô thị không có vùng sản xuất nông nghiệp tập trung lâu dài. Khu vực đang sản xuất nông nghiệp hiệu quả cao của xã giờ nằm trong quy hoạch khu đô thị - cảng Hiệp Phước… Ngoài ra, quy trình, thủ tục giải quyết nhu cầu xây dựng các hạng mục công trình phục vụ sản xuất trên đất nông nghiệp tại xã chưa có hướng dẫn của thành phố, nên công tác phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn gặp nhiều khó khăn.
Tuy vậy, ông Mỹ cho rằng, không vì thế mà bà con nông dân xã Hiệp Phước “buông” nông nghiệp, nhất là sản xuất con tôm với lợi thế nguồn nước từ sông Soài Rạp. “Tôi nghĩ, khu đô thị-cảng Hiệp Phước nếu giải tỏa xong chắc phải mất hơn chục năm nữa. Bà con nông dân phải bám đất, phải làm, trước là vì phát triển đời sống, và làm tăng giá trị đất. Xã sẽ cố gắng tìm cách hỗ trợ bà con, nhất là tìm đầu ra, nâng cao sản xuất bền vững” - ông Mỹ bộc bạch.
Đi nhiều nơi, tham dự nhiều hội nghị liên kết cung cầu, ông Quách Thế Minh cho rằng, mấu chốt của việc cung cầu là mối quan tâm của doanh nghiệp và nông dân. “Nếu họ gặp nhau ở điểm này, cộng với sự năng nổ, quan tâm của chính quyền địa phương, thì dù cấp xã hay cấp nào cũng có thể tổ chức được những buổi kết nối rất hữu ích này”- ông Minh nhận định.
Ông Nguyễn Thanh Tùng - một doanh nghiệp thu mua cho biết, ông đang chuẩn bị kế hoạch để liên kết với nông dân xã Hiệp Phước sản xuất nông sản để xuất khẩu. “Trước mắt là con tôm và chanh dây” - ông thổ lộ.
Cạnh xã Hiệp Phước, xã Nhơn Đức cũng có lợi thế khá lớn nuôi trồng thủy sản. Tại đây, khá nhiều bà con đang nuôi cá. Sau “hội nghị” cung cầu, Chủ tịch Hội ND xã Nhơn Đức Trần Văn Hùng hồ hởi: “Sẵn dịp này, tôi sẽ tổ chức buổi liên kết cung cầu tại xã tôi để tìm hướng ra cho nông sản”.
Bà Trần Thị Thanh Thúy - Chủ tịch Hội ND huyện Nhà Bè cũng cho rằng, từ kết quả “hội nghị” cung cầu này, sắp tới Hội ND huyện sẽ cổ vũ cho các hội nông dân cơ sở tổ chức những “hội nghị” như thế này để tìm đầu ra cho nông sản trên địa bàn, cũng như khuyến khích bà con nông dân xuất nông nghiệp bền vững. |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn