Theo số liệu của Tổng Cục Thống kê, năm 2012 tổng đàn bò sữa: 166.989 con, tăng gần 17%; sản lượng sữa đạt 381.740 tấn, tăng trên 10% so với năm 2011. Đến nay, tổng đàn bò sữa đạt trên 184 nghìn con; sản lượng sữa đạt trên 420 nghìn tấn.
Tuy nhiên, đàn bò sữa lại phát triển theo quy mô nông hộ nhỏ lẻ. Trong 184.000 con bò sữa thì có đến 120.000 con được nuôi rải rác tại 19.000 nông hộ, trong đó mười tỉnh có đàn bò sữa lớn nhất là: Thành phố Hồ Chí Minh 84.875 con, Nghệ An 28.187 con, Sơn La 12.830 con, Hà Nội 10.782, Long An 7.154 con, Lâm Đồng 5.971 con, Sóc Trăng 4.186 con, Tuyên Quang 2.763 con, Vĩnh Phúc 2.730 con và Bình Dương 2.146 con…
Cũng chính bởi lí do trên dẫn tới sản lượng sữa thấp, chất lượng sữa không đảm bảo. Hiện, sản lượng sữa tươi trong nước chỉ đáp ứng được 30%, còn lại 70% là nhập khẩu sữa hoàn nguyên, dẫn tới sữa hoàn nguyên tại Việt Nam đắt hơn cả sữa tươi sạch, do vậy, Việt Nam vẫn là 1 trong 20 quốc gia nhập khẩu sữa nhiều nhất thế giới.
Theo ông Nguyễn Xuân Dương, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi, tại các nước có truyền thống về ngành sữa, các nhà máy chế biến sữa thường được hình thành từ các hợp tác xã chăn nuôi bò sữa, do vậy có sự hiểu biết về cơ chế xác định giá sữa. Nhưng, ở Việt Nam, các nhà máy chế biến sữa lại không phụ thuộc vào người nuôi bò sữa mà phụ thuộc vào sữa bột nhập khẩu.
Do vậy để có một cơ cấu giá khách quan giữa người chăn nuôi - nhà máy chế biến - người tiêu dùng, ông Dương đề nghị hình thành Ủy ban Sữa quốc gia.
Cũng theo ông Dương, xu hướng chăn nuôi bò sữa hiện nay của Việt Nam quy mô đàn dưới 5 con đang giảm dần, quy mô từ 5-10 con trở lên đang tăng. Bên cạnh đó, năng xuất và sản lượng sữa của bò sữa Việt Nam hiện nay trung bình là 4.000-4.500 kg/chu kỳ tương đương hoặc cao hơn với một số nước trong khu vực như Thái Lan, Indonesia, Philipine và Trung Quốc. Về công nghệ chế biến sữa của Việt Nam hiện nay tương đối phát triển với nhiều nhà máy chế biến áp dụng công nghệ tiên tiến trên thế giới như Vinamilk, TH true milk, Mộc châu Milk, Sữa quốc tế IDP…
Dựa trên cơ sở những nền tảng đó, ngành chăn nuôi Việt Nam hoàn toàn có thể đạt được mục tiêu nâng tổng số đàn lên 500 nghìn con và đạt 1 triệu tấn sữa/năm vào năm 2020.
Để hướng tới phát triển ngành chăn nuôi bò sữa có hiệu quả bền vững, ông Vũ Văn Tám, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT, cho rằng, chăn nuôi bò sữa không chỉ chú trọng đến vấn đề số lượng đàn bò và sản lượng sữa mà phải đặc biệt chú trọng nâng cao chất lượng sản phẩm bằng cách cường công tác quản lý giống, hình thành các mô hình sản xuất theo chuỗi sản phẩm an toàn và tăng cường đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật cho ngành chăn nuôi bò sữa đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường. Để đảm bảo công bằng về chất lượng sản phẩm giữa của các nhà máy chế biến, liên Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và PTNT cùng Bộ Công Thương, Bộ KHCN phải tăng cường kiểm tra chất lượng hàng hóa, đảm bảo ghi đúng tỷ lệ sữa tươi trên bao bì sản phẩm sữa.
Trâm Anh
Nguồn: kinhtenongthon.com.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn