Những ngày cơ cực
Con đường cấp phối dẫn vào vùng chuyên canh thanh long ruột đỏ xã Kiểng Phước, hai bên là những hàng thanh long đều tăm tắp đang thời kỳ ra trái, cho thu hoạch. Nhìn bức tranh tươi đẹp này, không ai có thể tưởng tượng, chỉ cách đây 4 năm, nơi này còn là một “túi” phèn mặn khổng lồ, cây lúa oằn mình chống chịu nhưng cuối cùng cũng tàn lụi và chết dần, để lại nỗi lo lắng trong đôi mắt những người nông dân vốn chỉ biết trông chờ vào cây lúa.
Cây thanh long ruột đỏ mang lại ấm no cho người dân Kiểng Phước. Ảnh: P.V
Thứ trưởng Lê Quốc Doanh cũng đề nghị tỉnh Tiền Giang có biện pháp khuyến khích doanh nghiệp kết nối với hợp tác xã, đặc biệt là khâu tổ chức sản xuất đến tiêu thụ cũng như hỗ trợ nông dân kỹ thuật để nâng cao chất lượng, giảm giá thành để sản xuất mang lại hiệu quả hơn. |
Đó là thời điểm vụ đông xuân năm 2016, khi những tác động của biến đổi khí hậu không còn là cảnh báo đối với vùng ĐBSCL mà đã thành nguy cơ hiện hữu. Cánh đồng lúa của Kiểng Phước bao đời nay chỉ cần ném hạt giống xuống là lúa tốt bời bời chẳng hiểu sao vụ này cứ èo uột rồi tàn lụi. Bằng kinh nghiệm của một nông dân cả đời gắn bó với cây lúa, nông dân Trịnh Văn Phúc - Phó trưởng ấp Xóm Tựu (xã Kiểng Phước) nhận ra nước mặn đã xâm nhập sâu vào đồng ruộng, không còn cách gì cứu vãn. Năm đó, không riêng ở Kiểng Phước, mặn xâm nhập sâu vào đất liền ở nhiều vùng trong khu vực ĐBSLCL hàng chục nghìn ha lúa bị ảnh hưởng.
Thời điểm đó, cây thanh long ruột đỏ vẫn chưa được “sủng ái” ở Kiểng Phước như bây giờ, nó chỉ được trồng trong vườn nhà của một số hộ gia đình với diện tích khiêm tốn 4ha. Tuy nhiên, khi một số hộ mang sản phẩm thanh long ra huyện Chợ Gạo (Tiền Giang) bán thì bất ngờ nhận được phản hồi tích cực từ người tiêu dùng khi vị ngọt của thanh long Kiểng Phước đậm đà hơn tất cả những vùng trồng thanh long khác trong tỉnh. Vậy là, từ vườn nhà, thanh long bắt đầu lan xuống những cánh đồng lúa đang xác xơ vì hạn mặn. Thêm một bất ngờ nữa xảy ra, cây thanh long ruột đỏ thích ứng tốt với điều kiện thổ nhưỡng vùng hạn mặn. “Tưởng khó mà trồng thanh long khỏe re à, trước trồng lúa năm nào tốt năng suất cũng chỉ đạt 4 – 5 tấn/ha, trong khi thanh long rất dễ trồng, nhẹ công chăm sóc, lại chịu được mặn” – ông Phúc cho biết.
Từ năm 2016, phong trào trồng thanh long ruột đỏ bắt đầu phát triển mạnh ở Kiểng Phước, để khuyến khích người dân chuyển đổi sản xuất thích ứng với biến đổi khí hậu, lãnh đạo xã chủ trương hỗ trợ mỗi hecta chuyển đổi 3 triệu đồng. Cộng thêm thị trường tiêu thụ đang rộng mở nên diện tích thanh long ruột đỏ tăng rất nhanh, từ 30ha (năm 2016) lên 97ha hiện nay.
“Thanh long trồng sau 10 tháng là có thể thu hoạch, chi phí đầu tư khoảng 150 triệu đồng/ha, năng suất thanh long ruột đỏ ở Kiểng Phước đạt bình quân 25 – 30 tấn/ha, với giá bán 30.000 – 35.000 đồng/ha như hiện nay thì nông dân có thu nhập 500 triệu đồng/ha, gấp 10 lần trồng lúa” – ông Phúc cho biết thêm.
