Đó là, liệu mai này tất cả diện tích cây ăn quả trên địa bàn đồng loạt cho quả thì liệu đầu ra có được thông thoáng không, hay phải chịu cảnh nhiều hàng mất giá.
Bưởi da xanh đang phát triển mạnh trên đất Bình Định. |
Do đó, ngay từ bây giờ, ngành chức năng ở Bình Định đã tính đến chuyện “tạo lực” cho cây ăn quả có đủ sức cạnh tranh trên thị trường sau này.
Nếu như trước đây ở Bình Định còn rất nhiều diện tích vườn tạp với các loại cây trồng không mang lại hiệu quả kinh tế, thì hiện nay các khu vườn đã phủ kín các loại cây ăn quả “thời thượng”, có giá trị kinh tế cao như: Bưởi da xanh, bơ, cam, sầu riêng, quýt; thậm chí cây ăn quả còn có mặt trên những khu vườn đồi trước nay bỏ hoang hóa.
Thời gian gần đây, cây ăn quả được xác định là cây trồng thế mạnh của 3 huyện Hoài Ân, Hoài Nhơn và An Lão. Năm 2019, tổng diện tích trồng cây ăn quả của 3 huyện nói trên ước đạt gần 2.500ha; trong đó, huyện Hoài Ân dẫn đầu với 1.423ha, huyện Hoài Nhơn 637,7ha, huyện An Lão 352ha. Cây dừa thì phát triển mạnh ở 2 huyện Hoài Nhơn và Phù Cát.
Riêng bưởi da xanh đang rất cuốn hút nông dân Bình Định. Ví như ở huyện Hoài Ân có đến 250ha bưởi da xanh, trong đó khoảng 30ha đang cho thu hoạch. Hay như ở huyện miền núi An Lão đang phát triển mạnh một số loại cây có múi như cam, sầu riêng, bơ, quýt, tuy nhiên nhiều nhất vẫn là bưởi da xanh với 79,5ha.
Theo đánh giá của TS Hồ Huy Cường, Viện trưởng Viện KHKTNN Duyên hải Nam Trung bộ, Bình Định là địa phương có điều kiện tự nhiên về đất đai, khí hậu phù hợp với phát triển cây ăn quả. Nhất là mùa mưa ở Bình Định trái với mùa mưa ở các vùng trồng cây ăn quả trọng điểm ở miền Đông Nam bộ và miền Bắc. Do đó, thời điểm thu hoạch cây ăn quả ở Bình Định trái vụ tự nhiên với các vùng khác, giúp tránh được sự cạnh tranh trong khâu tiêu thụ.
Ấy vậy nhưng cây ăn quả ở Bình Định vẫn thiếu đi thế mạnh là diện tích phát triển quá manh mún, khó thu hút doanh nghiệp tiếp cận để tiêu thụ. Chưa hình thành chuỗi liên kết để thuyết phục khách hàng về sự ổn định của chất lượng và nguồn cung.
Một “lỗ hổng” khác trong phát triển cây ăn quả ở Bình Định là về cây giống và việc ứng dụng KHKT vào canh tác.
Bưởi da xanh Hoài Ân đang hút hàng. |
Bà Nguyễn Thị Tố Trân, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Bình Định, bày tỏ: “Hiện nguồn giống cây ăn quả ở Bình Định chưa đảm bảo, không đồng đều, không đáp ứng được yêu cầu chất lượng đầu ra.
Để đảm bảo việc truy xuất nguồn gốc cây ăn quả của Bình Định, cần có sự hỗ trợ của chính quyền và ngành chức năng trong việc tập huấn, chuyển giao tiến bộ KHKT để nông dân tiếp cận với SX cây ăn quả theo hướng VietGAP, sản phẩm được cấp giấy chứng nhận VietGAP, tiến tới được cấp mã vùng SX để sản phẩm dễ dàng tiếp cận với các thị trường ổn định như siêu thị, nhà hàng và xuất khẩu”.
Hiện nay, bưởi da xanh ở huyện Hoài Ân liên tục cháy hàng, đó là động lực để nông dân hồ hởi phát triển mạnh diện tích trồng. Thế nhưng trong lòng họ không khỏi lo lắng liệu hiện tượng “cháy hàng” có còn được duy trì khi tất cả diện tích bưởi da xanh trên địa bàn đồng loạt thu hoạch.
Ông Nguyễn Hữu Khúc, Phó Chủ tịch UBND huyện Hoài Ân (người đứng thứ 3 tính từ trái sang) giới thiệu sản phẩm bưởi da xanh của địa phương. |
Nông dân Võ Đông Sơ ở thị trấn Tăng Bạt Hổ (huyện Hoài Ân), lo lắng: “Liệu trong những năm tới, khi tất cả 250ha bưởi da xanh của Hoài Ân đồng loạt cho thu hoạch thì bưởi có còn “cháy hàng” như hiện nay nữa hay không. Đó là chưa kể đến diện tích bưởi được trồng ở các huyện khác trong tỉnh và ở các tỉnh láng giềng như Phú Yên, Khánh Hòa cũng cho quả thì liệu cung có vượt cầu”.
Theo ông Phan Trọng Hổ, Giám đốc Sở NN-PTNT Bình Định, để cây ăn quả của Bình Định có vị thế vững vàng trên thị trường, các địa phương cần xác định sản phẩm chủ lực của mình và đăng ký bảo hộ độc quyền, tạo lợi thế cạnh tranh cho sản phẩm trên thị trường bằng liên kết chuỗi.
“Sẽ rất khó thuyết phục doanh nghiệp tham gia vào khâu tiêu thụ khi quy mô SX nhỏ lẻ như hiện tại. Bước đầu, các vùng SX cây ăn quả tập trung cần hình thành tổ hợp tác sản xuất, sau đó đến các HTXNN có năng lực tham gia vào khâu tiêu thụ. Tiếp đến là đẩy mạnh quảng bá sản phẩm.
Đặc biệt là phải xây dựng vùng SX cây ăn quả hữu cơ hay vùng SX an toàn, để sau này dù cây ăn quả tràn lan trên thị trường thì sản phẩm của Bình Định là sản phẩm sạch, sản phẩm hữu cơ thì không lo gì không có sức cạnh tranh”, ông Hổ chia sẻ.
“Trong năm 2020, Trung tâm Khuyến nông Bình Định sẽ xây dựng các mô hình trồng cây ăn quả theo hướng hữu cơ, có giấy chứng nhận VietGAP, truy xuất nguồn gốc, tập trung vào cây có múi; xây dựng thương hiệu để giúp cho sản phẩm có điều kiện tiếp cận thị trường. Đặc biệt, chúng tôi sẽ chuyển giao đến nông dân kỹ thuật trồng cây ăn quả ứng dụng công nghệ cao, sử dụng phân hữu cơ và các chế phẩm sinh học, tưới tiết kiệm…”, bà Nguyễn Thị Tố Trân, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Bình Định. |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn