Phát triển manh mún
Sáng 15.12, tại hội thảo “Thu hút đầu tư vào lĩnh NNCNC thành phố Đà Nẵng”, các chuyên gia nhận định, trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt và đất nông nghiệp không còn nhiều, việc áp dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp ở Đà Nẵng được cho là hướng đi phù hợp, mang lại năng suất và hiệu quả kinh tế cao.
Tuy nhiên, Đà Nẵng đang vấp phải những khó khăn khi phần lớn ruộng đất sử dụng sản xuất nông nghiệp trên địa bản đang ở trong tình trạng manh mún, sản xuất nhỏ lẻ vẫn là phố biển.
Bên cạnh đó, việc ứng dụng các CNTT, tự động hóa sản xuất, công nghệ sinh học, các quy trình canh tác tiên tiến trong sản xuất nông nghiệp còn ít. Đầu tư nghiên cứu ứng dụng công nghệ cao chưa nhiều, các mô hình ứng dụng thiểu bền vững, chưa đảm bảo tính khoa học dẫn đến sản phẩm sản xuất ra không ổn định, chưa đáp ứng yêu cầu thị trường đô thị.
Vấn đề về liên kết giữa nhà khoa học, nhà nước, nhà doanh nghiệp và nhà nông dẫn chưa có dẫn đến lúng túng trong quá trình tổ chức sản xuất. Sản xuất sản phẩm chưa gắn với thị trường tiêu thụ, nhu cầu của thị trường dẫn đến tình trạng mất cân bằng cung cầu, “được mùa thì mất giá”. Việc xây dựng thương hiệu, quảng bá sản phẩm chưa được quan tâm.
Kêu gọi doanh nghiệp
Thực tế của Đà Nẵng cho thấy, nhu cầu về chất lượng và sự an toàn của các sản phẩm nông nghiệp của người dân thành phố ngày càng gia tăng. Vậy nên, dư địa để phát triển NNCNC trên địa bản thành phố vẫn còn khá lớn. Trong đó, việc kêu gọi doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này được xem là giải pháp tối ưu.
Tại Hội thảo, UBND TP Đà Nẵng đã kêu gọi đầu tư vào 5 dự án NNCNC với tổng vốn đầu tư dự kiến 1.500 tỉ đồng với nhiều chính sách ưu đãi lớn như hỗ trợ 50% chi phí giải phóng mặt bằng (nhưng không quá 3 tỉ đồng/dự án); hỗ trợ 50% chi phí đầu tư hạ tầng cơ sở sản xuất (nhưng không quá 2 tỉ đồng/dự án); hỗ trợ 100% lãi suất vay đầu tư trong 3 năm với mức vay tối đa 10 tỉ đồng/dự án; hỗ trợ đầu tư hạ tầng vùng sản xuất...
TS Vũ Thị Bích Hậu, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Đà Nẵng có ý kiến, để doanh nghiệp có điều kiện đầu tư, thành phố cần rà soát để bàn giao đất sạch cho nhà đầu tư. Đồng thời, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cần có chính sách tháo gỡ khó khăn khi chuyển đổi diện tích đất rừng có độ dốc thấp sang đất sản xuất nông nghiệp ở huyện Hòa Vang để mở rộng diện tích đất phục vụ sản xuất.