Để chuyên nghiệp hóa quy trình sản xuất, Hợp tác xã thanh long Kiểng Phước cũng được thành lập, đồng thời hình thành các tổ dịch vụ để chăm sóc thanh long.
Không còn những cánh đồng khô cháy
Hồ hởi khoe với chúng tôi về những gì cây thanh long ruột đỏ mang lại cho đất phèn, ông Đoàn Văn Tiến – Chủ tịch UBND xã Kiểng Phước bảo: “Thanh long đã tạo ra bước ngoặt trong quá trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng của địa phương, hóa giải tốt bài toán canh tác trên vùng đất phèn mặn”.
Hiệu quả kinh tế đã được chứng minh nên không có gì khó hiểu khi chỉ từ 4ha trồng thử nghiệm ban đầu, diện tích thanh long ruột đỏ ở Kiểng Phước tăng rất nhanh. “Diện tích đất lúa nhiễm mặn canh tác không hiệu quả của xã còn tương đối lớn nên chúng tôi có dự định tiếp tục mở rộng diện tích trồng thanh long, đồng thời xây dựng thương hiệu, liên kết với doanh nghiệp để tiêu thụ sản phẩm ổn định” – ông Tiến nói.
Chỉ sau 4 năm, thanh long ruột đỏ đã mang lại cho Kiểng Phước một diện mạo mới, cuộc sống của người dân ngày một ấm no với thu nhập bình quân 54 triệu đồng/người/năm; xã đã đạt 13/19 tiêu chí nông thôn mới.
Đã từng thị sát vùng đất này hơn 3 năm về trước khi hạn mặn đe dọa nhiều vùng sản xuất của ĐBSCL, Thứ trưởng Bộ NNPTNT Lê Quốc Doanh vô cùng ấn tượng với sự đổi thay của Kiểng Phước. “Tôi nhớ năm 2016 cũng mảnh đất này, lúc bấy giờ bà con phải làm những cái đập tạm để trồng lúa, việc canh tác rất khó khăn, bơm từng lít nước, nhiều nơi chúng tôi đến chỉ thấy những cánh đồng lúa khô cháy. Trong bối cảnh biến đổi khí hậu đang diễn biến phức tạp, những mô hình sản xuất như Kiểng Phước cần được nhân rộng bởi nó thể hiện đầy đủ tinh thần thuận thiên” – Thứ trưởng Lê Quốc Doanh nhấn mạnh.
Ông Cao Văn Hóa - Phó Giám đốc Sở NNPTNT Tiền Giang cho biết, mô hình trồng thanh long ruột đỏ ở Gò Công Đông là một trong số rất nhiều mô hình chuyển đổi sản xuất theo hướng thích ứng với biến đổi khí hậu. Theo đó, ở những nơi canh tác lúa kém hiệu quả sẽ chuyển sang trồng cây ăn trái. Hiện toàn tỉnh có khoảng 74.000ha đất trồng cây ăn quả. Trong những năm qua, tỉnh đã tập trung chuyển đổi từ đất kém hiệu quả, bị ảnh hưởng của hạn mặn sang trồng cây ăn quả được 10.000ha, trong đó huyện Gò Công Đông khoảng 3.000ha và sẽ tiếp tục mở rộng trong những năm tiếp theo.
Dù đã đạt được nhiều thành công ban đầu nhưng lãnh đạo xã Kiểng Phước vẫn còn nhiều băn khoăn khi hệ thống hạ tầng ở đây chưa đồng bộ để phục vụ sản xuất. “Chúng tôi rất mong được tỉnh hỗ trợ đầu tư nâng cấp tuyến đường giao thông chính vào vùng chuyên canh để xe lớn có thể vào tận nơi thu mua, hiện nay đường quá bé, khó khăn cho việc vận chuyển; đồng thời nâng cấp hệ thống điện 3 pha phục vụ bà con chong đèn sản xuất thanh long vụ nghịch. Biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp nên hệ thống đê bao phải được làm hoàn thiện hơn” – ông Tiến nói.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn