Từ trái qua: Nhà văn Phạm Ngọc Tiến, nhà văn Nguyễn Quang Thiều, nhà văn Nguyễn Thành Phong. |
Nhà văn, nhà biên kịch Phạm Ngọc Tiến, nguyên là biên tập viên của Hãng phim truyền hình, Đài Truyền hình Việt Nam. Ông là tác giả những kịch bản phim truyền hình nhiều tập về nông thôn như “Chuyện làng Nhô”, “Đất và Người”, “Ma làng”, “Gió làng Kình”… rất được khán giả chú ý kể từ những năm sau Đổi mới đến hiện tại.
Nhà văn Nguyễn Quang Thiều là Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, Phó Tổng Thư ký thứ nhất Hội Nhà văn Á - Phi, Giám đốc kiêm Tổng biên tập Nhà xuất bản Hội nhà văn. Ông là tác giả nhiều tiểu thuyết và thơ, đặc biệt trong đó là những cuốn sách có nguồn cảm xúc từ làng Chùa quê ông.
Nhà văn, nhà báo Nguyễn Thành Phong, đã kinh qua nhiều môi trường sống và công tác, từng tham gia lãnh đạo nhiều cơ quan báo chí, đã xuất bản nhiều tác phẩm văn thơ. Hiện nay ông thường xuyên viết báo về kinh tế, nhưng đề tài nông thôn và nông dân chưa bao giờ thôi là thế mạnh và đam mê của ông.
Nhà văn Nguyễn Thành Phong: Cả ba chúng ta đều xuất thân từ nông dân. Anh Phạm Ngọc Tiến dù sinh ở Bệnh viên Bạch Mai, nhiều đời sống ở Hà Nội nhưng quê nội ở làng Ninh Sở, Thường Tín, quê ngoại anh thì ở Hà Nam. Anh Nguyễn Quang Thiều thì từ làng Chùa, xã Sơn Công, huyện Ứng Hòa, Hà Tây, nay cũng đã thuộc về Hà Nội, làng anh cách trung tâm Hà Nội có mấy chục cây số thôi. Tôi quê ở làng Phú La, xã Đô Lương, Đông Hưng, Thái Bình, thì gọi là có đậm chất nông thôn hơn hai anh một chút. Chúng ta đều đã chứng kiến sự thay đổi của quê hương nông thôn của mình trong rất nhiều năm. Vậy theo các anh, từ góc độ của mình, của quê mình, sự thay đổi ấy là như thế nào?
Nhà văn Phạm Ngọc Tiến: Tôi sinh ở Hà Nội, nhưng tạng tôi vẫn là một anh nông dân. Thời chiến tranh, tôi lại sơ tán về vùng nông thôn Phủ Lý, Hà Nam, quê mẹ tôi và ở đó khá lâu. Đấy là những năm tháng phải sống xa bố mẹ, trong khi bà ngoại thì hiền lành chân chất, là một nông dân cả đời không bước chân ra khỏi lũy tre làng, thế nên tôi gần như được thả lỏng, sống hoang dã, chẳng phải chịu bất cứ sự kiềm tỏa hay giáo dục nào, ngoại trừ các thầy cô ở trường. Thật may, quãng năm tháng đó, với những bài học lớn về nông thôn đã ngấm vào tâm trí là hành trang cho tôi suốt chặng đường đời về sau. Vốn liếng về nông thôn ấy đã giúp tôi có được những sáng tác về đề tài này trong cả văn học lẫn điện ảnh, truyền hình.
Nông thôn đã thay đổi lớn lao, nhìn từ nơi quê mẹ mà tôi đi sơ tán, hay chính nơi tôi sinh ra ở Thanh Trì. Sự thay đổi ấy bắt nguồn từ rất nhiều công sức của bao nhiêu lớp người, dưới sự tác động của rất nhiều chính sách.
Nông thôn đã vươn dậy theo cái hướng đô thị hóa rất nhanh chóng. Ngay chỗ nhà tôi ở là khu vực Tam Trinh thuộc làng Hoàng Mai cũ, cách đây hai chục năm như một nơi hoang hóa, chỉ thấy trắng rợp những nước là nước bởi đầm ao nối nhau mênh mông bể sở. Nhưng bây giờ thì cũng ngõ chen ngõ rồi. Người đổ về, ao đầm lấp đi, làng xóm thành phường, thành phố, như thể nơi đây đô thị có từ ngày xửa ngày xưa. Đi thêm cây số về phía đê sông Hồng, làng cá Yên Sở giờ cũng lấp hết ao, đất ruộng thành dự án xây công viên, xây chung cư, xây biệt thự. Công cuộc đô thị hóa này mang đến cho nông thôn những niềm vui lớn, nhưng cũng đã le lói những bi kịch.
Nhà văn Nguyễn Quang Thiều: Làng Chùa của tôi đã có lịch sử tạo dựng gần 700 năm nay. Nó cũng đã thay đổi rất lớn trong mấy chục năm gần đây. Anh Phong đã từng về làng Chùa dự đám cưới của tôi giữa những năm 80 thế kỷ trước. Bây giờ anh trở lại, tôi tin là anh sẽ vẫn nhận ra, dù khó khăn hơn những nơi như anh Tiến vừa nói đến. Làng tôi đã rõ nét hiện đại, từ nhà cửa, đường đi lối lại, nếp sống sinh hoạt, văn hóa… Ơn giời, là làng Chùa vẫn giữ được nhiều nét đáng quý truyền thống trong văn hóa của làng mình. Tuy vậy, tôi cũng thấy nhiều lo lắng trước tác động ngược của đô thị hóa hiện nay.
Nhà văn Nguyễn Thành Phong: Giao thông hiện nay đã khá thuận lợi. Trước, tôi đi từ Hà Nội về làng Phú La của tôi, phải mất mấy đận xe tàu, có khi từ sáng sớm đến tối mịt, hoặc phải ngủ lại thị xã Thái Bình, hôm sau mới đạp xe về làng được. Nhưng giờ đã khác, có đến mấy đường để đi về làng, chỉ non hai tiếng là tới nhà. Có khi cuối chiều làm việc xong, chạy về làng ăn cơm, trò chuyện chán rồi lại lên ngay, sáng mai đi làm bình thường. Làng tôi cũng đô thị hóa mạnh mẽ lắm. Con đường qua làng giờ như đường tỉnh, rầm rập xe chạy cả trong đêm, đèn đường sáng trưng. Nhà thì toàn xây hiện đại, dịch vụ phục vụ ngay đầu ngõ. Tôi chưa thấy lo lắm những nỗi lo như các anh, nhưng cũng có nỗi buồn khác.
Vậy bây giờ ta nói về những nỗi buồn lo hay bi kịch ấy đi...
Đất đai nhường cho phát triển đô thị. Ảnh mang tính chất minh họa. Ảnh: Internet |
Nhà văn Phạm Ngọc Tiến: Diều đầu tiên tôi muốn nói dến là "xâm thực phố". Đô thị hóa là tất yếu, là quy luật, là tiến bộ. Nhưng ở chiều ngược lại, thì sự mở rộng đô thị khiến những ngôi làng cổ có từ ngàn đời bỗng trở thành phố, thành phường. Không chỉ làng tôi đâu. Các anh quan sát những Ngọc Hà, Hữu Tiệp, Hoàng Mai, Yên Sở, Mơ, Táo... đi mà xem.
Bi kịch lớn là phố phường xâm thực nông thôn. Nếp sống phố tràn về cả vùng nông thôn hẻo lánh. Sự hiện đại đã giết chết những làng quê cổ tích. Hãy nhìn sự bê tông hóa. Còn tìm đâu được một đường làng lát gạch bổ cau. Và những tệ nạn phố cũng bắt đầu tràn về nông thôn.
Người dân thành công dân phố, nếp nghĩ vẫn làng quê nhưng lối sống lại phải theo phố. Cỗ bàn trong ma chay, hiếu hỉ chẳng hạn. Nếp quê thì những cỗ ấy đơn giản. Bây giờ lên phố, thì phải cỗ phố, tạo nên gánh nặng về kinh tế trong khi khả năng người dân chưa thể thích ứng. Lệ làng thì vẫn còn nguyên. Đầu năm hội đền kéo dài tuần lễ, đình chùa vọng sóc, nhang khói đủ các cữ. Giỗ chạp cưới xin theo mốt phố nhưng nếp quê còn giữ nên tốn kém gấp đôi.
Do hình thành, phát triển đô thị, các dự án mở rộng thì tất nhiên là tiến vào đất của dân và người dân chỉ nhìn thấy cái lợi trước mắt của sự đền bù. Tiền đền bù khiến đa số người dân thay đổi tức thì cuộc sống. Sự thay đổi với số tiền đền bù không dài. Tiền dồn vào nhà cửa, xe cộ, nhanh chóng bay hơi, người dân mất ruộng, văn hóa thấp, không nghề nghiệp, bắt buộc phải bỏ làng đi làm thuê. Đấy là chưa kể, có tiền gia đình chia chác, mất tình, mất nghĩa. Rồi cờ bạc hút xách, trai làng xưa nói gì thì nói vẫn thuần vẫn thuận, ai ở làng đều chăm chỉ đồng áng. Kẻ đi xa cũng nhu mì giữ nếp. Ruộng bán có tiền rồi thành người phố, du nhập về cái hay có, cái dở cũng nhiều. Dân nhà nông, mấy người học hành cao chẳng nói, còn tinh người dở học, dở làm, giờ không còn ruộng, sểnh nhà ra thất nghiệp, hệ lụy đã thấy nhãn tiền. Dân mất đất dần sẽ mất luôn gốc gác!
Hà Nội từ nhiều năm nay liên tục được mở rộng. Từ dạo sáp nhập Hà Tây vào Hà Nội thì nội đô càng rộng thêm. Riêng thành phố Hà Đông, thủ phủ của Hà Tây, đã quá lớn. Nối thêm mấy khu đô thị mới kéo tít mù tắp ra ngoại ô. Có thể nói, Hà Nội giờ đi từ đầu này sang đầu kia thành phố là cả một câu chuyện dài, xe cộ cũng đủ bét xác. Và khi hết đất cấy cầy thì vẫn làng xóm ấy, chỉ gông thêm mấy cái biển tên đường, tên phố, tên ngõ, ủy ban xã gắn biển ủy ban phường, thế là thành phố cái roẹt. Từ làng lên cấp phố thì đám thanh niên choai choai khoái tỷ. Đi học đi làm đỡ bị đám gái phố xách mé dân quê. Không chỉ mất đất, người dân mất luôn cuộc sống quê. Bi kịch xảy ra nhiều ở chỗ này...
Nhà văn Nguyễn Quang Thiều: Các làng quê hiện nay đang không cưỡng nổi sự ám ảnh ma quỷ của bê tông hoá. Không ít gia đình ở thôn quê đã phá ngôi nhà cổ vô giá của mình để xây một khối bê tông nặng nề và phi thẩm mỹ.
Những nhà quản lý và những nhà nghiên cứu văn hoá làng truyền thống đã và đang nói đến nguy cơ văn hoá làng bị cơn thác loạn của đô thị hoá tàn phá. Nỗi lo mà tôi muốn nói đến chính là nguy cơ bị mất bản sắc văn hóa của nông thôn hiện nay.
Những lúc về quê, tôi thường lần mò buổi trưa đi dọc các ngõ để chụp ảnh những dấu vết kiến trúc của làng xưa còn lại. Có lúc tôi ngẩn ngơ trước một cái cổng ngõ đã bị xây bịt kín của một ngôi nhà. Gia chủ thích có một cái cổng xi măng quét sơn xanh đỏ cùng với hai cánh cửa sắt như những gia đình ở thành phố. Nhưng những gì còn lại của cái cổng ngõ cũ đó dù đã bị thời gian phủ lên vẫn lộng lẫy và kỳ ảo. Và tôi cảm nhận được hơi thở của ngàn năm rạo rực và ấm nóng tràn về qua những cổng ngõ đã bị bịt kín đó. Nhiều buổi trưa, tôi ngồi một mình trên bờ chiếc giếng bán nguyệt trước cửa đình hoặc ngồi trên hiên đình. Một cảm giác vừa tôn nghiêm, vừa gần gũi, vừa cổ xưa tràn ngập tâm hồn. Cái kỳ lạ của đình làng là làm cho con người khi bước vào đó vừa được trùm phủ lên tâm hồn bởi sự tôn nghiêm, linh thiêng lại vừa được sống trong một không khí ấm áp, gần gũi và giản dị như ở trong chính ngôi nhà của mình.
Nửa năm trước, chiếc cổng ngõ vào nhà ông bà ngoại tôi cũng bị các anh tôi phá đi để xây một cái cổng mới có cửa sắt. Khi nhìn chiếc cổng đó, tôi như kẻ bị cướp đi mất một nửa ký ức. Tôi không có quyền trách móc các anh tôi. Nhưng tôi thấy lòng hoang mang và ngập tràn một nỗi buồn. Chiếc cổng xưa với một dòng chữ nho luôn làm tôi xúc động khi bước qua. Sau cái cổng ngõ đã sứt mẻ, có cả một cây si mọc trên mái, là một thế giới tinh thần của tôi. Cái cổng đó để tôi có thể đi từ hiện tại về quá khứ gặp lại những người thân yêu đã khuất, giờ như bị lấp, bị bịt đi mất một nửa...
Và tôi nghĩ đến một ngày nào đó, người ta sẽ phá tiếp những thứ khác, như chùa và đình làng chẳng hạn. Trước kia, chúng ta phá chùa bởi sự ấu trĩ về văn hoá và nhiều mặt khác. Bây giờ có phá đình thì lại bởi một lý do khác: lý do đô thị hoá. Lúc phá xong ấy thì văn hoá làng sẽ giống như một cái cây bị chặt rễ cái. Cái cây sẽ héo dần và chết...
Còn bù nhìn bỏ lại trên ruộng hoang ở Phù Ninh, Phú Thọ. Ảnh: Dương Đình Tường |
Nhà văn Nguyễn Thành Phong: Những bi kịch và nỗi lo như hai anh đề cập, tôi nghĩ rồi cũng sẽ tới làng tôi, nếu không có những cách nào đó ngăn lại kịp thời. Và tôi xin nói về nỗi buồn của tôi. Làng tôi vẫn rất nghèo các anh ạ. Nhà xây nhiều nhưng là từ tiền ở đâu mang về, đường đi lối lại trong làng rất đẹp là một phần từ ngân sách nhà nước, còn lại thì xã hội hóa, do chủ yếu là các doanh nhân từ làng ra đi, làm ăn thành đạt gửi về đóng góp. Ở làng cũng có những nhà khá giả, là do làm thương mại, dịch vụ. Còn làm nông thực sự thì chẳng thể giàu được. Cấy lúa là không ăn thua. Trồng các thứ cây khác rất ít đầu ra. Chăn nuôi thì phập phù. Có cái trại lợn được đầu tư kha khá thì bung biêng sau mấy trận dịch bệnh...
Làng tôi ngày thường cũng vắng vẻ lắm. Thanh niên đi làm xa hết cả, đến khắp các nơi trong cả nước. Ở lại một số thì chỉ là giáo viên, cán bộ xã, một số thì xin được vào mấy xưởng may xuất khẩu. Làm nông nghiệp từ đất rõ ràng là không tương lai, trai gái không ly hương là không tương lai...
Nhà văn Nguyễn Quang Thiều: Đây chính là câu chuyện trong loạt bài “Hai sắc thái của ruộng hoang” mà NNVN vừa nêu lên đấy. Trước đây, cuộc cách mạng ruộng đất của chúng ta với mục tiêu “người cày có ruộng”. Sau đó, có ruộng rồi thì tìm cách tìm tòi, phá rào, thay đổi cung cách quản lý, để phát huy giá trị của ruộng đất, làm ra lương thực, đủ nuôi sống con người. Con người ngày xưa phải đổ mồ hôi, sôi giọt máu trên mảnh đất của mình mới có được cuộc sống. Bây giờ, tình hình đã khác đi, cách mạng công nghiệp đã làm thay đổi nhiều thứ, trong đó có việc tạo ra thu nhập nhanh hơn, nhiều hơn làm ruộng, làm nông nghiệp, mà cũng có khi ở ngay gần làng, chẳng phải ly hương. Chuyện nông dân mất đất là một chuyện. Chuyện nông dân bỏ ruộng hoang là một chuyện, khác lắm rồi…
Nhà văn Phạm Ngọc Tiến: Hãy thử phân tích về hai vấn đề này. Chuyện nông dân mất đất cho dự án hay bị mất do cách này cách khác ở những nơi gần đô thị hoặc có thể trở thành đô thị, là chắc chắn đất ấy có giá trị khi dùng cho mục đích khác hơn là làm nông nghiệp. Chuyện này báo chí và dư luận đã bàn nhiều, cũng đã đủ các khía cạnh.
Còn chuyện nông dân chủ động “mất đất,” chủ động “bỏ đất”, bỏ toàn phần hay bỏ một phần, bỏ một mùa vụ canh tác, thì cần nhìn nhận thấu đáo hơn. Tôi thấy loạt bài của NNVN đã nêu khá rõ nguyên nhân. Trong đó có nguyên nhân chính là vì lợi nhuận do sản xuất không mang lại lợi ích, không hiệu quả. Chi phí sản xuất cao nhưng giá bán thóc gạo, nông sản rất thấp, dẫn đến tình trạng trên. Lao động trên đất nông nghiệp không có giá trị cao, trong khi cũng lao động ấy, đi làm việc khác, có khi ngay trong làng xóm của mình, thì thu nhập cao hơn. Có một số lượng hộ dân duy trì cố gắng canh tác chủ yếu là để tự túc thóc gạo. Còn nếu tự túc được thóc gạo theo cách khác là người ta cho thuê, không cho thuê được thì bỏ luôn, chẳng thể níu kéo lại được. Và theo thống kê thì tổng diện tích ruộng bỏ hoang này là rất lớn và càng ngày càng tăng lên.
Nhà văn Nguyễn Quang Thiều: Trước thực trạng này, có lẽ chúng ta cần nghĩ đến một cuộc cách mạng ruộng đất mới phù hợp với sự phát triển của thời đại công nghiệp, thời 4.0 chẳng hạn?
Trên cánh đồng hiện nay toàn người già. Ảnh: Dương Đình Tường |
Nhà văn Nguyễn Thành Phong: Tôi rất tán đồng với ý kiến của anh Thiều. Theo thời cuộc, đất không còn giá trị như khởi thủy trước đây nữa, thì phải tìm cách tìm ra giá trị mới cho đất và quy hoạch nó lại. Tôi nhớ, đã có thời người ta nói rất có vẻ mơ mộng rằng: Để trồng lúa đủ gạo cho cả nước ăn và đủ tiêu chuẩn xuất khẩu thì đồng bằng Nam bộ làm tốt. Còn đồng bằng Bắc bộ chỉ nên trồng ít lúa thôi, loại đặc sản ấy, rồi trồng cây công nghiệp, làm công nghiệp, du lịch, văn hóa. Bây giờ nghĩ lại, thấy chả viển vông nữa, mà lại thực tế rồi.
Tôi nghĩ đến mấy mô hình công nghiệp nông lâm nghiệp, như của Thaco Trường Hải mới triển khai ở Thái Bình, hay các mô hình nông nghiệp mới của Vingroup, của FLC, của TH Truemilk nữa. Làm như thế hoặc nâng cấp cao lên, thì đất mới có giá trị, và không cần thật nhiều diện tích trải hết mọi nơi ở miền Bắc như hiện nay. Vậy thì hãy quy hoạch lại, chỉ giữ đủ quỹ đất để làm nông nghiệp kiểu ấy thôi, còn dư ra là làm công nghiệp, làm du lịch, sinh thái và những vấn đề khác. Cùng với đó là chuyển đổi cơ cấu lao động...
Nhà văn Nguyễn Quang Thiều: Tôi đã đi đến nhiều vùng nông thôn ở Mỹ, Canada, Hàn Quốc... Tôi thấy họ làm như anh nói đấy. Nông nghiệp của họ là những cánh đồng, những trang trại mênh mông, và bên cạnh đấy là những khu rừng, hồ nước cũng mênh mông, là sinh thái, là thiên nhiên, chứ không phải chỉ các ruộng lúa nối tiếp nhau như ở ta.
Nhà văn Phạm Ngọc Tiến: Và làng của họ cũng ra… làng. Nhà nông dân là nhà to, vườn rất rộng, là hồ nước mát lành, là thảnh thơi, xe ô tô về làng đỗ đầy. Làng của chúng ta càng ngày càng nhỏ. Ở làng mà phân lô, nhà ống, đường bé tí, không thở được, dần dần rồi sẽ chẳng còn làng nữa...
Nhà văn Nguyễn Thành Phong: Tôi nghĩ là ta cần phải có tầm nhìn rất xa, để xây dựng một “Đại quy hoạch” mới cho nông thôn Việt trong tương lai. Cùng với việc dồn điền đổi thửa tạo nên những cánh đồng lớn, làm nông nghiệp chất lượng cao. Đất đã tăng giá trị thì sẽ thừa ra diện tích canh tác, ta sẽ dùng để chuyển đổi mà mở rộng làng, mở rộng những không gian sinh hoạt cộng đồng, không gian tín ngưỡng, văn hóa tâm linh, rồi các khu du lịch sinh thái ngay gần các làng, chuyển đổi để phá đi không gian thổ cư chật hẹp. Tất cả những điều ấy là điều kiện vật chất để bồi đắp nên cái nền vững chắc của văn hóa làng, là để gìn giữ cái gốc để con người ta hướng về tổ tiên, về nơi cố hương...
Nhà văn Nguyễn Quang Thiều: Ý kiến của anh Phong là một ý tưởng rất lãng mạn, nhưng nghe ra thì rất có lý!
Nhà văn Phạm Ngọc Tiến: Cần phải có một đại quy hoạch chứ không thể tự phát và manh mún như hiện nay. Cùng với đó là những điều chỉnh chính sách hợp lý về đất đai, đặc biệt là Luật đất đai, đưa giá đất theo thị trường, đúng theo tính chất sở hữu toàn dân. Tôi mong các nhà quản lý, các nhà quy hoạch, các kiến trúc sư, và nhiều nhà khoa học thuộc các lĩnh vực, với tầm nhìn xa vượt trội lên, hãy nghiên cứu, khảo sát bài bản, tiếp thu những kinh nghiệm của thế giới và cần rất nhiều bứt phá để có đại quy hoạch này…
Theo PHƯƠNG NGUYÊN/Nongnghiep.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn