Để Chương trình XDNTM phát huy hiệu quả bền vững, xã đã nỗ lực duy trì, nâng cao các tiêu chí, nhất là, đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội nhằm nâng cao thu nhập, chất lượng cuộc sống cho người dân.
Tiếp giáp với thị trấn Hoàn Lão, Đại Trạch là địa phương đủ cả biển xanh cát trắng, cồn cát rộng gần 1km, lại thêm con sông Dinh hiền hòa, hồ nước Bàu Bía tươi mát và đường sắt Bắc - Nam, Quốc lộ 1A chạy qua. Đây là cơ sở để thương mại - dịch vụ phát triển và tạo tiền đề cho XDNTM.
Chú trọng tiêu chí “xương sống”
Ông Phan Văn Ngọ, Chủ tịch UBND xã Đại Trạch, cho biết: Sau khi hoàn thành XDNTM năm 2015, xã tiếp tục nâng cao chất lượng các tiêu chí, hướng tới XDNTM nâng cao, chú trọng tiêu chí “xương sống” - giao thông để phát triển kinh tế - xã hội, phục vụ cho tái cơ cấu kinh tế.
Sau sự tàn phá của cơn bão số 10 (năm 2017), năm 2017 - 2018, xã huy động toàn bộ sức người, sức của khắc phục hậu quả bằng việc nạo vét, sửa chữa hệ thống kênh mương, giao thông nội đồng, giúp bà con ổn định sản xuất.
Năm 2019 này, với tổng kinh phí 19,668 tỷ đồng, Đại Trạch đầu tư thêm 6,2km giao thông nông thôn và giao thông nội đồng phục vụ sản xuất và dân sinh…
Chuyển dịch cơ cấu kinh tế
Xác định tiêu chí thu nhập là mục tiêu quan trọng trong XDNTM, Đại Trạch đã tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng - vật nuôi, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi; khuyến khích các cá nhân, tổ chức thực hiện dồn thửa, thuê đất để đầu tư phát triển vùng sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn; chuyển đổi diện tích đất trũng, khó canh tác sang nuôi thủy sản; diện tích đất gò đồi thấp sang trồng cây thương phẩm có giá trị kinh tế cao; phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa theo chuỗi, chất lượng, giá trị và thân thiện với môi trường, đồng thời áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất.
Một góc xã Đại Trạch.
Đến nay, 7,8ha đất lúa kém hiệu quả được chuyển sang trồng rau màu như: Dưa hấu, dưa leo, mướp, các loại rau đậu.
Bên cạnh đó, xã còn chỉ đạo thực hiện trồng 10ha ngô sinh khối, nhân rộng các mô hình như: trồng cây dược liệu, trồng lúa thương phẩm, nấm sò, nấm rơm, chăn nuôi gia trại, trang trại… Đồng thời, phát triển 76ha nuôi cá nước ngọt và tôm thẻ chân trắng trên cát; thành lập 01 tổ hợp tác sản xuất giống keo với 25 thành viên…
Ngoài ra, Đại Trạch còn đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu lao động bằng việc phát triển du lịch, thương mại dịch vụ gắn với giải quyết việc làm; liên kết, giới thiệu việc làm cho người lao động đi làm việc tại các công ty trong và ngoài nước, đặc biệt là xuất khẩu lao động (thời điểm này xã có trên 1.000 người lao động đang làm việc tại nước ngoài)…
Nhờ đó, tỷ trọng nông nghiệp ở xã chỉ còn chiếm 25%; công nghiệp - TTCN, thương mại, dịch vụ chiếm 75% trong cơ cấu kinh tế của xã. Thu nhập đầu người thời điểm hiện tại đạt 43 triệu đồng/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 1,74%.
“Trong năm 2019 này, Đại Trạch phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống dưới 1,7%; nâng thu nhập bình quân đầu người lên 47 triệu đồng”, ông Ngọ cho biết thêm.