|
Đào tạo nghề cho lao động nông thôn vẫn còn nhiều bất cập Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NNPTNN) cho biết, tổng số lao động nông nghiệp đã được đào tạo nghề trong giai đoạn 2010 - 2013 là 662.828 người, chủ yếu tập trung vào lĩnh vực chăn nuôi, trồng trọt và thủy sản theo nhu cầu của địa phương, gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới. Nhờ đó, trong số 188.768 LĐNT đã học xong, có 166.525 người đã có việc làm mới hoặc tiếp tục làm nghề cũ nhưng năng suất và thu nhập cao hơn trước. Tuy nhiên, theo đánh giá của các địa phương, nơi thụ hưởng, vẫn còn quá nhiều bất cập đó là, việc đào tạo nghề cho LĐNT còn thiếu định hướng, chưa gắn với chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; mới chỉ tập trung dạy các nghề cũ mà chưa gắn với các doanh nghiệp, hợp tác xã. Trong khi đó nội dung chương trình, phương thức tổ chức, cơ chế hỗ trợ người học chưa phù hợp... dẫn đến chưa thật sự thu hút người dân. Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ Bộ NNPTNT Nguyễn Minh Nhạn thừa nhận, chương trình đào tạo nghề nông nghiệp cho nông dân thời gian qua chưa đáp ứng được yêu cầu hiện đại hóa nông nghiệp - nông thôn và chưa chuyển dịch được lao động từ lĩnh vực nông nghiệp sang lĩnh vực phi nông nghiệp hoặc chuyển đổi sang nghề nông nghiệp mới. Tổng cục Dạy nghề (Bộ LĐTBXH) cũng cho biết, tính riêng trong năm 2013, cả nước đã đào tạo nghề cho hơn 1,7 triệu lao động, trong đó hơn 1,5 triệu nông dân được đào tạo theo hình thức ngắn hạn, dưới 3 tháng. Tỷ lệ lao động có việc làm sau đào tạo có nơi đạt tới hơn 90%. Nhiều hộ dân đã thật sự thoát nghèo nhờ được trang bị nghề mới… Tuy thế, vẫn còn rất nhiều hạn chế trong công tác đào tạo nghề cho lực lượng lao động này. Trên thực tế, hầu hết các trung tâm dạy nghề cấp huyện trong cả nước đều thiếu và yếu cả về đội ngũ giáo viên lẫn trang thiết bị đào tạo. Công tác điều tra, khảo sát nhu cầu của người học chưa sát và chưa gắn với quy hoạch phát triển kinh tế của địa phương. Tình trạng người học không muốn học và học xong không có việc làm vẫn khá phổ biến, tạo hiệu ứng tiêu cực trong đời sống xã hội. Một số nghề phi nông nghiệp vẫn đào tạo theo hình thức, người lao động sau đào tạo khó có việc làm do yếu về tay nghề và thiếu về kinh nghiệm. Do việc dạy nghề vẫn nặng về hình thức khiến nông dân không mặn mà dù là miễn phí. Để tháo gỡ, nói như Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu Lê Trọng Quảng thì cần phải nhìn nhận đánh giá lại toàn diện từ khâu quản lý tới tổ chức; phải chỉ ra được những khó khăn, bất cập thì mới có thể có giải pháp thích hợp. Nhưng chồng chéo ở đâu, bất cập ở đâu lại không được chỉ rõ thì rất khó có thể khắc phục. Lục Bình |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn