Hà Đông có tốc độ đô thị hóa nhanh, khiến cho các phường vùng xa trung tâm có nhiều diện tích đất bị xen kẹt. Để phát huy hiệu quả các diện tích đất này, quận đã hướng dẫn nông dân cải tạo đất thành vùng chuyên canh nông sản an toàn.
Xây dựng hạ tầng để cải tạo đất
Theo chia sẻ của ông Nguyễn Hữu Thanh, Trưởng phòng Kinh tế quận Hà Đông: Sau khi Hà Đông bàn giao đất cho các dự án của thành phố Hà Nội và quận, trên địa bàn các phường còn đến gần 300ha đất sản xuất nông nghiệp. Nhiều diện tích đất xen kẹt bị bỏ hoang hóa vì hệ thống công trình thủy lợi cấp nước tưới tiêu bị tê liệt do các dự án đô thị.
Trước thực trạng đó, quận Hà Đông đã xây dựng Đề án phát triển vùng sản xuất rau, quả an toàn. Trong đó, tập trung vào xây dựng, cải tạo các công trình cấp, tiêu thoát nước cho vùng sản xuất với phương châm Nhà nước và Nhân dân cùng làm. Nhà nước sẽ đầu tư 70% kinh phí cho công trình, Nhân dân ở vùng sản xuất đóng góp 30% kinh phí.
Trạm bơm cấp nước vừa được xây dựng tại Yên Nghĩa phục vụ cho cải tạo đất nông nghiệp xen kẹt. |
Nhiều diện tích rau màu, cây ăn quả đang hồi sinh trên vùng đất xen kẹt hoang hóa. |
Hợp tác xã Yên Lộ, trước kia có diện tích đất sản xuất nông nghiệp của phường là đất 2 vụ lúa. Từ khi bàn giao đất cho Dự án Nam Cường, hợp tác xã còn 13,4ha đất xen kẹt gần như bỏ hoang hóa, chỉ có số ít chuyển sang trồng cây ăn quả. Được quận chỉ đạo, phường Yên Nghĩa đã giao cho Hợp tác xã (HTX) xây dựng đề án chuyển đổi diện tích đất xen kẹt.
Theo đại diện HTX, với phương châm Nhà nước và Nhân dân cùng làm, quận, phường trích 70% kinh phí và 30% kinh phí do Nhân dân đóng góp đến nay đã hoàn thiện hạ tầng thủy lợi, như: Xây dựng trạm bơm điện, xây dựng hệ thống kênh mương tưới tiêu phục vụ cho sản xuất với mức đầu tư của quận là trên 2 tỷ và HTX cùng với nông dân khoảng 800 triệu đồng.
Theo Bí thư Đảng ủy phường Đồng Mai Nguyễn Xuân Khoa, nhờ có Đề án của quận mà thời gian qua vừa bằng kinh phí hỗ trợ của Nhà nước, vừa làm tốt công tác xã hội hóa nên Đồng Mai đã nạo vét, cải tạo được nhiều tuyến kênh mương phục vụ tưới tiêu cho sản xuất.
Hỗ trợ giống và bồi dưỡng kiến thức cho nông dân Cũng theo ông Thanh, Trưởng phòng Kinh tế quận Hà Đông: Ngoài việc đầu tư xây dựng hạ tầng cho các vùng sản xuất, quận Hà Đông còn hỗ trợ hạt giống, tổ chức lớp tập huấn kỹ thuật gieo trồng, chăm sóc, và phòng trừ sâu bệnh theo quy trình sản xuất an toàn cho nông dân các vùng còn đất nông nghiệp, như: Đồng Mai, Yên Nghĩa, Biên Giang, Kiến Hưng, Dương Nội, Phú Lương, Phú Lãm… Theo đó, mỗi năm Hà Đông tập huấn cho hàng trăm lượt nông dân về kỹ thuật gieo trồng, chăm sóc rau, màu, cây ăn quả.
Vùng bưởi diễn của Yên Nghĩa được trồng theo quy trình an toàn. Các gia đình có thể thu nhập đến hàng trăm triệu đồng/ha/năm. |
HTX Vạn Xuân (phường Phú Lương) có 4ha đất nông nghiệp xen kẹt. Nhiều năm qua diện tích đất này bị bỏ hoang do thiếu các điều kiện canh tác, nhưng năm 2016 nhờ được quận hỗ trợ đào đắp kênh, cũng như hỗ trợ hạt bí xanh, phân bón, thuốc trừ sâu và tập huấn kỹ thuật sản xuất, đến nay 28 hộ đã cải tạo đất sản xuất mô hình bí an toàn. Cũng giống Phú Lương, với cách làm này nông dân Phú Lãm đã cải tạo được khoảng 3,5ha đất hoang sang trồng rau an toàn. Nông dân phường Đồng Mai cải tạo khoảng hơn 5ha. Riêng phường Yên Nghĩa do diện tích đất sản xuất xen kẹt lớn, đến nay đã có khoảng 8-9ha đã được cải tạo chuyển đổi cây trồng. Ngoài sản xuất rau màu chuyên canh an toàn, nhiều nông dân chuyển đổi một phần diện tích sang trồng cây ăn quả như bưởi diễn, đào cảnh, đào thế cho thu nhập cao. Cụ thể, gia đình ông Nguyễn Đình Vũ ở tổ dân phố 13, phường Yên Nghĩa đã trồng đào cảnh với thu nhập hàng chục triệu đồng/sào/năm. Hay mô hình bưởi diễn của gia đình ông bà Thầm cho thu nhập hàng trăm triệu đồng/ha/năm.
Ông Nguyễn Đình Vũ chia sẻ với phóng viên về cách chăm sóc đào cảnh, đào thế trên cách đồng trước kia hoang hóa. |
Vẫn còn những diện tích xen kẹt, Hà Đông sẽ tiến hành cải tạo trong thời gian tới. |
Với đề án cải tạo đất xen kẹt, quận Hà Đông đã có hàng chục héc-ta đất canh tác bỏ hoang hóa đã được hồi sinh, với mức thu nhập hàng chục đến hàng trăm triệu đồng/ha/năm. Theo như quận Hà Đông, hiện nay vẫn còn một số diện tích chưa cải tạo được, quận tiếp tục chỉ đạo các địa phương dọn dẹp phế thải, hỗ trợ dạy nghề, đầu tư cơ sở hạ tầng vùng trồng và xây dựng nhà sơ chế bảo quản nông sản, giúp nông dân các phường còn đất nông nghiệp tận dụng hết diện tích xen kẹt chuyển sang chuyên canh rau màu, cây ăn quả theo mô hình sản xuất an toàn.
Theo Bích Hời/ Kinhtedothi