TP Hồ Chí Minh là địa phương đi đầu trong cả nước về thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM). Tính đến cuối tháng 9-2015, đã có 3/5 huyện của Thành phố được Trung ương công nhận đạt chuẩn huyện NTM là: Củ Chi, Nhà Bè, Hóc Môn. Để đạt được kết quả đó, Thành phố đã đề ra nhiều chủ trương, giải pháp chỉ đạo kịp thời, sát đúng, huy động sức mạnh tổng hợp và tạo sự đồng thuận cao trong nhân dân, bảo đảm cho vùng nông thôn phát triển bền vững
Bài 1: Đầu tư đúng, thuận lòng dân
Thực tiễn ở TP Hồ Chí Minh cho thấy, việc thực hiện các tiêu chí xây dựng NTM cần lựa chọn, sắp xếp phù hợp với điều kiện cụ thể, tránh làm ồ ạt, thiếu hiệu quả; đồng thời phương pháp tuyên truyền, vận động nhân dân phải tạo được sự chuyển biến từ nhận thức tới hành động, việc làm thiết thực.
Chỉ đạo sát, đầu tư đúng hướng
Từ năm 2009, Thành ủy TP Hồ Chí Minh đã thành lập Ban chỉ đạo Chương trình mục tiêu xây dựng NTM trên địa bàn Thành phố (gọi tắt là Ban chỉ đạo); tổ chức phát động Phong trào “Thành phố chung sức xây dựng NTM”, huy động các ban, ngành cùng vào cuộc, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm của cơ quan, đơn vị. Tùy theo chức năng, nghiệp vụ, mỗi sở, ngành chịu trách nhiệm tham mưu giúp Ban chỉ đạo và hướng dẫn các huyện thực hiện những tiêu chí NTM phù hợp với chuyên môn. Đồng chí Võ Văn Thưởng, Phó bí thư Thường trực Thành ủy TP Hồ Chí Minh, Trưởng ban Chỉ đạo của Thành ủy cho rằng: Một trong những thành công phải kể đến là sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát của cấp ủy đảng và vai trò của hệ thống chính trị. Cùng với đó, Ban chỉ đạo thường xuyên tìm tòi, phát hiện, nhân rộng những cách làm sáng tạo, hiệu quả; chủ động giúp địa phương tháo gỡ khó khăn, lựa chọn đầu tư phù hợp để hoàn hành các tiêu chí một cách bền vững trên tinh thần cơ sở hạ tầng là tiền đề, phát triển sản xuất là trọng tâm, lợi ích người dân là động lực.
|
Trường Mầm non Hướng Dương, xã Nhơn Đức (Nhà Bè), một công trình hoàn thành từ sự đồng thuận ý Đảng, lòng dân. |
Thực hiện chỉ đạo của Thành ủy, các huyện đã bám sát đặc điểm địa bàn, khả năng thực tế, mức độ huy động… để lựa chọn triển khai các tiêu chí theo thứ tự ưu tiên, lấy lợi ích của người dân làm trung tâm. Chẳng hạn, huyện Nhà Bè xác định, cùng với chương trình bảo đảm nước sạch, tái định cư, thì NTM là trọng điểm lãnh đạo trong suốt nhiệm kỳ 2010-2015, tiến hành làm trước các tiêu chí cần ít vốn, như: Điện, văn hóa, giáo dục, an ninh trật tự… Huyện Củ Chi xác định 4 nhóm chuyên đề thực hiện tiêu chí NTM, bao gồm: Công tác quy hoạch; phát triển sản xuất; chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân và xây dựng hệ thống chính trị. Đồng chí Lê Minh Tấn, Bí thư Huyện ủy Củ Chi, chia sẻ: “Với đặc thù của huyện, việc ưu tiên lựa chọn thực hiện các tiêu chí theo từng giai đoạn là hoàn toàn phù hợp. Căn cứ vào nguồn vốn Thành phố đầu tư và sự huy động của huyện, Ban chỉ đạo triển khai các công trình theo thứ tự ưu tiên tính cấp bách phục vụ nhu cầu sản xuất, đi lại, sinh hoạt của người dân, gồm: Nhà văn hóa cộng đồng, trường học, trạm y tế, đường giao thông…”. Theo khảo sát của Thành phố tại 56 xã xây dựng NTM, có hơn 75% ý kiến người dân đánh giá các công trình hạ tầng phát huy tốt tác dụng. Điều này chứng tỏ tính đúng đắn, khoa học trong đầu tư xây dựng NTM.
Để ý Đảng thuận lòng dân
Thực tế khảo sát thành quả NTM tại huyện Nhà Bè, chúng tôi được tham quan hàng loạt công trình dân sinh, mô hình sản xuất kinh doanh mang lại diện mạo mới cho địa phương. Nổi bật là 45 tuyến đường được mở rộng, Trường mầm non Hướng Dương đạt chuẩn quốc gia và Trạm y tế xã Phước Lộc đạt tiêu chí NTM. Chị Phan Thị Mỹ Linh, Phó trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy Nhà Bè cho biết: “Đây là kết quả của công tác tuyên truyền, vận động quần chúng nhân dân, làm cho mọi người hiểu và đồng thuận với chủ trương xây dựng NTM”. Theo chị Linh, khó nhất là làm thay đổi nhận thức của người dân để họ tự nguyện hiến tài sản, góp công sức vì lợi ích của mình và của cộng đồng. Cho nên, công tác tuyên truyền được triển khai đồng loạt ở các xã thông qua nhiều hình thức, như: Sinh hoạt tập trung, bản tin nội bộ, phát tờ rơi, tuyên truyền trên đài phát thanh, pa nô, khẩu hiệu, giao lưu văn nghệ với chủ đề xây dựng NTM… nhằm tác động mạnh và liên tục làm cho nhân dân thấy được cái lợi của NTM để đoàn kết, đồng lòng thực hiện. Điển hình như hẻm 340, trước kia nhỏ, lầy lội, ngoằn ngoèo. Chính quyền địa phương kết hợp với các đoàn thể xuống tận nhà dân vận động các gia đình, mà trước hết là cán bộ, đảng viên, tự nguyện hiến đất, chặt bỏ cây, phá tường bao để tu sửa, mở rộng hẻm. Nhờ vậy, chỉ sau thời gian ngắn, hẻm 340 đã được mở rộng, sạch đẹp, thông thoáng.
Đặc biệt, để nhân dân tin tưởng, đòi hỏi sự minh bạch trong xây dựng các công trình. Chị Chung Mỹ Duyên, Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Tân Kiên, huyện Bình Chánh, chia sẻ: "Chúng tôi phát huy cao độ vai trò của người dân và Ban giám sát cộng đồng, bảo đảm tính minh bạch trong thi công. 5 năm qua, Ủy ban MTTQ xã đã giám sát 21 công trình không để xảy ra thất thoát; phát hiện một số sai phạm của đơn vị thi công, như: Sử dụng đá đen thay đá xanh, bớt xén xi măng, giảm độ dày của mặt đường…, kịp thời kiến nghị cơ quan chức năng yêu cầu thi công lại. Tôi cho rằng, sự minh bạch chính là yếu tố quan trọng tạo niềm tin và đồng thuận lòng dân, ý Đảng, góp phần xây dựng NTM thành công”.
Trong 5 năm xây dựng NTM, TP Hồ Chí Minh vận động được 19.650 hộ dân hiến 2.014.690m2 đất xây dựng cơ sở hạ tầng, quy giá trị hơn 1.455 tỷ đồng; huy động nguồn lực để xây dựng NTM với tổng kinh phí hơn 41.871 tỷ đồng, trong đó vốn huy động từ cộng đồng khoảng 33.366 tỷ đồng, chiếm hơn 77%... |
Theo QĐND