Ứng dụng công nghệ cao đòi hỏi chi phí đầu tư công nghệ ban đầu cao nên không phải người dân nào cũng dám làm. Đó là chưa kể đến khi sản xuất ra sản phẩm mà giá trị mang lại không cao như mong đợi, sẽ dẫn đến thất thoát lớn cho người đầu tư. Tuy nhiên, để thành công, cần có sự dấn thân và hi sinh cũng như đầu tư đúng, phù hợp với điều kiện và định hướng được thị trường. Nói đến đây thì không thể không nói đến ông Trần Văn Thám ở thôn 8, xã Quảng Khê, huyện Đăk Glong, một người nông dân mạnh dạn, luôn tìm tòi cái mới và ứng dụng vào thực tế sản xuất của gia đình mình. Đặc biệt, ông là người tiên phong trong ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp, đưa các giống cây trồng mới có năng suất và chất lượng cao, phát triển bền vững trên cơ sở canh tác theo hướng hữu cơ, an toàn.
Qua trò chuyện, chúng tôi được biết ông là một người dân gốc Lâm Đồng qua đây sinh sống và lập nghiệp nhưng không chọn cây cà phê hay hồ tiêu để làm cây trồng chủ lực của gia đình mà ông lựa chọn cây mới với những kỹ thuật mới để làm cây chủ lực phát triển kinh tế gia đình. Theo ông Thám khí hậu nơi đây cũng chẳng khác gì so với khí hậu Đà Lạt nên có những cây là đặc sản của Đà Lạt thì cũng sẽ phù hợp nơi đây. Chính vì điều đó, ông đã trồng thử nghiệm và thành công mô hình trồng dâu tây 03 năm nay với phương pháp trồng trong nhà mang và ngoài đồng ruộng. Ngoài dâu tây, hiện nay gia đình ông tiếp tục đưa giống dưa pepino, một giống dưa hấu Nam Mỹ về trồng thử bước đầu thành công và đánh giá hiệu quả để tiếp tục mở rộng diện tích.
Theo ông Thám cây dâu tây là một trong những cây trồng có khả năng thích ứng cao với điều kiện nơi đây và đem lại giá trị kinh tế cao. Dâu giống được ông Thám đặt mua tại cơ sở nuôi cấy mô có uy tính và đảm bảo chất lượng ở Đà Lạt đem về trồng vào đầu tháng 7 năm 2015. Thông qua quá trình thực tế và học hỏi từ sách báo cũng như các nhà vườn tại Đà Lạt gia đình ông đã đúc kết được nhiều kinh nghiệm khi phát triển nơi vùng đất mới này. Giờ đây vườn dâu tây của ông không kém gì dâu tây Đà Lạt.
Ông cho biết: “Giống dâu tôi trồng là giống Mỹ đá, thích hợp với việc trồng ngoài trời cũng như trong nhà màng. Quả dâu đỏ tươi, ăn giòn và ngọt thanh”. Trên diện tích hơn 0,1ha đất đỏ pha sét ông sử dụng để trồng dâu được lắp đặt hệ thống tưới béc hoàn chỉnh. Ngoài ra ông còn dùng hệ thống màng phủ nilon để hạn chế cỏ cũng như sâu bệnh hại. Dâu trồng sau 3 tháng đã cho thu hoạch, cách 2 ngày thu một lần được 6 -9 kg/lần dâu loại 1 với giá bán 100.000 đồng/kg được mọi người dân trong và ngoài vùng ưa chuộng. Đặc biệt, gia đình ông còn có loại dâu xô được các quán nước đặt mua nhiều với giá bán 40.000 đồng/kg. Tính về hiệu quả kinh tế thì sau mỗi vụ thu hoạch trừ hết chi phí, gia đình ông lãi ròng hơn 40 triệu đồng. Hiện nay, gia đình ông đang tiếp tục mở rộng diện tích để có dâu cung cấp nhu cầu của người tiêu dùng quanh năm và liên tục.
Không dừng lại ở đó, với diện tích 100 m2 nhà màng ông trồng hơn 300 gốc dưa hấu pepino, sau 3 tháng hiện nay đã cho trái và bắt đầu cho thu hoạch với giá bán tại vườn là 50.000 đồng/kg. Chị Nguyễn Thị Hà, Khuyến nông viên xã Quảng Khê cho biết, dưa pepino có mùi thơm dịu, cắn miếng dưa vào miệng là cảm nhận ngay được vị mát, thanh ngọt, có thể chế biến làm nhiều món khác nhau và tốt cho người bị tiểu đường khác hẳn với những loại dưa khác mà chị từng thưởng thức.
Ông Thám chia sẻ thêm: “Dưa pepino là giống cây rất dễ trồng và không kén đất, chỉ cần đảm bảo đủ nước nhưng không ngập úng là cây sinh trưởng và phát triển tốt. Tuy nhiên, khi trồng ngoài đồng ruộng nếu không bọc trái kịp hoặc bọc muộn thì trái sẽ bị thối do bị ruồi đục vì vậy gia đình tôi chọn trồng trong nhà màng để hạn chế tối đa nhất việc bị sâu hại và nấm bệnh gây hại ảnh hưởng tới năng suất cũng như chất lượng. Chính trồng như vậy gia đình tôi đến thời điểm nay chưa sử dụng bất kỳ một loại thuốc hóa học nào nên chất lượng dưa đảm bảo với tiêu chí ngon, sạch, an toàn cho người sử dụng”. Hiện nay, gia đình ông đang bước vào thu hoạch nên chưa có số liệu cụ thể nhưng trung bình mỗi ngày gia đình ông thu được 15 kg, trừ mọi chi phí gia đình ông thu về hơn 500.000 đồng.
So với việc trồng cà phê hay hồ tiêu, chi phí đầu tư ban đầu lớn và thời gian kiến thiết cơ bản kéo dài 3 – 4 năm thì với việc ứng dụng công nghệ cao, đưa những giống mới có khả năng thích ứng với điều kiện của vùng vào trồng đã đem lại thu nhập cao cho người sản xuất. Ông Thám là tấm gương cho những người nông dân khác học hỏi và dám nghĩ, dám làm, dám chấp nhận thất bại để có thành công mở ra một nền nông nghiệp phát triển theo hướng ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất cho nông dân trong vùng cũng như ngoài vùng.
Nguyễn Thị Thắm - Trung tâm Khuyến nông Đăk Nông
Nguồn tin: http://www.khuyennongvn.gov.vn/
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn