Vùng sản xuất rau hữu cơ tại Hợp tác xã Bái Thượng, Thanh Xuân, Sóc Sơn-Ảnh Tú Mai |
Trao đổi với phóng viên, anh Hoàng Văn Hưng, Chủ nhiệm Hợp tác xã Bái Thượng, thôn Bái Thượng, xã Thanh Xuân, huyện Sóc Sơn cho biết, việc sản xuất rau hữu cơ đòi hỏi nhiều tiêu chí cao và khắt khe hơn rất nhiều so với sản xuất rau an toàn. Đơn vị đã trải qua thời kỳ đầu khi bắt tay vào sản xuất, nhưng có thể thấy vấn đề khó khăn nhất là đất đai và nguồn nhân lực. Do ruộng đất tại địa phương vốn manh mún, nên khi quy hoạch sản xuất, Hợp tác xã đã phải vận động hoặc đấu thầu lại những ruộng xung quanh để tạo thành vùng khoảng 5 nghìn m2 và từ đó mới hình thành được nhóm để sản xuất. Nhưng nhiều khi bà con không hợp tác, hỗ trợ tạo điều kiện cho Hợp tác xã. Khi đã quy hoạch được vùng đất rồi thì quan trọng nhất là phải có người làm. Do sản xuất rau hữu cơ còn khá mới mẻ với người dân địa phương nên việc thu hút lao động cũng không đơn giản, do người dân nhận thức còn hạn chế và chưa hiểu được hết ý nghĩa của việc phát triển rau hữu cơ.
Cùng chung những khó khăn với Hợp tác xã Bái Thượng, anh Nguyễn Viết Cường, Chủ tịch xã Tam Thuấn, huyện Phúc Thọ chia sẻ. Hiện nay, xã đang dự kiến xây dựng 24,13 ha rau hữu cơ trong năm 2017. Tuy nhiên, vấn đề tích tụ ruộng đất để sản xuất rau gặp rất nhiều khó khăn, do đồng đất vốn sản xuất manh mún và việc thuê lại ruộng đất của người dân cũng không thuận lợi.
Bên cạnh đó, chất lượng đất cơ bản đang bị ô nhiễm lớn, do các vùng đất trước đây bà con nông dân dùng nhiều phân hóa học để chăm bón và sử dụng nhiều thuốc trừ sâu. Nên để đất đạt tiêu chuẩn sản xuất rau hữu cơ phải mất từ 2 đến 3 năm cải tạo. Bên cạnh đó, việc thuê công nhân sản xuất rau cũng gặp trở ngại, mặc dù lương trả cho sản xuất rau cũng khá nhưng so sánh với những công việc khác ở ngoài địa phương thì lương làm rau hữu cơ còn thấp.
Trước vấn đề này, ông Nguyễn Duy Hồng, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật cho biết, thực tế việc quản lý sản xuất rau an toàn còn khó khăn do nông dân sản xuất quy mô nhỏ, phân tán, số hộ sản xuất rau rất lớn. Người nông dân sản xuất rau chưa có thói quen không đọc bao bì hướng dẫn nên không ghi chép. Bên cạnh đó, chính quyền địa phương chưa tiếp cận được việc này để chỉ đạo.
Mặt khác, người tiêu dùng chưa quen kiểm soát truy xuất đến hộ và công ty kinh doanh rau an toàn chưa có thói quen kiểm soát. Số hoạt chất và tên thương phẩm thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) không ngừng tăng lên, hiện tại có hơn 1,7 nghìn hoạt chất và hơn 4 nghìn tên thương phẩm. Các công ty kinh doanh và cửa hàng buôn bán thuốc BVTV liên tục quảng cáo với nhiều hình thức và chính sách khuyến mại hấp dẫn cùng với sự phong phú của trên 40 loại rau, sự đa dạng và diễn biến phức tạp của sâu bệnh làm cho nông dân khó khăn trong việc lựa chọn đúng thuốc bảo vệ thực vật, đặc biệt đối với các hộ chưa được huấn luyện về IPM.
Đặc biệt, liên kết giữa doanh nghiệp, hợp tác xã và nông dân không chặt chẽ, hài hòa lợi ích giữa các bên dẫn đến hợp đồng thường bị phá vỡ. Trong đó, vai trò của Hợp tác xã nông nghiệp còn rất hạn chế, mới chỉ đáp ứng một số dịch vụ đầu vào, không có vốn hoặc vốn rất thấp. Nhất là cơ chế, chính sách sản xuất và tiêu thụ nông sản của Trung ương và thành phố mới tập trung cho xây dựng hạ tầng kỹ thuật với chính sách đầu tư hoặc hỗ trợ lãi vay vốn. Và hầu hết các vùng chuỗi chỉ tiêu thụ được một phần nhỏ sản lượng/ngày qua các hợp đồng, bếp ăn tập thể, nhà hàng có bao gói nhãn mác nhận diện còn lại là bán buôn tại các chợ đầu mối, bán lẻ tại chợ dân sinh.
Chính vì vậy, để từng bước tháo gỡ khó khăn và nâng cao nhận thức, vai trò cũng như trách nhiệm của người sản xuất kinh doanh vật tư nông nghiệp và niềm tin của người tiêu dùng, Chi cục Bảo vệ thực vật đã xây dựng và vận hành thí điểm 11 chuỗi rau an toàn áp dụng hệ thống bảo đảm có sự tham gia (PGS) của người sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng. Mặc dù Bộ NN&PTNT chưa ban hành quyết định về sản xuất rau hữu cơ và kinh doanh rau hữu cơ nhưng năm 2013, Hà Nội đã ban hành quy định tạm thời sản xuất rau hữu cơ. Đây cũng là điều kiện thuận lợi để phát triển sản xuất rau hữu cơ trên địa bàn thành phố.
Đồng thời Chi cục đã triển khai một số hoạt động xây dựng bộ tài liệu hướng dẫn, chỉ đạo mô hình như xây dựng danh mục vật tư đầu vào, hướng dẫn hồ sơ ghi chép nhật ký, biên bản kiểm tra chéo... Bên cạnh đó, kiểm tra tình hình sử dụng thuốc bảo vệ thực vật từng ruộng, từng hộ (theo mẫu), tổng hợp báo cáo hàng ngày. Đồng thời tổ chức hội thảo, tuyên truyền hệ thống bảo đảm có sự tham gia (PGS) của sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng, gồm cán bộ được phân công phụ trách mô hình chuỗi; các doanh nghiệp, Hợp tác xã sản xuất, kinh doanh rau; đội trưởng, nhóm trưởng các vùng sản xuất rau.
Về mặt chính sách, do hiện nay, Bộ NN&PTNT chưa ban hành quyết định về sản xuất rau hữu cơ và kinh doanh rau hữu cơ nên hi vọng Bộ sẽ sớm ban hành quy định để việc sản xuất, phát triển được thuận lợi.
Hà Nội cũng cần sự quan tâm, đầu tư nhiều hơn từ phía UBND Thành phố, Liên đoàn nông nghiệp hữu cơ quốc tế (IFOAM), Hiệp hội hữu cơ Việt Nam quan tâm hỗ trợ các tài liệu hướng dẫn, tiến bộ kỹ thuật của thế giới về sản xuất rau hữu cơ. Đồng thời hỗ trợ nguồn lực xây dựng mô hình sản xuất rau hữu cơ, tạo điều kiện cho cán bộ kỹ thuật, nông dân tham quan, học tập kinh nghiệm sản xuất rau hữu cơ của các nước trong khu vực và thế giới.
Theo Tú Mai/thanglong.chinhphu.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn