Cánh đồng lớn là mô hình liên kết làm ăn hiệu quả giữa ND và nông dân.
Nghị định 210/2013/NĐ-CP ngày 19/12/2013 của Chính phủ về chính sách khuyến khích DN đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn (gọi tắt là NĐ 210) ra đời nhằm thu hút doanh nghiệp (DN) tham gia vào lĩnh vực này để cải thiện tình hình. Tuy nhiên, sau 4 năm ban hành, NĐ 210 lại bộc lộ nhiều vướng mắc, bất cập, chính quyền thì khó tổ chức triển khai, trong khi đó DN lại khó tiếp cận.
Quy định khắt khe, phức tạp
Tại một diễn đàn về xúc tiến đầu tư vào nông nghiệp vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) do Bộ NN&PTNT mới tổ chức tại Cần Thơ để lấy ý kiến xây dựng dự thảo sửa đổi NĐ 210, ông Trần Công Thắng - Phó Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn (Bộ NN&PTNT) nhận định NĐ 210 bộc lộ nhiều hạn chế.
Cụ thể, về đối tượng, văn bản này chưa huy động được các thành phần kinh tế, đặc biệt DN vừa và nhỏ, DN khởi nghiệp. Quy định quá chi tiết về lĩnh vực và hạn hẹp về địa bàn áp dụng. Các quy định về điều kiện được hưởng thụ tương đối khắt khe, nhiều tiêu chí quá nhỏ, thủ tục phức tạp. Trong khi đó, nguồn ngân sách đảm bảo thực hiện thì thấp và chậm (sau 1 năm mới bố trí vốn hỗ trợ, chỉ hỗ trợ cho các dự án trên 2 tỷ đồng trong khi đa số DN có quy mô nhỏ và siêu nhỏ)…
Về thực trạng triển khai NĐ 210, ông Thắng cho rằng: Kết quả thu hút DN đầu tư vào nông nghiệp chậm hơn các ngành khác. Quy mô DN chủ yếu nhỏ và vừa, 55% DN có vốn dưới 5 tỷ đồng, gần 50% DN có quy mô siêu nhỏ (dưới 10 lao động). DN kém năng lực liên kết với nông dân, thiếu khả năng tìm kiếm và tiếp cận thông tin thị trường, thiếu thông tin về các rào cản kỹ thuật, các quy định thương mại quốc tế. Khả năng ứng dụng khoa học công nghệ thấp (75% DN đang sử dụng máy móc hết khấu hao). Nguồn lực ngoài ngân sách cho phát triển nông nghiệp - nông thôn hạn chế, trong khi ngân sách giải ngân hạn hẹp (năm 2016 chỉ phân bổ được 158 tỷ đồng).
Ông Nguyễn Ngọc Hè - Giám đốc Sở NN&PTNT Cần Thơ cho rằng theo quy định tại khoản 2, điều 9 của NĐ 210 (Căn cứ sản phẩm đặc thù và nguồn lực hiện có của địa phương, UBND cấp tỉnh trình HĐND ban hành chính sách đặc thù khuyến khích DN đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn tại địa phương) thì thành phố đang gặp khó khăn trong việc xác định sản phẩm đặc thù khác biệt.
Mặt khác, về kinh phí hỗ trợ, tổng mức đầu tư lại do các DN tự đề xuất nên không thể xác định mức hỗ trợ cụ thể cho từng dự án. “DN đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn còn khiêm tốn, chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế của thành phố, việc áp dụng các quy định trong NĐ 210 xem ra còn quá khó khăn.” - ông Hè nói.
Doanh nghiệp cần bình đẳng trong sân chơi chung
Ông Phạm Thái Bình - Tổng Giám đốc Công ty CP Nông nghiệp công nghệ cao Trung An (Cần Thơ) cho rằng thực tế việc liên kết giữa DN với nông dân, nhất là trong lúa gạo ở 13 tỉnh, thành vùng ĐBSCL đã và đang được thực hiện khá tốt và còn “đi nhanh hơn” cơ chế chính sách. Việc liên kết đã trở thành nhu cầu của DN và nông dân. Sắp tới nhu cầu này sẽ còn nhiều hơn, không những DN mà các đại lý, thương lái hay “cò” cũng có liên kết với nông dân.
Tuy nhiên, theo ông Bình, vấn đề đặt ra là liên kết thế nào cho bền vững. Người dân sẵn sàng tham gia liên kết, nhưng DN có mở rộng sản xuất được hay không thì đòi hỏi phải có vốn và đây cũng là cái vướng lớn nhất của DN. Ngân hàng nên thay đổi tư duy cho vay, tạo điều kiện để DN được vay vốn. “Công ty chúng tôi có thể xuất khẩu 100 nghìn tấn gạo chất lượng cao mỗi năm, năm sau có thể đạt 150 nghìn tấn, tức vượt 50%, nhưng không có vốn để làm.” - ông Bình nói.
Cũng theo ông Bình, cơ chế chính sách nên để cho mọi người làm ăn bình đẳng, đừng bó hẹp, quy định cụ thể quá thành ra méo mó, không nên bó hẹp đối tượng hỗ trợ là DN hay nông dân, ai làm được thì đều nên khuyến khích.
Còn PGS.TS Dương Văn Chín - Chủ tịch Trung tâm Nghiên cứu nông nghiệp Định Thành (Công ty CP Tập đoàn Lộc Trời) thì kiến nghị, dự thảo sửa đổi NĐ210 nên gửi đến cộng đồng DN để họ xem và đóng góp ý kiến, như vậy mới nhận được sự đồng thuận cao…
Gianh Lam/daidoanket.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn