Tới đây, du khách không chỉ hút hồn bởi vẻ đẹp và sự hùng vĩ của thác Bản Giốc mà còn mãn nhãn với vẻ đẹp có một không hai của động Ngườm Ngao.
Du lịch, ngành kinh tế mũi nhọn
Đàm Thủy là xã biên giới nằm cách trung tâm huyện Trùng Khánh khoảng 25km, có 4 dân tộc chính gồm: Tày, Nùng, Kinh, Dao, với 1.266 hộ dân. Đàm Thủy được thiên nhiên ban tặng nhiều thắng cảnh đẹp như thác Bản Giốc, động Ngườm Ngao..., những điểm đến ưa thích của du khách.
Thác Bản Giốc nằm trên biên giới Việt Nam - Trung Quốc là thác nước lớn thứ 4 thế giới trong các thác nước nằm trên một đường biên giới giữa các quốc gia và là thác nước tự nhiên lớn nhất khu vực Đông Nam Á; thác có 3 tầng, gồm nhiều ngọn thác lớn nhỏ khác nhau.
Động Ngườm Ngao có chiều dài 2.144m, cách thác Bản Giốc 3km, thuộc xóm Bản Gun - Khuổi Ky, là động lớn được hình thành từ sự phong hoá lâu đời của đá vôi. Ngườm Ngao (tiếng dân tộc Tày có nghĩa là Hang Cọp hay còn gọi “hang giữa thung lũng đá”) do người dân địa phương phát hiện năm 1921. Động gồm 3 cửa chính: cửa Ngườm Lồm quanh năm mát lạnh dưới chân núi (ở lưng chừng núi); cửa Ngườm Ngao cách chân núi vài trăm bậc thang; cửa Bản Thuôn phía sau núi, kề cận bản Thuôn của người Tày.
Vòm động khép lại rồi lại mở ra, tạo cho người xem một sự thích thú bất ngờ. Nhũ đá mọc từ dưới lên, thả từ trên xuống, nhũ thẳng đứng, nhũ to, nhũ nhỏ…, tất cả đan xen tạo thành một mê cung kỳ diệu.
Cùng với thác Bản Giốc, động Ngườm Ngao, Chùa Phật Tích Trúc Lâm Bản Giốc là điểm du lịch hấp dẫn của khách du lịch trong và ngoài nước. Ngoài ra, trên dòng sông Quay Sơn với nhiều thác ghềnh, là điểm du lịch lý tưởng cho các tour du lịch chèo thuyền đang được Công ty Du lịch Cao Bằng khảo sát, sắp tới đưa vào hoạt động.
Với tiềm năng và lợi thế vốn có, Đàm Thủy xác định phát triển du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, là đòn bẩy phát triển kinh tế - xã hội của xã nói riêng cũng như của huyện Trùng Khánh nói chung.
Chú trọng tuyên truyền và dạy nghề
Để thực hiện Chương chương trình phát triển du lịch của Huyện ủy Trùng Khánh, xã Đàm Thủy đã quan tâm chỉ đạo, phối hợp với các cơ quan chức năng, các cơ quan thông tấn, báo chí giới thiệu về tiềm năng du lịch của địa phương.
Cùng với đó, xã quan tâm đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ du lịch cho người dân. Cụ thể, đã có 20 học viên là người dân hai xóm Lũng Niếc, Bản Gun - Khuổi Ky tham gia học lớp bảo tồn văn nghệ và phát huy văn hóa dân tộc do huyện tổ chức; 5 học viên tham gia lớp tập huấn hướng dẫn viên du lịch.
Trong năm 2018, xã phối hợp với Trung tâm Hướng nghiệp dạy nghề huyện mở lớp đào tạo nghiệp vụ du lịch cộng đồng cho 25 học viên là các hộ đang kinh doanh du lịch tham gia.
Đẩy mạnh vận động người dân chấp hành tốt các quy định về phát triển du lịch như: vệ sinh môi trường, công tác quy hoạch dân cư, chấp hành trật tự xây dựng; vận động, giải thích cho những hộ bị thu hồi đất chấp hành nghiêm theo quy định, tránh tình trạng vi phạm phát sinh; tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng làm du lịch cho người dân.
Phối hợp chặt chẽ với các đơn vị kinh doanh du lịch trong việc đảm bảo an ninh trật tự, vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm, văn minh du lịch và các điều kiện phục vụ khách du lịch.
Tháng 9/2016, UBND tỉnh Cao Bằng đã phê duyệt cho huyện Trùng Khánh tiếp nhận dự án “Tăng cường sinh kế cho người dân tộc thiểu số thông qua du lịch cộng đồng” do tổ chức Helvetas Thụy Sỹ tại Việt Nam tài trợ. Dự án được triển khai tại xóm Lũng Niếc, xã Đàm Thuỷ. Theo đó, có 2 hộ được vay tiền dự án sửa nhà cửa, mỗi hộ 80 triệu đồng, đã hoàn thiện đưa vào sử dụng; 5 hộ tự đầu tư xây dựng. Đây là loại hình du lịch thu hút du khách, nhất là khách quốc tế.
Hiện nay, trên địa bàn xã Đàm Thủy có 7 hộ gia đình làm dịch vụ Homestay, đến cuối năm 2018 đã tạo thêm được một điểm du lịch sinh thái tại xóm Bản Dít thu hút nhiều khách du lịch đến tham quan, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân.
Kết quả bước đầu
Nhờ có sự vào cuộc đồng bộ của các cơ quan chức năng mà giờ đây, chương trình phát triển du lịch tại xã Đàm Thủy đã đạt được một số kết quả đáng khích lệ. Hình ảnh du lịch thác Bản Giốc, động Ngườm Ngao không chỉ thu hút khách du lịch mà còn thu hút nhiều doanh nghiệp, nhà đầu tư đến khảo sát, đầu tư các loại hình dịch vụ, sản phẩm du lịch.
Công tác quy hoạch phát triển du lịch luôn được cấp ủy, chính quyền địa phương quan tâm; các điểm du lịch đi vào hoạt động ngày càng có nề nếp, ý thức phục vụ khách du lịch của người dân ngày càng được nâng cao, không xảy ra hiện tượng lôi kéo, tranh giành, chặt chém khách.
Năm 2016, huyện Trùng Khánh đưa Ban quản lý Khu du lịch vào hoạt động, góp phần quản lý tài nguyên du lịch, quản lý các doanh nghiệp khai thác du lịch và mọi hoạt động trong khu du lịch đảm bảo đúng quy định.
Năm 2016, khách du lịch đến với Đàm Thủy chỉ đạt 127.540 lượt người, năm 2017 là 146.125 lượt, đến năm 2018 tăng lên 302.952 lượt người. Trên địa bàn xã có 6 nhà nghỉ, khách sạn với 130 phòng, đáp ứng nhu cầu lưu trú của khách du lịch.
Định hướng phát triển những năm tới, Đàm Thủy xác định, khai thác có hiệu quả tiềm năng danh lam thắng cảnh thác Bản Giốc, động Ngườm Ngao, các giá trị văn hóa trên địa bàn xã; phát triển các sản phẩm du lịch đặc trưng của địa phương, khôi phục các nghề truyền thống, các loại cây đặc sản có giá trị kinh tế cao (hạt dẻ Trùng Khánh), triển khai mô hình du lịch cộng đồng, thu hút đầu tư vào các dịch vụ du lịch, thành lập 1 điểm du lịch sinh thái cộng đồng, hướng tới việc khai thác tiềm năng du lịch một cách bền vững.
Trao đổi với phóng viên, ông Mê Văn Đạt, Bí thư Đảng ủy xã Đàm Thủy, cho biết, theo Quy hoạch chung xây dựng Khu du lịch thác Bản Giốc, khu du lịch này có diện tích 1.000ha. Trong đó, quy hoạch chi tiết Khu trung tâm du lịch thác Bản Giốc có phạm vi 156,7ha. Thông qua Hội nghị Xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch Cao Bằng năm 2018, tỉnh đã trao Chứng nhận đầu tư cho một số doanh nghiệp, hiện các doanh nghiệp đang khảo sát, sau đó sẽ tiến hành đầu tư. Khi đó, chắc chắn du lịch nơi đây sẽ phát triển lên một tầm cao mới.
Theo ông Mê Văn Đạt, Bí thư Đảng ủy xã Đàm Thủy, là xã biên giới nên xây dựng nông thôn mới có đặc thù riêng. Vì vậy, Đảng bộ xã Đàm Thủy xác định rất sớm mục tiêu xây dựng nông thôn mới. Trước mắt, xã sẽ làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nhân dân nâng cao ý thức, trách nhiệm về phong trào xây dựng nông thôn mới. Đồng thời, giúp bà con nhận thức được xây dựng nông thôn mới phải gắn phát triển kinh tế-xã hội với đảm bảo giữ vững chủ quyền quốc gia. Trong phát triển kinh tế, xã hướng người dân phát triển các dịch vụ du lịch xung quanh danh thắng thác Bản Giốc, động Ngườm Ngao. Đàm Thủy phấn đấu đến năm 2020 sẽ về đích nông thôn mới. |