Khuyến khích sản xuất lớn
Một trong những điểm gây bức xúc nhất cho cả ngân hàng và những người thụ hưởng chính sách của NĐ 41 là phân biệt thành thị với nông thôn theo địa giới hành chính. Đã có những khu dân cư "bỗng dưng" được nâng cấp thành thành thị trong khi thực tế thu nhập chính của người dân vẫn từ chăn nuôi, cày cấy nhưng lại không thuộc diện được hưởng chính sách tín dụng theo NĐ 41. Hay có hai hộ gia đình sát vách, cùng sản xuất, chăn nuôi theo mô hình trang trại nhưng hộ này được vay vốn theo NĐ 41, hộ kia thì không... Khắc phục những bất cập này, dự thảo NĐ mới thay thế NĐ 41 quy định: Tất cả các cá nhân, hộ gia đình, tổ hợp tác hoạt động trong lĩnh vực NNNT ngoài địa bàn nông thôn cũng được vay vốn theo NĐ mới. Dự thảo Nghị định cũng bổ sung đối tượng DN phục vụ các sản phẩm thiết yếu đầu vào cho sản xuất NN và các DN sản xuất, thu mua, chế biến, tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp. Không những thế, Dự thảo còn đưa ra quy định nhằm khuyến khích khách hàng sản xuất lớn, ứng dụng công nghệ cao khi nâng mức cho vay lên đến 80% giá trị dự án, phương án sản xuất, kinh doanh ứng dụng công nghệ cao. Ông Nguyễn Tiến Đông - Vụ trưởng Tín dụng các ngành nghề kinh tế (NHNN) cho rằng, quy định như vậy là nhằm tăng tính liên kết các sản phẩm nông nghiệp, khuyến khích người dân tham gia sản xuất theo chuỗi nhằm tăng khả năng cạnh tranh của hàng nông sản Việt Nam.
Cũng theo hướng khuyến khích sản xuất lớn, dự thảo Nghị định đã tăng mức cho vay không có tài sản bảo đảm lên gấp nhiều lần so với NĐ 41 hiện nay. Theo Dự thảo, cá nhân, hộ gia đình cư trú ngoài khu vực nông thôn mức cho vay tối đa không có tài sản bảo đảm là 50 triệu đồng. Mức cho vay tối đa đối với các đối tượng này ở khu vực nông thôn sẽ được tăng lên 100 triệu đồng. Các chủ trang trại, hợp tác xã còn có thể được vay đến một tỷ đồng mà không phải thế chấp tài sản... Và mức cho vay cao nhất, không yêu cầu tài sản bảo đảm mà Dự thảo này đưa ra là ba tỷ đồng, dành cho các đối tượng liên hiệp hợp tác xã nuôi trồng thủy sản hoặc khai thác hải sản xa bờ...
Mức cho vay lớn, đối tượng cho vay rộng hứa hẹn sẽ tạo điều kiện để sản xuất nông nghiệp được cơ cấu lại, cải thiện tình trạng sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, sức cạnh tranh yếu như hiện nay.
Để nông nghiệp hấp dẫn ngân hàng
Đặc thù của sản xuất nông nghiệp là chịu ảnh hưởng lớn bởi yếu tố thời tiết dẫn đến những rủi ro bất khả kháng. Thêm vào đó món vay lại thường nhỏ lẻ nên không có nhiều ngân hàng sẵn sàng tham gia. Người dân muốn vay nhưng nếu ngân hàng không nhiệt tình thì tín dụng cho NNNT cũng khó phát triển được. Mặt khác, cho vay theo NĐ 41 cũng như theo Dự thảo NĐ mới này là không có tài sản bảo đảm. Song cơ quan soạn thảo vẫn giữ nguyên quy định hiện hành là khách hàng vay vốn phải nộp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Vậy đây có phải là một hình thức của tài sản bảo đảm? NHNN khẳng định: Tài sản có giấy chứng nhận sử dụng này không được đăng ký giao dịch bảo đảm nên không phải là tài sản thế chấp. Hơn nữa, việc NHTM giữ giấy chứng nhận là nhằm tránh trường hợp khách hàng lợi dụng chính sách, vay vốn ở nhiều NHTM cùng lúc hoặc bị lừa khi cho người khác mượn sổ đỏ (như đã từng diễn ra ở nhiều nơi).
Để khuyến khích khách hàng vay vốn mua bảo hiểm nông nghiệp, góp phần giảm rủi ro cho ngân hàng, dự thảo đưa ra quy định ngân hàng phải giảm lãi suất cho vay tối thiểu 0,1% so với lãi suất của các khoản cho vay tương tự. Cùng với đó, ngân hàng cũng phải mua bảo hiểm tín dụng đối với các khoản cho vay phục vụ phát triển NNNT. Một vấn đề khác: Theo NĐ 41 cũng như theo quy định tại dự thảo là do hai bên thỏa thuận. Vậy ưu đãi về lãi suất ở đâu? NHNN cho rằng, cùng với lãi suất thương mại thì khách hàng vẫn có cơ hội vay lãi suất ưu đãi khi nguồn vốn tín dụng có sự hỗ trợ của Nhà nước. Mặt khác, tùy tình hình thực tế NHNN vẫn có quy định cụ thể về mức lãi suất cho vay tối đa đối với các lĩnh vực ưu tiên, trong đó có nông nghiệp, nông thôn. Và cùng với quy định của NHNN, các NHTM lại có chính sách riêng, cụ thể hơn về lãi suất ưu đãi cho NNNT. Đơn cử, hiện Agribank đang áp dụng lãi suất ưu đãi cho chương trình cho vay thí điểm phục vụ phát triển nông nghiệp theo Nghị quyết 14/NQ-CP của Chính phủ gồm: các doanh nghiệp ký hợp đồng liên kết trong sản xuất gắn với chế biến và tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp; doanh nghiệp được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cấp giấy chứng nhận là doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; các hộ nông dân, hợp tác xã đại diện cho nông dân thực hiện ký hợp đồng liên kết theo chuỗi sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp... Mức lãi suất cho vay tối đa đối với các dự án vay thuộc các chương trình thí điểm này được áp dụng, cho vay ngắn hạn là 7%/năm; cho vay trung hạn là 10%/năm; cho vay dài hạn là 10,5%/năm. Một quy định khác của Dự thảo Nghị định mới được cho là sẽ "cởi trói" cho các ngân hàng khi tham gia cho vay NNNT là mức trích lập dự phòng rủi ro từ 100% như hiện nay xuống tối đa 50% giá trị khoản vay. Việc giảm mức trích lập dự phòng sẽ giúp ngân hàng có thêm nguồn vốn để tăng cung tín dụng.
Với hơn 70% số dân sống ở khu vực nông thôn, Đảng, Chính phủ xác định nông nghiệp, nông thôn là lĩnh vực cần ưu tiên hàng đầu. Do đó việc sớm ban hành NĐ thay thế NĐ 41 là rất cần thiết. Với những thay đổi căn bản, phù hợp với thực tế, ngân hàng kỳ vọng khi NĐ mới được áp dụng sẽ góp phần tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp; hỗ trợ chương trình xây dựng nông thôn mới...
Bình quân trong bốn năm triển khai NĐ 41 ( 2010 - 2014) tốc độ tăng trưởng tín dụng cho NNNT là 23,31%, cao hơn tốc độ tăng trưởng tín dụng chung. Dư nợ cho vay NNNT thường chiếm tỷ trọng khoảng 20% trong tổng dư nợ của nền kinh tế.
Theo nhandan.org.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn