Sau 3 năm triển khai, thực hiện tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, sản xuất nông, lâm, thủy sản của tỉnh đạt được kết quả tích cực, đảm bảo tốc độ tăng trưởng ổn định, góp phần nâng cao thu nhập cho người nông dân.
Gia đình ông Chu Huy Khôi, xã Đại Đồng (Vĩnh Tường) chuyên sản xuất rau giống tạo việc làm thường xuyên cho 4 lao động với thu nhập bình quân 4-5 triệu đồng/người/tháng. Ảnh Thế Hùng |
Ngay từ năm 2013, tỉnh đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách đồng bộ, nhằm hỗ trợ thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp, trong đó đã xác định được sản phẩm chủ lực và lấy chăn nuôi làm động lực chính. Giai đoạn 2013-2015, toàn tỉnh triển khai gần 9.500 ha mô hình sử dụng giống lúa năng suất, chất lượng; gần 6.200 ha vùng trồng trọt sản xuất hàng hóa. Hỗ trợ hơn 10 nghìn lợn nái ngoại cấp bố mẹ; gần 3 triệu gà đẻ giống mới; gần 200 nghìn liều tinh lợn ngoại cho gần 150 nghìn lượt hộ. Xây dựng 3 mô hình chuỗi liên kết chăn nuôi- giết mổ- tiêu thụ sản phẩm… Trong 3 năm gần đây, sản xuất nông, lâm, thủy sản của tỉnh luôn đảm bảo tốc độ tăng trưởng 3,5-4%/năm. Đây là kết quả khẳng định cho những nỗ lực của ngành Nông nghiệp trong thời gian qua.
Đặc biệt, chăn nuôi đã trở thành ngành sản xuất chính, đem lại thu nhập cao cho nông dân, với trên 8.700 con bò sữa, gần 550 nghìn con lợn và gần 8,3 triệu con gia cầm. Nhiều giống vật nuôi mới có chất lượng được đưa vào sản xuất, từng bước gắn với an toàn dịch bệnh và vệ sinh an toàn thực phẩm. Hiện trên địa bàn tỉnh đã hình thành nhiều khu chăn nuôi tập trung, quy mô lớn với phương thức chăn nuôi tiên tiến, hiện đại như chăn nuôi lợn ở các xã: Quang Sơn, Ngọc Mỹ, Hợp Lý (Lập Thạch), Nguyệt Đức (Yên Lạc); chăn nuôi gia cầm tập trung ở các xã: Kim Long (Tam Dương), Tam Quan (Tam Đảo) ...góp phần đưa tỷ trọng ngành chăn nuôi chiếm 51,7% trong cơ cấu ngành Nông nghiệp của tỉnh, thúc đẩy tái cơ cấu trong nông nghiệp. Chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm 2016, giá trị chăn nuôi trên địa bàn tỉnh đạt hơn 2.400 tỷ đồng, tăng 7,95% so với cùng kỳ năm 2015.
Trong lĩnh vực trồng trọt đã có sự chuyển đổi mạnh cơ cấu giống cây trồng; các giống lúa chất lượng được tăng cường đưa vào sản xuất, kết hợp thực hiện các biện pháp canh tác “3 giảm, 3 tăng”; hệ thống canh tác lúa cải tiến SRI; quản lý cây trồng tổng hợp ICM; quản lý dịch hại tổng hợp IPM; thực hành nông nghiệp tốt VietGAP...Giai đoạn 2014 - 2015, toàn tỉnh gieo cấy được hơn 5.300 ha các giống lúa chất lượng (chiếm 32,08% tổng diện tích trồng lúa của tỉnh), năng suất bình quân đạt 56,2 tạ/ha, tăng 3 tạ/ha so với năm 2013; chuyển đổi gần 3.500 ha đất trồng lúa kém hiệu quả sang các loại cây trồng khác, cho hiệu quả kinh tế tăng khoảng 3-5 triệu đồng/ha, có nơi tăng 15-20 triệu đồng/ha, từ đó, hình thành một số vùng trồng trọt, sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn cho thu nhập cao như: Dưa chuột Tam Dương; Bí đỏ Vĩnh Tường, Yên Lạc; rau su su Tam Đảo. Một số sản phẩm có thương hiệu: Rau su su an toàn Tam Đảo; rau an toàn sông Phan và rau an toàn Sao Mai. Bên cạnh đó, đã xuất hiện các mô hình tổ chức sản xuất mới như: Cánh đồng mẫu lớn ở các xã: Hợp Thịnh (Tam Dương), Tề Lỗ (Yên Lạc); trồng ngô biến đổi gen; sản xuất rau quả theo VietGAP; thuê, gom ruộng sản xuất quy mô lớn ... đưa giá trị sản phẩm trồng trọt bình quân trên một đơn vị diện tích đất canh tác năm 2015 đạt 135 triệu đồng/ha...
Theo đánh giá của Sở NN&PTNT, bên cạnh những kết quả đạt được , bước đầu thực hiện tái cơ cấu Nông nghiệp còn gặp nhiều khó khăn do sự vào cuộc của các cấp chính quyền chưa mạnh mẽ, quyết liệt, trong đó nội dung dồn ghép ruộng đất đóng vai trò quan trọng, quyết định nhưng chưa được hướng dẫn và xây dựng kế hoạch cụ thể. Người lao động nông thôn được đào tạo chiếm tỷ lệ thấp. Đất đai manh mún, nhỏ lẻ, phân tán, khó khăn áp dụng cơ giới hóa và ứng dụng KHKT...
Để giải quyết vấn đề trên, thời gian tới, tỉnh thực hiện tốt các nghị quyết đã ban hành; rà soát lại quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, trên cơ sở đó thực hiện dồn ghép ruộng đất, chuyển đổi mục đích sử dụng, tạo tiền đề cho sản xuất nông nghiệp hàng hóa quy mô lớn. Xây dựng mô hình tổ hợp tác, HTX kiểu mới chuyên cây, chuyên con, áp dụng đồng bộ tiến bộ KHKT. Hỗ trợ tổ chức liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi, tạo chuỗi sản phẩm hàng hóa. Hỗ trợ doanh nghiệp theo hình thức công- tư. Đào tạo nguồn nhân lực và đổi mới tổ chức sản xuất. Gắn việc triển khai thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp với chương trình xây dựng NTM, trong đó tập trung vào quy hoạch sử dụng đất nông nghiệp đối với cấp xã.
Đồng thời, tỉnh đề nghị các cơ quan chức năng của Trung ương cho phép thử nghiệm một số chính sách mới đột phá và tăng cường hỗ trợ triển khai Tái cơ cấu nông nghiệp đó là hỗ trợ tín dụng trung hạn, dài hạn và đơn giản các thủ tục, tạo điều kiện cho các hộ nông dân sản xuất giỏi tích tụ ruộng đất. Miễn hoặc giảm phí chuyển nhượng đất đai giữa các hộ nông dân trong vùng chuyên canh đã được quy hoạch. Miễn giảm thuế thu nhập doanh nghiệp đối với các doanh nghiệp nằm trong lĩnh vực ưu tiên đầu tư của tỉnh (theo tinh thần của Luật số 32/2013/QH13 ngày 19/6/2013 của Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp). Trang trại và HTX nông nghiệp có đăng ký được tiếp cận hỗ trợ đầu tư như các doanh nghiệp theo Nghị định 210/2013/NĐ-CP nếu thuộc lĩnh vực ưu tiên đầu tư của tỉnh. Cho phép tỉnh thí điểm cơ chế đối tác công- tư trong phát triển cơ sở hạ tầng nông thôn, xây dựng các cụm công nghiệp- dịch vụ tại các vùng chuyên canh, phát triển các chuỗi giá trị nông nghiệp chủ lực, hiện vẫn nằm ngoài quy định của Quyết định 71/2010/QĐ-TTg. Sửa đổi Quyết định 01/2012/QĐ-TTg, phân cấp mạnh mẽ cho các cơ quan địa phương chứng nhận tiêu chuẩn VietGAP nhằm giảm chi phí chứng nhận phục vụ sản xuất theo tiêu chuẩn chất lượng của địa phương được bền vững hơn.
Theo Báo Vĩnh Phúc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn