Cách đây chưa lâu, người dân các xã miền tây huyện Lệ Thủy (Quảng Bình) còn chạy chọt để tránh phải nhận đất rừng. Còn những người "chậm chân" phải nhận đến vài chục ha trồng thông, keo... Giờ thì chính những người "nhanh chân" hồi nào lại tiếc hùi hụi. Ông Trần Đức Phong, Chủ tịch UBND xã Thái Thủy (Lệ Thủy) nói chắc như đinh đóng cột lim: "Nông dân có trong tay vài ha rừng là thoát nghèo và có từ chục ha trở lên là làm giàu muôn đời rồi".
Cơn bão trên cấp 12 cuối năm 2013 tràn qua các xã miền tây huyện Lệ Thủy như tìm cách băm nát những gì nó bắt gặp. Sau bão hàng ngàn ha rừng trồng của các xã Thái Thủy, Trường Thủy, Kim Thủy, Ngân Thủy, Sen Thủy... gãy gục, đổ rạp. Nhưng rồi cả miền tây Lệ Thủy cũng đã đứng dậy khôi phục lại rừng trồng.
Rừng trồng ở miền tây huyện Lệ Thủy |
Gần 4 năm sau bão lớn, chúng tôi về lại Lệ Thủy để chứng kiến sự hồi sinh và những cánh rừng đang trỗi dậy. Bất cứ con đường nào đi về miền tây cũng đều xuyên qua những cánh rừng đang chu kỳ phát triển. Anh Nguyễn Ngọc Quế, Hạt trưởng Kiểm lâm Lệ Thủy đi thăm rừng cùng chúng tôi nói vui: "Lên miền tây là không sợ cái nắng khét, không lo nắng nóng vì đã có rừng làm lá chắn, làm dịu mát cái nắng đầu mùa".
Đứng bên những khoảnh rừng đang thu hoạch trong tiếng ầm ào của xe máy, tiếng cưa, tiếng người gọi nhau bốc gỗ, ông Phan Hữu Tình, Chủ tịch UBND xã Trường Thủy cho rằng phát triển kinh tế rừng là một hướng đi quan trọng, giúp người dân giàu lên. Định hướng đó đã được người dân Trường Thủy cụ thể hóa thành những lô, khoảnh rừng trồng trên địa bàn.
Đến cuối năm 2016, toàn xã đã có 1.200 ha rừng trồng, trong đó thông nhựa khoảng 250 ha, còn lại chủ yếu là keo, tràm... Tính ra, với 550 hộ dân, bình quân mỗi hộ có hơn 2 ha rừng trồng.
Ông Tình cho biết: “Trong xã nhiều hộ có diện tích rừng lớn như hộ ông Nguyễn Văn Quý trên 20 ha, hộ chị Nguyễn Thị Thanh 50 ha". Trao đổi với ông Quý, được biết với rừng keo, sau 5 năm trồng là khai thác, trừ chi phí, lợi nhuận thu được không dưới 60 triệu đồng. Tính ra mỗi năm trồng keo thu được hơn 10 triệu đồng/ha.
Không chỉ thu nhập cao cho chủ rừng, theo ông Quý, cứ mỗi ha rừng còn giải quyết việc làm cho khoảng 50 công lao động với thu nhập 200 ngàn đồng/công. "Chỉ những người không có khả năng lao động. Còn lại bà con địa phương đều có việc làm, thu nhập ổn định", ông Quý bộc bạch thêm.
Rời xã Trường Thủy, theo đường Hồ Chí Minh cắt qua những cánh rừng trồng xanh ngút ngát chừng 7km là đến địa phận xã Thái Thủy. Theo anh Quế, Thái Thủy là xã có diện tích đất trống, đồi núi trọc vào loại cao nhất trong các xã vùng bán sơn địa của huyện Lệ Thủy. "Hiện toàn bộ diện tích này đã được phủ hết thông nhựa và keo, tràm", anh Quế nhấn mạnh.
Xã bán sơn địa này có 3.400 ha rừng trồng, trong đó thông nhựa gần 1.100 ha cho khai thác; diện tích còn lại là keo tràm. Địa phương này có diện tích rừng trồng cao nhất huyện với gần 3 ha/hộ. Ông Trần Đức Phong, Chủ tịch UBND xã Thái Thủy nói: "Giờ gia đình nào có sức lao động, có vốn là thu gom đất trồng rừng. Hiện có khoảng 120 hộ có trong tay trên 10 ha rừng/hộ. Nhiều hộ có từ 30- 50 ha rừng. Nếu có 10 ha rừng trở lên là giàu rồi".
Nhà máy sơ chế gỗ rừng trồng trên địa bàn Lệ Thủy |
Bên vạt rừng ven con đường lớn, ông Võ Văn Xuân, thôn Nam Thái- chủ của hơn 20ha rừng trồng cho chúng tôi hay, do ảnh hưởng bão năm 2013 đã san phẳng rừng trồng, chỉ sót lại những diện tích cây còn nhỏ, rừng thông. Vì vậy mấy năm qua diện tích rừng đến tuổi khai thác không nhiều. "Năm nay, nhà tôi cắt được 2ha, thu về gần 150 triệu đồng. Sang năm diện tích khai thác sẽ gấp đôi", ông Xuân vui vẻ kể.
Theo tính toán của ông Phong, năm 2017, người dân trong xã thu hoạch chừng 200 ha rừng, mỗi ha lãi hơn 60 triệu đồng. Các năm tiếp theo diện tích đưa vào khai thác sẽ cao hơn nhiều. Điều quan trọng nữa với người trồng rừng ở Thái Thủy là ngay tại địa phương, từ năm 2015 đã có cơ sở thu mua trực tiếp gỗ cho người dân, theo cơ chế “tiền trao cháo múc”.
Chính rừng trồng chứ không phải một phép mầu nào khác đã đưa xã Thái Thủy ra khỏi diện xã đặc biệt khó khăn. Ông Phong cho biết, năm 2011 số hộ nghèo của xã trên 30%; đến cuối năm 2016 chỉ còn khoảng 14%. Nhiều hộ giàu lên trong những năm gần đây cũng chính nhờ diện tích rừng trồng lớn, biết cách làm ăn như hộ ông Võ Văn Xuân ở thôn Nam Thái, hộ ông Trần Văn Sáng ở thôn Bắc Thái… |
Riêng với rừng thông nhựa, ông Phong khẳng định: “Dự án Việt Đức đã thực sự tạo cú hích cho người dân vượt qua đói nghèo, với mức thu bình quân 60 triệu đồng/ha/năm. Nguồn thu này với cả xã Thái Thủy khoảng 66 tỷ đồng/năm, rất ổn định vì giá nhựa thông ổn định".
Qua trao đổi, anh Quế cho rằng đã đến lúc người trồng rừng phải biết cách làm rừng giàu lên để nâng cao thu nhập từ 100- 120 triệu đồng/ha. Anh nói: "Riêng nhiệm vụ PCCCR, kỹ thuật thâm canh, hồ sơ lý lịch rừng... lực lượng kiểm lâm sẽ là bà đỡ và tạo điều kiện tốt nhất phục vụ nhân dân".
Điều anh Quế trao đổi cũng là trăn trở của lãnh đạo các địa phương ở vùng bán sơn địa này. "Bây giờ người trồng rừng vẫn đang gặp hai khó khăn lớn mà không có sự trợ giúp của chính quyền thì khó vượt qua", ông Phong chia sẻ.
Đi loanh quanh trong rừng trồng bất chợt xe chúng tôi bắt gặp những “đầm lầy” ngay giữa đường. Chúng tôi phải nhờ xe tải chở gỗ từ đường cái vào mới kéo lên được. Thái Thủy có diện tích rừng trồng lớn nhưng chỉ có 7km đường cán nhựa do nhà nước đầu tư, đó là tuyến đường Sen- Bang và khoảng 5km đường chống cháy nhưng nay đã xuống cấp. Còn lại hàng chục km đường xương cá vào rừng đều là đường chưa chạy đã mắc lầy.
"Giao thông yếu kém đang “ăn bớt” một phần lợi nhuận trồng rừng của người nông dân chúng tôi", ông Phong than phiền.
Hệ thống đường giao thông yếu kém làm giảm nguồn thu từ rừng |
Ngoài chuyện đường sá, ông Phong còn cho hay: "Người trồng rừng bây giờ đưa khâu giống lên hàng đầu. Có giống tốt mới có lợi nhuận cao. Chỉ tiếc là bà con còn sử dụng giống trôi nổi". Mỗi năm, huyện Lệ Thủy có nhu cầu hàng chục triệu cây giống, nông dân gom giống trôi nổi trên thị trường hoặc vào tận các tỉnh phía nam như Bình Định, Quảng Ngãi… mua về. Giống “tổng hợp” đã phần nào giảm chất lượng rừng trồng và lãi từ rừng cũng bị cắt đáng kể.
Chúng tôi đã đem những điều băn khoăn ấy trao đổi với ông Lê Văn Bảo, Chủ tịch UBND huyện Lệ Thủy. “Chủ trương của huyện là bằng mọi cách nâng cao chất lượng rừng trồng. Trong đó chú trọng đưa giống nuôi cấy mô thay giống ươm hom. Trên địa bàn huyện đã có hai cơ sở sản xuất giống nuôi cấy mô liên kết với Đại học Nông lâm Huế đủ sức cung cấp giống có chất lượng cho bà con. Bên cạnh đó, huyện đã khuyến cáo người dân thực hiện tốt quy trình khai thác, kéo dài tuổi rừng để nâng cao chất lượng gỗ…”, ông Bảo cho hay.
Vấn đề giao thông, huyện hết sức chia sẻ với các xã cùng bà con nông dân. Nhưng trong điều kiện ngân sách eo hẹp thì việc đầu tư các hệ thống đường vào rừng là rất khó. Vì vậy phải tìm giải pháp khác. Ông Bảo nói luôn: "Có thể xã hội hóa việc xây dựng một số tuyến đường thiết yếu vào rừng. Cụ thể là huy động sức dân theo tỷ lệ diện tích rừng. Chẳng hạn mỗi ha rừng sẽ đóng góp một khoản tiền tương ứng. Một nguồn nữa là huy động DN liên quan đến lâm nghiệp. Tất nhiên huyện, xã sẽ chủ động trong việc này".
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn