"Cuộc chơi" của người giàu

Lâm Đồng là địa phương đi đầu trong cả nước về phát triển NNCNC. Chúng tôi đến tìm hiểu thực tế tại Công ty TNHH Đà Lạt GAP, một trong những doanh nghiệp (DN) điển hình của Lâm Đồng chuyên sản xuất, cung ứng các loại rau ôn đới cho thị trường cả nước. Hiện công ty có khu trang trại rộng 32ha tại xã Lát, huyện Lạc Dương, sản xuất theo mô hình NNCNC, đạt tiêu chuẩn VietGAP, trong đó có 11ha được thiết kế nhà kính hiện đại. Theo định giá của các tổ chức tín dụng, toàn bộ tài sản gồm: Đất đai, nhà xưởng, máy móc, nhà kính… của công ty trị giá khoảng 80 tỷ đồng. Tuy nhiên, thời gian qua, DN này chỉ được vay vốn ngân hàng 2,8 tỷ đồng. Số tiền này là quá ít so với nhu cầu của DN, bởi chỉ riêng đầu tư hệ thống nhà kính, công ty đã phải chi gần 40 tỷ đồng. Ông Lê Văn Cường, Giám đốc công ty cho biết: “Nhiều tài sản của công ty dù có giá trị lớn nhưng chưa được cơ quan có thẩm quyền cấp chứng nhận quyền sở hữu tài sản trên đất nông nghiệp, do đó không thể thế chấp vay ngân hàng. Bên cạnh đó, việc định giá đất nông nghiệp hiện quá thấp, chỉ 100 triệu đồng/ha. Điều này khiến công ty chỉ được vay ngân hàng số vốn ít ỏi. Để duy trì và đầu tư mở rộng sản xuất, thời gian qua, chúng tôi phải vay vốn từ bạn bè, người thân và khách hàng”.

Ông Cường vẫn còn may mắn bởi có tiềm lực về vốn, lại được bạn bè và khách hàng hỗ trợ. Trong khi đó, nhiều hộ nông dân và DN tại TP Đà Lạt (Lâm Đồng) đang gặp rất nhiều khó khăn khi tìm nguồn vốn để đầu tư, phát triển NNCNC. Ông Ngô Nam Phong ở phường 12, TP Đà Lạt cho biết: “Gia đình tôi hiện có hơn 5 sào đất. Dù rất muốn đầu tư nhà kính để phát triển rau, hoa công nghệ cao nhưng do không có vốn nên vẫn phải canh tác theo kiểu truyền thống, gặp nhiều rủi ro bởi thời tiết, dịch bệnh; năng suất, chất lượng sản phẩm kém". Ông Mai Văn Khẩn, Chủ nhiệm Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Tân Tiến (Đà Lạt) cũng cho biết, nhiều năm qua, gia đình ông và các thành viên trong hợp tác xã phải cầm cố nhà cửa, thậm chí vay ngoài với lãi suất cao để đầu tư NNCNC. “Thiếu vốn nên hợp tác xã rất khó khăn để duy trì và mở rộng sản xuất. Hiện gia đình tôi muốn xây dựng nhà kính trên khu đất rộng khoảng 3ha, dự kiến chi phí hơn 3,5 tỷ đồng nhưng cũng chưa tìm đâu ra nguồn vốn để đầu tư”, ông Khẩn chia sẻ.

Theo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, từ năm 2015 đến nay, các ngân hàng đã cho vay phát triển NNCNC đạt dư nợ 22.631 tỷ đồng, riêng khu vực Tây Nguyên đạt 177,4 tỷ đồng, trong đó tập trung chủ yếu tại tỉnh Lâm Đồng với dư nợ 153,3 tỷ đồng. Tuy nhiên, con số này so với nhu cầu thực tế là rất thấp, bởi chỉ tính riêng tỉnh Lâm Đồng hiện đã có khoảng 49.000ha sản xuất theo mô hình NNCNC, trong khi đó, để đầu tư 1ha nhà kính trồng rau, hoa thì chi phí hết khoảng 2 tỷ đồng, giá trị chuyển nhượng 1ha đất nông nghiệp trên thị trường tại TP Đà Lạt khoảng 8-10 tỷ đồng, chưa kể chi phí cho giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thuê nhân công chăm sóc, thu hoạch, điện, nước… Do vốn đầu tư lớn nên NNCNC hầu hết vẫn chỉ là "cuộc chơi" của người giàu...

 

Sản xuất rau công nghệ cao tại Trang trại Đức Tín, Phường 8, TP Đà Lạt (Lâm Đồng). Ảnh: ĐÔNG VŨ 

 

Sớm tháo gỡ khó khăn về cơ chế, chính sách

Thực tế tại tỉnh Lâm Đồng cho thấy, NNCNC là lĩnh vực sản xuất bền vững, cho lợi nhuận cao. Theo đó, mỗi héc-ta rau, hoa có thể mang lại lợi nhuận từ 500 triệu đồng đến 1,5 tỷ đồng/năm, cá biệt có những mô hình đạt lợi nhuận rất cao như rau thủy canh, hoa ly, hoa lan... đạt 2-5 tỷ đồng/ha/năm.

Là lĩnh vực sinh lợi lớn nhưng tại sao các tổ chức tín dụng lại không mặn mà với việc cho vay để phát triển NNCNC? Lý giải về điều này, ông Trần Văn Tần, Phó vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước Việt Nam) cho rằng: “Sản xuất NNCNC là lĩnh vực mới, chưa có tiền lệ, trong khi thiếu các công cụ phòng ngừa rủi ro, nhất là chính sách bảo hiểm trong nông nghiệp. Vốn đầu tư cho dự án NNCNC là rất lớn và giá thành trên một đơn vị sản phẩm khá cao. Hầu hết các sản phẩm đầu tư NNCNC chưa tìm được thị trường tiêu thụ ổn định. Các công trình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao như nhà kính, nhà lưới... chưa được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu tài sản trên đất nông nghiệp”.

Theo ông Nguyễn Văn Sơn, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng, thời gian qua, mặc dù Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách tín dụng hỗ trợ phát triển NNCNC như Nghị định số 55/2015/NĐ-CP và nhất là Nghị quyết số 30/NQ-CP ngày 7-3-2017, theo đó Chính phủ đã chỉ đạo các ngân hàng thương mại dành 100.000 tỷ đồng để cho vay khuyến khích phát triển NNCNC, nông nghiệp sạch với lãi suất thấp hơn lãi suất thị trường 0,5-1,5%/năm. Tuy nhiên, quá trình triển khai các chính sách vẫn còn “tắc” ở nhiều khâu nên nguồn vốn vẫn chưa thể đến với người dân và DN.

Tại Hội thảo “Phát triển nông nghiệp công nghệ cao toàn quốc” vừa tổ chức ở TP Đà Lạt, đại diện nhiều ngân hàng khẳng định, các ngân hàng luôn đủ nguồn vốn và sẵn sàng để cho vay phát triển NNCNC. Tuy nhiên, để ngân hàng “mở hầu bao” thì vấn đề quan trọng là phải có cơ chế nhằm tránh rủi ro cho ngân hàng, đặc biệt là DN và người dân phải có tài sản thế chấp. Nhằm tháo gỡ khó khăn về tín dụng cho NNCNC, nhiều đại biểu cho rằng, thời gian tới, các bộ, ngành có liên quan cần sớm triển khai, thực hiện nghiêm chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 30/NQ-CP ngày 7-3-2017 về nghiên cứu sửa đổi quy định cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà và tài sản gắn liền với đất; hướng dẫn chứng nhận quyền sở hữu tài sản trên đất nông nghiệp, tạo điều kiện cho người dân và DN có thể làm thủ tục đăng ký giao dịch bảo đảm vay vốn ngân hàng; làm tốt công tác đánh giá, dự báo và cảnh báo về nhu cầu thị trường đối với sản phẩm NNCNC tạo cơ sở để định hướng phát triển; đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, hỗ trợ người dân và doanh nghiệp tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm để việc triển khai chương trình tín dụng NNCNC theo chỉ đạo của Chính phủ đạt hiệu quả.

Theo Vũ Đình Đông/qdnd.vn