Đầu tư điện gió ở Bạc Liêu. Ảnh: HĐ. |
Đây là động lực mới hấp dẫn các nhà đầu tư tạo nguồn điện sạch phục vụ phát triển kinh tế-xã hội cho cả vùng.
Hàng chục trụ turbine gió cao sừng sững in trên nền trời xanh và những cánh quạt khổng lồ quay vòng liên tục phát điện hòa vào điện lưới quốc gia.
Dự án nhà máy điện gió Bạc Liêu có tổng mức đầu tư hơn 5.200 tỷ đồng, xây dựng mới toàn bộ, có quy mô công suất là 99,2 MW, bao gồm 62 trụ turbine gió, công suất mỗi turbine gió là 1,6MW, điện năng sản xuất toàn dự án đưa lên lưới quốc gia khoảng 320 triệu KWh/năm. Một dự án được xem là bước đầu thực nghiệm thành công từ nguồn năng lượng tái tạo sạch không ảnh hưởng tới môi trường thiên nhiên.
Trên vùng đất bãi bồi ven biển Đông, địa phận thuộc tỉnh Bạc Liêu tiếp giáp biển dài 56 km là lợi thế lớn đang được khai thác. Quá trình khảo sát trước đó, nguồn năng lượng gió dồi dào, vô tận. Từ tháng 9 đến tháng 12 cao điểm lượng gió mạnh nhất trung bình trong năm.
Bạc Liêu là một trong những tỉnh sớm nhất đầu tư tiên phong phát triển năng lượng tái tạo – chuyển phong năng thành điện năng ở ĐBSCL. Được biết cùng với dự án nhà máy điện gió Bạc Liêu giai đoạn III, dự kiến sắp tới triển khai thêm các dự án đầu tư nhà máy điện gió: Hòa Bình 1, Đông Hải 1, Đông Hải 2.
Năng lượng gió ven biển ĐBSCL ở độ cao 80 m mạnh khoảng 5,5 - 6 m/s. Tiềm năng khai thác năng lượng gió ven bờ biển có thể đạt từ 1.200 - 1.500 MW. Đó là chưa kể năng lượng sóng biển, năng lượng thủy triều, năng lượng sinh khối dồi dào từ nguồn phụ phẩm nông nghiệp khoảng trên 23 triệu tấn/năm, trong đó khoảng trên 3,8 triệu tấn trấu, gần 17 triệu tấn rơm rạ, hơn 372.000 tấn bắp và gần 1,4 triệu tấn bã mía. |
Trong khi đó nhà máy mía đường Phụng Hiệp (Hậu Giang) đã sản xuất điện sinh khối từ bã mía. Các tỉnh Sóc Trăng, Trà Vinh… bắt đầu thực hiện các dự án mới đầu tư điện gió, tận dụng lợi thế nguồn gió bên bờ biển Đông, đồng thời song hành phát triển điện mặt trời. Tiềm năng mở rộng phát triển năng lượng tái tạo ven biển Đông và biển Tây thuộc bán đảo Cà Mau triển vọng rất lớn.
Ở nước ta tổng năng lượng bức xạ mặt trời (BXMT) trung bình từ 1.700-2.500 giờ nắng/năm, cường độ BXMT 4,6 kWh/m2/ngày được xem đạt ứng dụng tốt.
Riêng các vùng Tây Nguyên, Nam Trung bộ và Nam bộ có số giờ nắng trong năm cao nhất. Hằng năm ĐBSCL đón nhận trung bình 2.200 - 2.500 giờ nắng, năng lượng BXMT trung bình 4,3 - 4,9 kWh/m2/ngày.
Các kết quả khảo sát cho thấy với hơn 90% số ngày trong năm nhận được từ ánh sáng mặt trời đủ mạnh, đáp ứng vận hành các tấm thu năng lượng mặt trời. Theo ước tính, lắp đặt một tấm pin mặt trời 1m2 ở vùng này có thể thu 5 kWh điện/ngày.
Năng lượng tái tạo (năng lượng tái sinh) được sản xuất từ những nguồn liên tục gần như vô hạn như năng lượng mặt trời, gió, mưa, thủy triều, sóng và địa nhiệt. Chọn lựa sử dụng nguồn năng lượng tái tạo là một xu hướng mới, thông minh và thực tế chứng minh lợi ích đem lại nhiều ưu điểm thân thiện với môi trường. Nhất là trong bối cảnh ứng phó trước BĐKH, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế xã hội, ít làm tổn hại đến tài nguyên và hệ sinh thái, có giá trị giáo dục cao.
Một hộ dân cư ở TP Cần Thơ lắp pin năng lượng mặt trời. Ảnh: LAT. |
Hiện nay ở Nam bộ nhu cầu tiêu thụ điện chiếm 50% nhu cầu toàn quốc. trong khi công suất các nhà máy điện từ các tỉnh phía Nam chỉ chiếm 30% tổng công suất điện cả nước. Việc điều tiết điện qua đường truyền tải Bắc-Nam phải chịu nhiều tổn thất điện năng.
Vì vậy muốn đáp ứng nhu cầu điện năng phát triển kinh tế - xã hội cho cả vùng, việc chọn lựa tiếp cận các công nghệ tiên tiến trên thế giới để thực hiện lộ trình sử dụng năng lượng tái tạo là một trong những giải pháp khoa học tiến bộ, khả thi. Đặc biệt điều kiện chuyển giao công nghệ giữa các nước và công nghệ năng lượng tái tạo tại nước ta đang đạt nhiều bước tiến mới về mặt kỹ thuật và chi phí đầu tư đang giảm dần.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn