Với đặc thù cùi dày, mọng nước, vỏ lại mỏng, có thể nói vải thiều là loại quả rất khó bảo quản. Hiện nay, hình thức bảo quản quả vải phổ biến nhất trong quá trình vận chuyển và XK, đó là đóng vào thùng xốp kèm theo đá lạnh, bịt kín. Theo một số DN xuất khẩu, biện pháp bảo quản này có thể giữ được mẫu mã, chất lượng quả vải trong vòng vài tuần, tạo điều kiện để tiêu thụ nội địa hoặc XK sang một số thị trường lân cận như Trung Quốc, Lào bằng đường bộ.
Cơ sở sơ chế, bảo quản vải thiều theo công nghệ mới của VIAEP tại HTX Hồng Giang (Lục Ngạn, Bắc Giang) |
Tuy nhiên, để XK sang các thị trường xa, có giá trị kinh tế cao như Mỹ, Úc, EU..., việc bảo quản quả vải đang là vấn đề khiến các DN đau đầu. Bởi nếu đi bằng đường hàng không, biện pháp bảo quản bằng thùng xốp, với tỉ lệ đá lạnh phải chiếm gần 50% tổng khối lượng, chi phí vận tải sẽ đội lên ngất ngưởng. Trong khi đó nếu chọn giải pháp đi bằng đường biển, biện pháp bảo quản này lại khó có thể kéo dài được thời gian bảo quản.
Bà Ngô Tường Vy, PGĐ Cty XNK Trái cây Chánh Thu (Cty Chánh Thu), một DN lớn và có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực XK nhiều loại trái cây của Việt Nam sang các thị trường lớn như EU, Mỹ, Úc, Canada... cho biết: Hiện nay, vải thiều là loại trái cây được rất nhiều bạn hàng quốc tế quan tâm đặt mua. Trong đó, Mỹ vẫn là thị trường rất lớn đối với loại trái cây này của Việt Nam. Bên cạnh lượng khách hàng là cộng đồng người Việt rất đông đảo tại Mỹ, người tiêu dùng Mỹ cũng rất thích quả vải của Việt Nam.
Tuy nhiên hiện nay, Cty Chánh Thu vẫn rất e dè trong việc XK quả vải, mà nguyên nhân chính là thời vụ thu hoạch quả vải quá ngắn (chỉ trong vòng 1 - 1,5 tháng). Trong khi đó hiện nay ở nước ta chưa có công nghệ bảo quản nào cho phép kéo dài được thời gian vận chuyển và tiêu thụ bằng đường biển sang Mỹ (thời gian vận chuyển tàu biển sang Mỹ khoảng 20 ngày), còn vận chuyển bằng đường hàng không thì cước vận tải lại quá đắt đỏ.
Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN-PTNT), dự kiến trong năm 2018, cả nước sẽ có khoảng 8 NM chế biến sâu về mặt hàng rau quả đi vào hoạt động. Điều này đang phản ánh bức tranh sôi động và phát triển rất mạnh mẽ của ngành rau quả nước ta. Tuy nhiên, khâu sơ chế, bảo quản cho các sản phẩm rau quả, đặc biệt là mặt hàng trái cây hiện nay lại gần như vắng bóng các hoạt động đầu tư của DN.
Tại vựa vải thiều tỉnh Bắc Giang, ngoài các cơ sở đá lạnh và đóng gói quả vải thủ công bằng phương pháp thùng xốp, hiện chỉ có duy nhất một cơ sở sơ chế, bảo quản quả vải được nhà nước đầu tư, đó là Cơ sở sơ chế, đóng gói và bảo quản quả vải tại HTX Hồng Giang (huyện Lục Ngạn). Công trình này thuộc Chương trình KH-CN phục vụ Xây dựng MTM đầu tư, do Viện Cơ điện và Công nghệ sau thu hoạch (VIAEP, Bộ NN-PTNT) chủ trì thực hiện.
Sơ chế bảo quản vẫn đang là vấn đề nan giải của quả vải thiều |
Quả vải được đi qua dây chuyền gồm một giàn rửa nước ấm, một giàn rửa có pha dung dịch pH thấp, sau đó được phân loại đóng gói và đưa vào kho làm lạnh khô trước khi đóng gói XK...
Theo lí thuyết, công nghệ này có thể giúp bảo quản quả vải giữ được mẫu mã, chất lượng đảm bảo kéo dài trong vòng 1 tháng. Vụ vải thiều năm 2016, toàn bộ khu sơ chế đã được hoàn thành và bàn giao cho HTX Hồng Giang vận hành, đồng thời đã thí điểm triển khai sơ chế, bảo quản cho một số DN tham gia XK vải thiều sang Úc... Tuy nhiên ngay trong năm đầu tiên đi vào hoạt động, dây chuyền đã gặp phải một số trục trặc, khiến một số lô vải thiều XK có tỉ lệ quả bị hỏng, thối, nứt vỏ trong quá trình bảo quản, vận chuyển và XK.
Trước tình hình này, từ năm 2017 đến nay, VIAEP tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện quy trình, đó là bổ sung khâu làm lạnh nhanh quả vải bằng nước đá trước khi đi vào xử lí hơi nước; điều chỉnh khung nhiệt độ làm ráo và lạnh sâu; đồng bộ hóa nhiệt độ bảo quản trong toàn bộ quá trình bảo quản, vận chuyển và lắp đặt thiết bị giám sát nhiệt độ theo chuỗi…
“VIAEP sẽ giám sát kỹ quá trình sơ chế bảo quản của DN trong quá trình XK trong vụ vải năm nay. Chúng tôi đã sẵn sàng và có thể tin tưởng đảm bảo giúp quả vải thiều đạt thời gian bảo quản từ 30-33 ngày, đủ đáp ứng yêu cầu XK sang thị trường xa bằng đường thủy như Mỹ, Úc, EU...” – TS Phạm Anh Tuấn, Viện trưởng VIEP khẳng định.
Bên cạnh việc nghiên cứu công nghệ bảo quản, tôi cho rằng chúng ta cũng cần nghiên cứu ra các bộ giống vải khác nhau để phù hợp với các mục đích khác nhau. Ví dụ có giống vải vỏ mỏng, mọng nước để tiêu thụ nội địa và thị trường gần; có giống lại phải đòi hỏi có gai, vỏ dày, ít mọng nước hơn mà vẫn đảm bảo được về chất lượng để phục vụ cho XK các thị trường xa. Đây là điều vô cùng quan trọng. Bà Ngô Tường Vy |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn