04:21 EST Thứ sáu, 15/11/2024
CHỦ ĐỀ HỌC TẬP VÀ LÀM THEO TẤM GƯƠNG ĐẠO ĐỨC HCM CỦA VP ĐIỂU PHỐI NTM HÀ TĨNH "GƯƠNG MẪU, CHỦ ĐỘNG, TÂM HUYẾT, KHOA HỌC, HIỆU QUẢ"

Menu Hệ thống

Tư vấn chính sách
Văn bản Pháp luật
Văn bản Pháp luật
Điều hành tác nghiệp Hà Tĩnh
Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn
Cổng Thông tin Điện tử Hà Tĩnh
Công báo Hà Tĩnh
Báo Nông nghiệp Việt nam
Khuyến nônng Việt Nam
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Tĩnh

TRANG CHỦ » Tin Tức » Thông tin khác


Đối tác chiến lược ngành in bạt quảng cáo

in bạt hiflex - in decal pp - in decal ngoài trời - in băng rôn

Cụ Nguyễn Công Trứ làm “nông thôn mới”

Thứ sáu - 03/02/2017 02:14
Nguyễn Công Trứ là một vị quan, một tướng công và là một nhà thơ nhưng ông cũng là người xuất chúng làm kinh tế. Ông có tầm mắt nhìn xa trông rộng, tính toán nhạy bén, có năng lực tổ chức tuyệt vời.
Cụ Nguyễn Công Trứ làm “nông thôn mới”
Quang cảnh hữu tình của sông Ân, đoạn chảy qua trước Đền thờ Tướng công Nguyễn Công Trứ ở xã Quang Thiện, huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình. Ảnh : Thế Lữ

Doanh điền là một hình thức khai hoang do ông đề xuất và được vua giao đích thân cho ông thực hiện với danh nghĩa Doanh điền sứ của triều đình.

Năm 1828, ông khai phá ra huyện Tiền Hải (tỉnh Thái Bình) với diện tích khai hoang 18.970 mẫu cho 2.530 người dân. Năm 1829, khai phá huyện Kim Sơn (tỉnh Ninh Bình) có diện tích 14.620 mẫu cho 1.268 người…

Điểm sáng chói là, cách đây gần 200 năm mà ông đã quy hoạch đất đai, đường sông, đường bộ, cơ cấu dân cư nơi ở đến mồ mả, đình đền, miếu mạo, nếp sống văn hóa của người dân… bài bản đến mức dường như các tiêu chí quan trọng trong 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới ngày nay cũng chỉ dựa trên nền móng cũ của cụ để bổ sung và hiện đại hóa!

Thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình có nhiều đổi thay. Diện mạo nông thôn: Đường đất được mở rộng, hệ thống kênh mương đến sông lớn được kè bờ bằng bê tông. Cơ sở hạ tầng y tế, văn hóa, giáo dục được cải thiện. Đặc biệt các xứ Đạo thi đua phấn đấu trở thành xứ Đạo gương mẫu, người công giáo sống tốt đời đẹp đạo.

Về vùng Kim Sơn, dân cư được bố trí vườn tược, thôn xóm vuông vắn như những ô bàn cờ. Đó là kết quả cuộc khai khẩn và đặt nền móng quy hoạch của tướng công Nguyễn Công Trứ.

Theo sử sách, đầu năm 1827, Vua Minh Mệnh sai Nguyễn Công Trứ tham gia vào đội quân hùng hậu của triều đình dẹp các phong trào nông dân khởi nghĩa chống lại triều Nguyễn ở vùng Thái Bình, Ninh Bình, Nam Định thời nay. Ông được Vua Minh Mệnh ghi công và thăng chức.

Thời gian dẹp loạn ở đây, ông nhận thấy nỗi thống khổ của nông dân do tệ nạn mà quan lại, cường hào ở địa phương gây nên. Cuộc sống khốn khó nhưng ruộng đất rất ít, trong khi bãi bồi lại mênh mông phủ đầy cỏ lác. Để cứu người dân khỏi cảnh “đói rách bần hàn” và dẹp hết mầm mống chống lại triều đình, ông đã dâng sớ lên Vua Minh Mệnh: “Khẩn hoang để yên nghiệp dân nghèo”. Trong bản tấu này, ông đã nói về mục đích khai hoang là “mối lợi tự nhiên đó vô cùng” và biến vùng bãi bồi hoang dại thành làng xóm thuần hậu, không còn là căn cứ của nghĩa quân nông dân chống lại triều đình như trước.

Đề nghị của ông được Vua Minh Mệnh chấp nhận và cử ông làm Doanh điền sứ trực tiếp tổ chức công cuộc khẩn hoang ở vùng đất Tiền Hải, Thái Bình vào năm 1828 và Kim Sơn, Ninh Bình năm 1829.

Để có nước tưới dẫn phù sa vào ruộng và thoát lũ nhanh vào mùa mưa, Nguyễn Công Trứ đã quy hoạch đất đai theo ô bàn cờ. Ông cho nhân dân đào sông Ân nối liền với sông Đáy và sông Càn dài 13,5km, rộng 15m, sâu 3m. Sông Ân chảy qua các lý, ấp, trại trong huyện khi mới thành lập. Từ sông Ân, ông cho đào các sông nhỏ tỏa đi các thôn xóm như hình xương cá. Cứ mỗi làng lớn hoặc 2 làng nhỏ lại có 1 con sông chạy dọc theo chiều dài của làng để tiêu úng nước vào mùa lụt và thau chua rửa mặn cho đồng ruộng. Nói là sông chảy dọc các làng nhưng cũng dài tới 10km. Khoảng cách giữa các sông từ 250 -  300m. Có hơn 30 con sông lớn nhỏ và một số mương máng khác đã được đào với tổng chiều dài hơn 100km chiếm diện tích khoảng 120 mẫu và nạo vét khoảng 1 triệu mét khối đất.

Do công việc khẩn hoang diễn ra trên quy mô 1 huyện cho nên ông đã quy hoạch trên phạm vi cả huyện. Điểm nổi bật là, giao thông và thủy lợi gắn bó chặt chẽ với nhau: Dưới sông thuyền bè đi lại, sông tiêu nước mùa lụt nhưng dẫn nước ngọt vào đồng để lấy phù sa. Đất đào từ sông đắp lên thành đường giao thông. Do vậy, trên đường bộ, dưới đường thủy, phong cảnh rất hữu tình. Ranh giới giữa các làng được phân chia bởi các con sông nhỏ. Quy hoạch thủy nông còn kết hợp làm địa giới hành chính của các lý, ấp, trại.

Dọc theo sông Ân (con sông đào lớn nhất huyện Kim Sơn) là con đường đất rộng có từ thời Nguyễn Công Trứ nay đã đổ bê tông hiện đại hóa và là một trong những con đường đẹp nhất của huyện Kim Sơn. Các cơ quan hành chính của các xã, tụ điểm văn hóa dân cư được xây dựng kiểu dáng tân thời dọc theo các đường bộ và đường sông. Vì sông Ân giáp với sông Đáy nên gần 200 năm nay khi nước triều cường dâng, nước ở sông Đáy dâng lên, nước sông Ân theo đó dâng lên rồi dẫn vào đồng ruộng. Khi gặp mưa úng, nước ở đồng ruộng lại được tháo chảy ra sông Ân rồi tiếp tục đổ ra sông Đáy xuôi ra biển. Cho đến ngày hôm nay, Kim Sơn vẫn dùng hệ thống tưới tiêu tự chảy mà Nguyễn Công Trứ đã khai nguồn từ xưa để phục vụ nông nghiệp. Mặc dù huyện xây dựng thêm hệ thống trạm bơm điện, song hệ thống kênh, mương của Nguyễn Công Trứ vẫn giữ vai trò tưới tiêu quan trọng.

Điểm nổi trội nhất của Kim Sơn là phong thủy: Mọi sông lớn, lạch nhỏ đều đổ ra biển; mọi ngôi nhà trong làng xã đều hướng mặt ra phía biển cả, đó là hướng Tây Bắc -  Đông Nam. Mồ mả được chôn cất trên các gò cao và cách xa khu dân sinh. Phía biển cũng là phía hừng Đông của mặt trời, cho nên ngày nay Kim Sơn đã có thêm một thị trấn mới Bình Minh.

Cụ Trần Văn Nho, 82 tuổi, ở thôn Lạc Thiện, xã Quang Thiện, huyện Kim Sơn cho biết: Kế sách “dẫn thủy nhập điền” của Nguyễn Công Trứ thật khoa học. Mở nước hoặc tháo nước vào ruộng đều dựa vào thủy triều không tốn công sức. Người xưa không phải dùng gàu để tát nước, và như vậy họ có thời gian để làm các nghề thủ công như dệt chiếu, đánh bắt hải sản. Kế sách đó vẫn được áp dụng cho đến ngày nay. Hiện tại cả huyện chỉ có một trạm bơm Kim Đài - Quy Hậu chủ yếu chống úng khi có mưa bão lớn.

Về phương diện cấu trúc xã hội, các làng, ấp ở Kim Sơn được thành  lập theo mô hình của làng xã cổ truyền. Tên làng của nhiều lý, ấp, trại phản ánh nguyện vọng của nhân dân, ước mơ về một cuộc sống vui tươi, lành mạnh và giàu có. Tên làng được đặt theo những từ Hán - Việt mang ý nghĩa sâu sắc gửi gắm nguyện vọng của người dân như: Lạc Thiện, Phú Vinh, Yên Bình, Ninh Mật, Hòa Lạc, Phúc Điền, Lưu Hương, Xuân Thành, Yên Lộc…

Mục tiêu của huyện Kim Sơn là phấn dấu nâng cao đời sống cho người dân. Ông Trần Văn Công, Trưởng Phòng Nông nghiêp và Phát triển nông thôn cho biết: Do đặc thù địa bàn dân cư nên Kim Sơn tập trung phát triển sản xuất theo hướng giảm tỷ trọng ngành trồng trọt, tăng tỷ trọng chăn nuôi, chọn khâu đột phá là tăng tỷ trọng ngành nuôi trồng thủy sản. Tiếp tục nhân rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp hàng hóa liên kết với doanh nghiệp…

Đất và người Kim Sơn hôm nay đang đổi thay từng giờ, từng ngày. Gần 200 năm đi vào lịch sử của câu chuyện khai khẩn vùng đất mới. Từ người già đến lớp trẻ ở vùng đất này ai cũng tự hào và biết ơn lớp người cha ông đi mở đất. Với họ, Nguyễn Công Trứ “nặng ân nghĩa, dày ơn sâu”.

Tác giả bài viết: Thế Lữ

Nguồn tin: thanhtra.com.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Từ khóa: n/a

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

Thư viện Hình ảnh



Thăm dò ý kiến

Đánh giá kết quả thực hiện Chương trình NTM nên theo chỉ tiêu nào?

Số xã về đích (đạt 19/19 tiêu chí)?

Tổng số tiêu chí đạt chuẩn?

Tổng mức độ tiến bộ của tất cả các tiêu chí (theo phương pháp chấm điểm)?

Phương án khác?

Thời tiết - Tỷ giá

Thống kê

Đang truy cậpĐang truy cập : 442


Hôm nayHôm nay : 36393

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 596663

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 70823978