Nhiều nơi đã hình thành nên tầng lớp công nhân nông nghiệp
Sự chuyển dịch mạnh mẽ cả chất và lượng là điểm nhấn quan trọng với ngành nông nghiệp Việt Nam mấy năm gần đây, lần đầu tiên giá trị xuất khẩu nông sản vượt ngành dầu thô khi năm 2017 đạt trên 36 tỷ USD và dự kiến năm 2018 đạt 40 tỷ USD, song dư địa còn rất lớn khi tới đây một loạt hiệp định thương mại tự do FTA được Việt Nam ký kết.
Theo Tổng cục Thống kê, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của cả nước trong 10 tháng năm 2018 ước tính đạt trên 200 tỷ USD, tăng 14,2% so với cùng kỳ 2017, trong đó ấn tượng nhất chính là mặt hàng nông, lâm, thủy sản với ngành gỗ đạt 7,61 tỷ USD, tăng 16,1% so với cùng kỳ; Thủy sản đạt 7,2 tỷ USD, tăng 5,9%; Rau quả đạt 3,3 tỷ USD, tăng 14,4%; Cà phê đạt 3 tỷ USD, tăng 1,1% (lượng tăng 21,5%); Gạo đạt 2,6 tỷ USD, tăng 16,1% (lượng tăng 3,4%)…
|
Dấu ấn doanh nghiệp trong 5 năm tái cơ cấu ngành nông nghiệp rất lớn |
Mặc dù một số chính sách hỗ trợ trực tiếp và gián tiếp các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp trong nước chưa đạt như kỳ vọng, nhưng Đảng, Chính phủ và đặc biệt ngành Nông nghiệp, Công thương, Ngoại giao hỗ trợ vô cùng đắc lực các doanh nghiệp của Việt Nam trong kết nối, quảng bá và mở cửa thị trường nông sản.
Có thể thấy rằng, mỗi khi ngành nông nghiệp đàm phán, ký kết, mở cửa được một thị trường hay mặt hàng nông sản mới, ngay lập tức doanh nghiệp trong nước của ta đáp ứng được luôn về chất lượng, tiêu chuẩn, số lượng hàng hóa của thị trường đó.
Điển hình nhất chính là ngành sữa của Việt Nam đã có sự phát triển thần kỳ trong 5 năm trở lại đây với sản lượng từ không đáng là bao nay đã xấp xỉ 1 triệu lít sữa tươi/năm với những doanh nghiệp hiện đại, khép kín không thua kém bất cứ doanh nghiệp hàng đầu nào về sữa của quốc tế như: Vinamilk, TH Milk, Mộc Châu Milk... Bao nhiêu năm chúng ta chỉ quen đón nhận đầu tư FDI của nước ngoài, nay các doanh nghiệp sữa của Việt Nam đã đủ lực và tầm để “mang chuông đi đánh xứ người” đầu tư thành công tại nhiều quốc gia.
Tham quan khu NNCNC |
Hay trong lĩnh vực mía đường, vượt lên trên khó khăn do lịch sử để lại, một số doanh nghiệp, tập đoàn như Thành Thành Công, Đường Quảng Ngãi… đã hình thành được hệ thống chuỗi khép kín từ sản suất tới chế biến, phân phối mà mọi công đoạn cơ bản đã được tự động hóa, những sản phẩm liên quan đến đường đều được tận dụng để tạo giá trị gia tăng, như phát điện, làm phân bón, cồn sinh học, nước đóng chai, bánh kẹo thực phẩm… Mô hình vận hành tương tự những tập đoàn hàng đầu thế giới về mía đường, như Brazil, Thái Lan, Ấn Độ, Mỹ.
Trong lĩnh vực chế biến sau thu hoạch, mảng được coi là mắt xích yếu nhất của ngành nông nghiệp Việt Nam cũng bắt đầu ghi nhận những tín hiệu tích cực khi Tập đoàn Masan đầu tư nhà máy giết mổ, chế biến thịt lợn mát có quy mô và công nghệ đứng đầu Asean, dự kiến sẽ đi vào hoạt động cuối năm 2018. Trong lĩnh vực chế biến rau quả, Công ty CP Thự phẩm XK Đồng Giao (Doveco) tiến hành xây dựng hàng loạt nhà máy chế biến rau quả tại các vùng nguyên liệu, tiền đề quan trọng để hạn chế điệp khúc được mùa mất giá.
Đặc biệt, tín hiệu mừng nhất sau năm 5 tái cơ cấu ngành, với chủ trương nhất quán của Đảng và Chính phủ, người nông dân không bị tách rời ra khỏi thành công của doanh nghiệp, tập đoàn nông nghiệp như: VinEco, Pan Group, Vinaseed, GTNfoods… thay vào đó bà con vẫn được sản xuất trên chính mảnh đất của mình với giá trị thu nhập cao hơn, điều kiện lao động tốt hơn khi nhiều nơi hình thành tầng lớp nông dân mới, đó là công nhân nông nghiệp.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn