Cam Cao Phong (Hòa Bình) là một sản phẩm đã được cấp chứng nhận chỉ dẫn địa lý.
Theo các chuyên gia tham dự buổi tọa đàm “Phát triển thương hiệu cho sản vật Việt: Cơ hội và thách thức” đã được tổ chức tại TP.HCM chiều 18.4, sản vật sau khi được cấp quyền sở hữu trí tuệ đã trở thành hàng hóa có giá trị cao. Chẳng hạn như cam Vinh, cam Cao Phong đã tăng 100% giá trị sau khi cấp chỉ dẫn địa lý hay chè Mộc Châu có bao bì mang chỉ dẫn địa lý có giá cao hơn gấp 2 lần các loại chè không có chỉ dẫn.
Cả nước hiện có hàng ngàn sản vật nổi tiếng ngon, độc, lạ. Tuy nhiên theo thống kê của cơ quan chức năng, mới chỉ có 49 sản vật được cấp chỉ dẫn địa lý với những cái tên nghe quen thuộc như: Nón lá Huế, thuốc Lào Vĩnh Bảo, tiêu Quảng Trị, quế võ Trà My, nước mắm Phú Quốc, nhãn lồng Hưng Yên...
Trong khi đó, số lượng các sản vật được bảo hộ ở dạng nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận ở mức dưới 1.000 sản vật.
Mặc dù vậy, song có điều lạ là, một số nghiên cứu cho thấy, không ít sản vật Việt quý giá sau khi được cấp chỉ dẫn địa lý đã “tụt dốc không phanh” bởi người dân khai thác cạn kiệt sản vật, chất lượng sản vật bị suy giảm, bị làm giả... dẫn đến thương hiệu của sản vật có nguy cơ biến mất khỏi thị trường.
Buổi tọa đàm về phát triển thương hiệu đặc sản Việt.
Ông Hoàng Lâm- Giám đốc Trung tâm Kỹ thuật tiêu chuẩn Đo lường chất lượng 3 (Bộ Khoa học và Công nghệ) cho biết: “Doanh nghiệp muốn đưa sản vật Việt ra thế giới cần phải đáp ứng các tiêu chuẩn về an toàn vệ sinh thực phẩm, kiểm dịch động thực vật, các quy định về bao bì, nhãn mác, truy xuất nguồn gốc cần đúng yêu cầu để lưu thông hợp pháp trên thị trường. Đó cũng là cách mà Chính phủ các nước bảo vệ quyền, lợi ích cho người tiêu dùng của nhân dân họ”.
Chỉ dẫn địa lý (geographical indication- GI) là những chỉ dẫn về hàng hóa bắt nguồn từ lãnh thổ của một thành viên hoặc từ khu vực hay địa phương của lãnh thổ đó, có chất lượng, uy tín, đặc tính nhất định chủ yếu do xuất xứ địa lý. |
Tuy nhiên không phải sản vật nào cũng có thể xuất ngoại, bởi có một số sản vật chỉ phù hợp với thị trường vùng miền, không phù hợp hoặc bị cấm đối với một số quốc gia hay vùng lãnh thổ. Các đặc tính của sản vật không phù hợp với thuần phong mỹ tục, đặc trưng văn hóa, tâm lý người tiêu dùng quốc tế.
Ông Lâm khuyên các doanh nghiệp muốn đưa sản vật “bay cao, bay xa” hơn nữa thì phải tìm hiểu cặn kẽ các quy định, hàng rào kỹ thuật nhằm xây dựng lòng tin, phát triển bền vững thương hiệu.
Tác giả bài viết: Thanh Tuấn
Nguồn tin: danviet.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn