Đồng chí Vũ Hồng Khanh - Phó Chủ tịch Hội Cựu Chiến binh tỉnh cho biết: Trên cơ sở bám sát các chương trình, dự án phát triển KT-XH của tỉnh, Hội CCB đã xây dựng, triển khai chương trình hành động cụ thể, chỉ đạo, hướng dẫn các cấp Hội, hội viên tích cực tăng gia sản xuất, phát triển kinh tế, không cam chịu đói nghèo, tham gia tích cực các chương trình phát triển kinh tế, các phong trào thi đua của tỉnh và của Hội như: Phong trào thi đua ''CCB giúp nhau làm kinh tế XĐGN'', phong trào ''CCB sản xuất, kinh doanh giỏi''
; phong trào thi đua ''CCBtham gia thực hiện các mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới''.v..v.
Theo đó, các cấp hội đẩy mạnh tuyên truyền, vận động các thế hệ CCB nỗ lực sản xuất, kinh doanh, vươn lên làm giàu chính đáng. Đồng thời tạo điều kiện để CCB tiếp cận với nguồn vốn vay ưu đãi; tổ chức cho hội viên đi thăm quan học tập những gương CCB tiêu biểu, những cách làm sáng tạo, mô hình kinh tế sản xuất kinh doanh hiệu quả ở trong và ngoài tỉnh. Qua đó đã giúp hội viên nâng cao nhận thức cũng như được tiếp cận với những tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất, học tập kinh nghiệm quản lý kinh tế,… từ đó vận dụng hiệu quả vào sản xuất, kinh doanh.
Cựu Chiến binh Lò Văn Hiền ở bản Nà Đon, xã Bình Lư, huyện Tam Đường chăm sóc đàn lợn. Phong trào thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau xóa đói giảm nghèo và làm giàu chính đáng thu hút đông đảo hội viên tham gia. 5 năm qua Hội Cựu chiến binh tỉnh đã phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức tập huấn, bồi dưỡng chương trình khuyến nông, khuyến ngư, chuyển giao khoa học kỹ thuật, vay và sử dụng vốn cho trên 1.800 lượt hội viên; các cấp Hội đã nhận ủy thác từ Ngân hàng Chính sách xã hội với trên 190 tỷ đồng... nhờ đó, hội viên có nguồn lực để mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh, đời sống vật chất của các hội viên từng bước được nâng lên.
Các cấp Hội thường xuyên giúp đỡ các doanh nghiệp, tổ sản xuất, kinh doanh, trang trại, gia trại do hội viên CCB làm chủ, duy trì, phát triển các mô hinh sản xuất hoạt động làm ăn có lãi. Tiêu biểu là hội viên, chủ doanh nghiệp Hoàng Nhâm hội viên hội CCB thị trấn huyện Mường Tè, ''Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới'' trong thời điểm nền kinh tế chậm phát triển ở huyện đặc biệt khó khăn, tỷ lệ người lao động thất nghiệp còn cao, song doanh nghiệp của hội viên Hoàng Nhâm vẫn duy trì hoạt động và phát triển, tạo công việc làm và thu nhập ổn định cho hàng trăm lao động. Hay hội viên Đỗ Văn Khôi, chủ cơ sở chế biến nông, lâm sản xuất khẩu ở xã Ma Ly Pho, huyện Phong Thổ vẫn duy trì hoạt động làm ăn có lãi, doanh thu hàng năm lên tới hàng chục tỉ đồng..
Với tinh thần nỗ lực vượt khó vươn lên, tận dụng lợi thế về đất đai, nguồn nhân lực, các hội viên đã cần cù lao động, tăng gia sản xuất tạo thu nhập cho gia đình vươn lên thoát nghèo. Toàn tỉnh có 318 hộ gia đình hội viên phát triển kinh tế theo mô hình gia trại có hiệu quả, điển hình là hội viên Lò Văn Tỷ xã Ma Ly Pho, huyện Phong Thổ đã chịu khó học hỏi, tư duy nhanh nhạy, nắm bắt thị trường, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, sản xuất những sản phẩm có giá trị kinh tế cao, có thu nhập trên 1 tỷ đồng năm, tạo công ăn việc làm thường xuyên cho 50 lao động là con em hội viên hội CCB, với thu nhập từ 3- 4 triệu đồng/tháng/người; hội viên Chảo A Lai xã Hồ Thầu; Nguyễn Duy Hiển, Nguyễn Văn Bưởng xã Bình Lư huyện Tam Đường; Cà Văn Pánh xã Pa Khóa; Lò Văn Kiêng xã Nậm Cần, Lò Văn Chải xã Pắc Ta huyện Tân Uyên; Trang A Tỏn xã Hoang Thèn huyện Phong thổ; Chu Go Po, Mạ Lỳ Po xã Thu Lũm huyện Mường Tè...
CCB Lò Văn Hiền ở bản Nà Đon, xã Bình Lư, huyện Tam Đường chia sẻ: Năm 97 khi xuất ngũ, về địa phương xây dựng gia đình, tuy đất đai có nhưng chăm chỉ thì vẫn không đủ ăn. Với bản lĩnh của người lính, quyết không lùi bước trước đói nghèo và sự giúp đỡ của Hội CCB, anh chịu khó tìm tòi học hỏi cách trồng trọt, chăn nuôi hiệu quả. Trên 6000m2 ruộng, anh đưa các giống lúa mới vào canh tác, cho năng suất cao, đảm bảo lương thực cho gia đình. Năm 2004 khi nhà nước có dự án trồng rừng 661, gia đình anh cũng đã mạnh dạn đăng ký trồng trên 2ha. Nhờ được chăm sóc nên rừng của gia đình anh sinh trưởng và phát triển tốt. Anh còn mạnh dạn vay vốn, đầu tư trên 40 triệu đồng mua máy xay xát liên hoàn, mở cửa hàng tạp hóa để phục vụ dân bản. Sẵn có phụ phẩm từ máy xay xát và nấu rượu, gia đình anh nuôi gần 100 con lợn thịt, hàng trăm con gia cầm các loại… Mỗi năm trừ chi phí, gia đình anh lãi từ 80 -100 triệu đồng.
Bên cạnh đó, Hội CCB các cấp còn phát động phong trào hội viên CCB tiết kiệm, đóng góp xây dựng quỹ hỗ trợ ''Xóa nhà dột nát'' cho các hội viên có hoàn cảnh khó khăn. Chỉ tính riêng năm 2015, tổng số quỹ đóng góp trên 150 triệu đồng, đã tiến hành hỗ trợ và xây dựng 3 căn nhà cho hội viên CCB tại huyện Mường Tè, Nậm Nhùn, Tân Uyên với tổng số tiền hỗ trợ là 120 triệu đồng (mỗi căn nhà hỗ trợ 40 triệu đồng). Hỗ trợ 14,7 triệu đồng, kết hợp với các Đoàn thể thành phố Lai Châu xóa 1 căn nhà dột nát cho hội viên CCB tại phường Đoàn Kết. Các hộ khá, giàu còn tận tình giúp đỡ các hộ nghèo về vốn, cây con giống, sức kéo, ngày công, kinh nghiệm sản xuất cho hàng nghìn hộ, tạo việc làm thường xuyên và thời vụ cho nhiều lao động với thu nhập cao và ổn định. Qua đó, tạo thêm động lực để hội viên phấn đấu vươn lên. Hiện nay số hội viên thuộc hộ khá, giàu chiếm trên 51%.
Có thể khẳng định rằng, những kết quả đạt được từ phong trào thi đua ''CCB sản xuất, kinh doanh giỏi” đã tạo động lực quan trọng để cán bộ hội viên Cựu chiến binh tiếp tục nỗ lực phát triển kinh tế làm giàu chính đáng, đóng góp tích cực vào sự nghiệp phát triển kinh tế xã hội địa phương.