Vì vậy, Việt Nam đang có nhiều dư địa đẩy mạnh xuất khẩu rau quả sang khu vực này.
Thanh long là loại trái cây đang được xuất khẩu sang EU. |
Theo Bộ Công Thương, 11 tháng đầu năm nay, trong số 10 thị trường đơn lẻ lớn nhất của rau quả Việt Nam, thì chỉ có một đại diện đến từ EU, đó là Hà Lan (đứng thứ 5), với giá trị xuất khẩu 74 triệu USD. So với tổng giá trị xuất khẩu rau quả trong 11 tháng là 3,41 tỷ USD, thì rõ ràng, giá trị xuất khẩu như trên sang Hà Lan là khá khiêm tốn.
Trong khi đó, EU là một thị trường rất lớn của rau quả thế giới. Theo Tổ chức Hỗ trợ nhập khẩu từ các nước đang phát triển của EU (CBI), với dân số hơn 500 triệu người, EU chiếm 45% trị giá thương mại hàng rau quả toàn cầu. 5 trong số 10 nước nhập khẩu hàng rau quả hàng đầu thế giới là ở EU.
Trong khoảng 5 năm gần đây, tổng trị giá nhập khẩu trái cây của EU đã tăng nhanh hơn so với lượng nhập khẩu, lần lượt xấp xỉ ở mức 30% và 24%. Nguyên nhân là do EU tăng nhập khẩu trái cây có giá trị cao như bơ, xoài và chanh; định giá cao hơn của đồng đô la Mỹ so với đồng euro; khí hậu khắc nghiệt dẫn đến chi phí sản xuất cao hơn...
Nguyên nhân chính khiến cho nhập khẩu rau quả, nhất là trái cây của EU tăng mạnh là do sản lượng rau quả ở khu vực này gần như không tăng.
Sản xuất nông nghiệp mặc dù là một ngành cơ bản, nhưng số lượng trang trại rau quả ở EU đang giảm. Nông dân EU lựa chọn sử dụng công nghệ và phát triển giống để tăng năng suất, kéo dài mùa sản xuất, cải thiện chất lượng và đặc tính sản phẩm. Những nỗ lực này khiến chất lượng sản phẩm cao hơn, nhưng sản lượng hầu như không tăng. Do đó, sản lượng trái cây tại EU trong dài hạn có xu hướng giảm nhẹ, góp phần tạo ra nhu cầu nhập khẩu trái cây.
Một điều đáng chú ý là EU nhập khẩu rất nhiều trái cây tươi từ các nước đang phát triển. Các sản phẩm được người tiêu dùng ưa chuộng và nhiều tiềm năng tại EU gồm: bơ, xoài và khoai lang. Tổng giá trị nhập khẩu từ các nước đang phát triển tăng 38% trong 5 năm lên 18,2 tỷ euro vào năm 2018, lớn hơn đáng kể so với 3,1 tỷ euro nhập khẩu từ các nước phát triển ngoài EU (tăng 20% trong cùng kỳ). Trái cây tươi có tác động cao hơn đến giá trị nhập khẩu so với rau tươi, vì EU tự cung cấp nhiều rau hơn so với trái cây.
EU nhập khẩu rất nhiều trái cây tươi từ các nước đang phát triển vì nhiều loại trái cây nhiệt đới quan trọng phụ thuộc vào các mùa cụ thể hoặc khí hậu nhiệt đới, không thể tìm thấy tại địa phương.
Một điểm nữa cần phải lưu ý là việc nhập khẩu trái cây vào thị trường EU chủ yếu thông qua Hà Lan do Hà Lan được coi là cửa ngõ để vào thị trường EU đối với các mặt hàng rau quả. Cụ thể, hơn 20% rau quả tươi do các nước đang phát triển cung cấp cho EU thông qua Hà Lan. Trị giá nhập khẩu rau quả tươi của Hà Lan từ các nước đang phát triển đã tăng 55% trong giai đoạn từ năm 2014 đến năm 2018. Từ cảng Rotterdam, điểm nhập cảnh chính, các thương nhân Hà Lan và quốc tế sẽ phân phối sản phẩm đến phần còn lại của EU.
Vì vậy, các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam muốn xuất khẩu rau quả vào EU cần có kế hoạch nghiên cứu và tiếp cận các nhà nhập khẩu, các kênh phân phối và hệ thống bán lẻ ở Hà Lan, để có thể xây dựng một chiến lược xuất khẩu vào Hà Lan và qua đó vào EU. Bên cạnh đó, Bỉ và Tây Ban Nha cũng là những nước nhập khẩu rau quả nhiệt đới và tái xuất sang những nước khác trong EU.
Về tiêu thụ, Đức là thị trường lớn nhất về rau quả tươi ở EU. Năm 2018, Đức đã nhập khẩu 9,2 triệu tấn rau quả, chiếm 16% tổng lượng nhập khẩu của EU. Trong đó, Đức đã nhập khẩu trực tiếp 2,4 triệu tấn rau quả tươi từ các nước đang phát triển.
Theo Bộ Công Thương, để xuất khẩu được rau quả tươi vào thị trường EU doanh nghiệp xuất khẩu cần chú ý: Phải tuân thủ các yêu cầu về an toàn thực phẩm, chất lượng sản phẩm; tuân thủ xã hội, môi trường và kinh doanh. Doanh nghiệp có thể cập nhật danh sách đầy đủ các yêu cầu pháp lý tại cổng thông tin trợ giúp thương mại của EU (EU Trade Helpdesk).
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn