Nằm ở vùng “chảo lửa, túi mưa”, vừa thiếu vốn đầu tư, sản phẩm làm ra lại không có thị trường tiêu thụ, thế nhưng với khát vọng, nghị lực bền bỉ, hàng nghìn hộ nông dân ở Hà Tĩnh đã vươn lên thoát nghèo, làm giàu trên mảnh đất quê hương. Chuyện làm giàu nơi đây đang được người nông dân viết tiếp cùng với những chính sách hỗ trợ hiệu quả của Nhà nước.
Mô hình trang trại tổng hợp của gia đình anh Đàm Thọ, xã Lộc Yên, Hương Khê (Hà Tĩnh) thu nhập gần hai tỷ đồng/năm. |
Hương Khê được coi là "rốn lũ", hằng năm vào mùa nước dữ, lũ chồng lũ, thế nhưng, sức mạnh thiên nhiên không thể vùi dập ý chí của người dân nơi đây. Trong muôn vàn câu chuyện vượt khó mà bà con vùng lũ đang kể, thì chuyện đi lên từ đôi bàn tay trắng của “tỷ phú chân đất” Đàm Thọ (thôn Trung Sơn, Lộc Yên) để lại ấn tượng khó phai.
Sinh ra và lớn lên ở vùng quê nghèo thuần nông, sau khi xây dựng gia đình, anh Đàm Thọ tập trung sản xuất nông nghiệp và làm thêm nhiều nghề phụ, song đời sống gia đình vẫn luôn khó khăn, thiếu thốn. Không cam chịu hoàn cảnh, vợ chồng anh tìm đến vùng đất đồi cằn cỗi Khe Cơn Trường khai hoang, lập nghiệp. Hành trang ban đầu của vợ chồng anh chỉ vỏn vẹn hai con gà, một con lợn và vài dụng cụ lao động thô sơ. Ban ngày, anh Thọ lên đồi đào đất, khai hoang phục hóa, tối về lại lầm lũi hết khe này, suối nọ bắt tôm, cá để hôm sau vợ mang xuống chợ đổi khoai, sắn và sắm sửa thêm dụng cụ làm việc. Cuộc sống nơi rừng sâu, nước độc càng tôi luyện ý chí, nghị lực vượt khó của vợ chồng anh. Hai héc-ta rừng khai hoang đầu tiên được họ nâng niu như bảo vật, mỗi khoảnh đất đều chắt chiu để nuôi, trồng loại cây, con hợp lý. Với phương châm lấy ngắn nuôi dài, anh Thọ trồng các loại cây lương thực phục vụ cuộc sống gia đình, sau khi có thu nhập anh đầu tư mua 50 cây cam các loại và 50 cây bưởi Phúc Trạch về trồng. "Hy vọng sau mùa thu hoạch đầu tiên, cuộc sống của gia đình sẽ bớt nghèo khó, ai ngờ năm 1997 gặp đợt lũ lớn, vườn tược cây cối bị tàn phá. Chưa kịp gượng dậy, một năm sau, căn nhà nhỏ xảy ra cháy, tài sản bị thiêu rụi", anh Thọ nhớ lại. Mỗi lần thiên tai ập đến, khó khăn chất chồng, lại càng tôi rèn ý chí vươn lên của người thanh niên dám nghĩ, dám làm. Cùng sự nỗ lực bản thân, sự động viên, hỗ trợ của anh em, bạn bè, chính quyền địa phương, sau khi được tiếp cận các nguồn vốn tín dụng, tham quan nhiều mô hình sản xuất, tham gia các khóa đào tạo kỹ thuật chăn nuôi, trồng cây ăn quả, vợ chồng anh Đàm Thọ mạnh dạn nhận thêm diện tích đồi trọc, trồng thử 2 ha bưởi Phúc Trạch, chuyển đổi 5 ha đất trồng keo sang trồng cây ăn quả, cải tạo khe suối, đào ao nuôi vịt… Đất không phụ công người, từ năm 2006, mô hình VAC của anh đã cho thu nhập ổn định, năm sau cao hơn năm trước, từ hàng trăm triệu đến hơn tỷ đồng. Có vốn, có kinh nghiệm, lại được tiếp cận chính sách hỗ trợ và khuyến khích phát triển sản xuất của tỉnh, Đàm Thọ tiếp tục mở rộng mô hình chăn nuôi theo hướng liên kết với doanh nghiệp, đồng thời xây dựng vườn ươm giống diện tích 15 ha, trong đó có 4 ha bưởi, 6 ha cam, nuôi 1.200 con lợn thương phẩm, 100 con lợn rừng, thu nhập hằng năm gần 2 tỷ đồng.
Tìm đến trang trại chăn nuôi của anh Lê Văn Bàng ở thôn Linh Tân (xã Xuân Liên, huyện Nghi Xuân), chúng tôi thấy rõ sự hiệu quả từ phương thức chăn nuôi liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp. Trong lúc người chăn nuôi ở không ít địa phương phải chấp nhận tình cảnh “trắng chuồng”, do giá lợn hơi giảm mạnh, thì tại trang trại của anh Bàng có đến 1.800 con lợn siêu nạc đang được chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật, chờ ngày xuất chuồng vì đã có đầu ra ổn định. “Năm 2013, được tiếp cận chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp, nông thôn của tỉnh, gia đình tôi mạnh dạn vay hơn 2 tỷ đồng theo diện hỗ trợ lãi suất, cộng với nguồn vốn tích lũy sẵn có, đầu tư xây dựng ba chuồng trại chăn nuôi khép kín, nuôi gia công cho Công ty CP Việt Nam’’, anh Bàng cho biết. Theo anh Lê Văn Bàng, để làm kinh tế trang trại, vấn đề quan trọng là sản phẩm phải có nơi tiêu thụ ổn định, được doanh nghiệp ký kết bao tiêu, tránh tình trạng được mùa mất giá hoặc mất mùa, mất giá. Nhìn từ trang trại của anh Bàng, thử làm phép tính đơn giản, với mức giá dao động từ 3.000 đến 3.500 đồng/kg, mỗi lứa nuôi 1.800 con lợn, mỗi năm xuất chuồng ba đợt, thì lợi nhuận thu về hơn 700 triệu đồng. Để có thành quả hôm nay, đằng đẵng 10 năm trời, gia đình anh Bàng phải trải qua bao ngày gian khó tại vùng đất bạc màu ở cồn cát Nghi Xuân. Nay, khi nhắc đến anh, bà con chòm xóm cảm phục, gọi anh là chàng thanh niên chăn vịt đã hồi sinh vùng đất chết. Việc phục hóa thành công khu đất loang lổ hơn 8 ha sau khi các lò gạch thủ công đóng cửa, trở thành một vùng sản xuất trù phú với ba chuồng gia công lợn thương phẩm quy mô 1.800 con/lứa, 7 ha ao nuôi cá, hơn 2.000 con vịt sinh sản… mang lại thu nhập hàng tỷ đồng, sự tiên phong của anh Bàng trong thực hiện phương thức sản xuất liên kết với doanh nghiệp đã tiếp thêm động lực cho nhiều hộ dân ở địa phương vươn lên thoát nghèo bền vững”, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Trần Văn Hiền chia sẻ.
Với khát vọng vượt đói nghèo, những năm qua, các hộ nông dân trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh luôn trăn trở, thử nghiệm, tìm kiếm cây trồng, vật nuôi phù hợp, mang lại giá trị kinh tế cao. Ngoài những “tỷ phú chân đất” nêu trên, có thể kể hàng loạt gương điển hình như: Ông Ngô Xuân Linh ở xã Sơn Mai (huyện Hương Sơn), với mô hình sản xuất rộng 21 ha, trong đó diện tích trồng cam 18 ha, nuôi 100 con bò, 5.000 con bồ câu, trừ chi phí thu nhập 3 tỷ đồng/năm; bà Nguyễn Thị Thu Hằng (Kỳ Phong, Kỳ Anh) thành lập HTX chăn nuôi, với quy mô 600 con lợn nái, thu nhập 2 tỷ đồng/năm, giải quyết việc làm thường xuyên cho 10 lao động... Điều đáng chú ý, tất cả chủ mô hình sau khi nỗ lực vượt khó vươn lên, đã hỗ trợ bà con lối xóm trong việc cung ứng nguồn giống, vật tư nông nghiệp, hướng dẫn kỹ thuật sản xuất và làm đầu mối để tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, cùng tạo ra những vùng sản xuất quy mô, hiệu quả.
Lý giải về thành công của những nông dân Hà Tĩnh, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Trần Đình Gia cho biết: Trước hết, phải khẳng định nghị lực, khát vọng vươn lên luôn cháy bỏng trong tâm thức của mỗi cá nhân. Với ý chí, nỗ lực bền bỉ, các hộ sản xuất dám chấp nhận thử thách, mạnh dạn đầu tư, biết tận dụng tốt các nguồn hỗ trợ của Nhà nước, cũng như nắm bắt những tiến bộ của khoa học - kỹ thuật. Bên cạnh đó, thời gian qua, Hà Tĩnh là một trong những địa phương đi đầu cả nước về ban hành đồng bộ các chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp, gắn với đề án tái cơ cấu nông nghiệp, trong đó đã xác định những sản phẩm chủ lực, tạo "đường ray" để nông dân bám vào và có sức lan tỏa lớn. Ngoài ra, chương trình xây dựng nông thôn mới ở Hà Tĩnh đã từng bước đi vào chiều sâu, các địa phương, đơn vị chú trọng dành nguồn lực, ưu tiên thực hiện tiêu chí thu nhập, hình thức tổ chức sản xuất. Nhờ đó, đời sống vật chất, tinh thần của người dân từng bước nâng lên, tạo tiền đề quan trọng để thực hiện khát vọng làm giàu bền vững.
Thời gian qua, Hội Nông dân tỉnh Hà Tĩnh đã xây dựng Quỹ Hỗ trợ nông dân các cấp, với số tiền 29 tỷ đồng; tín chấp, ủy thác với ngân hàng cho nông dân vay vốn hơn 3.000 tỷ đồng; tổ chức 1.050 lớp tập huấn chuyển giao kỹ thuật cho 60.000 lượt hội viên, hơn 500 lớp học nghề ngắn hạn cho hơn 20.000 hội viên nông dân. Tính riêng giai đoạn 2011 - 2015, Hà Tĩnh đã ban hành 26 văn bản chính sách liên quan phát triển "tam nông", với tổng kinh phí đã giải ngân hỗ trợ gần 700 tỷ đồng. Đến nay, trên toàn địa bàn tỉnh có hơn 12.400 mô hình sản xuất, kinh doanh có doanh thu 100 triệu đồng trở lên. |