Để khắc phục sự manh mún của kinh tế hộ, tiến lên sản xuất lớn, việc xây dựng mối liên kết giữa doanh nghiệp, hợp tác xã và nông dân là vô cùng quan trọng. Vấn đề đặt ra là, cơ chế, chính sách như thế nào để mối liên kết này có thể phát triển bền vững.
Những cách làm hayHợp tác xã (HTX) Cổ Đông (Sơn Tây - Hà Nội) là một trong những mô hình kinh tế tập thể được đánh giá hoạt động khá hiệu quả. Vượt qua muôn vàn sóng gió do dịch bệnh trên đàn vật nuôi, giá cả thị trường bấp bênh, đến nay, HTX vẫn duy trì 550 trang trại chăn nuôi công nghiệp quy mô lớn và khoảng 100 trang trại chăn nuôi bán công nghiệp quy mô vừa và nhỏ, trong đó có 350 trang trại chăn nuôi lợn công nghiệp (tổng đàn 190.000 con), 200 trang trại chăn nuôi gà (tổng đàn 950.000 - 1.100.000 con/lứa). Mỗi năm HTX cung cấp cho thị trường hàng chục ngàn tấn thực phẩm an toàn các loại, tạo việc làm cho trên 1.500 lao động địa phương, hàng trăm cán bộ kỹ thuật với thu nhập ổn định. HTX đã và đang liên doanh liên kết với 4 công ty trong lĩnh vực chăn nuôi, 4 công ty sản xuất thức ăn, 5 doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm, 3 công ty cung cấp giống, 2 công ty cung cấp thuốc thú y. Tổng thu nhập từ chăn nuôi của HTX năm 2013 đạt 224 tỷ đồng, trừ chi phí, lãi 96 tỷ đồng, chia bình quân đạt 300 triệu đồng/hộ/năm. Năm 2014, ước đạt 300 tỷ đồng, thu nhập bình quân 350-400 triệu đồng/hộ/năm. |
Trồng bưởi Diễn cho thu nhập cao tại HTX cây ăn quả Xuân Mai (Chương Mỹ-Hà Nội). |
Ông Trần Văn Chiến, Chủ nhiệm HTX, cho biết, những năm trước, HTX chỉ hợp đồng chăn nuôi gia công và cung cấp đầu vào, đầu ra, tuy nhiên, do giá lên xuống thất thường nên chăn nuôi không hiệu quả. Năm 2014, khi chuỗi liên kết Công ty CP cộng đồng GREEN FOOD Hà Nội thành lập và đi vào hoạt động, HTX đã tham gia vào chuỗi liên kết, được công ty cung cấp nguồn thức ăn đầu vào với chất lượng đảm bảo, giá cả thấp hơn thị trường từ 3-5%, trong khi giá thu mua sản phẩm cao hơn thị trường từ 1-3% nên hiệu quả chăn nuôi tăng rõ rệt. Đến nay, HTX đã chuyển sang hợp đồng liên kết với GREEN FOOD Hà Nội với 50 trang trại chăn nuôi lợn và 40 trang trại chăn nuôi gà, thu nhập cao hơn từ 20-30% so với hình thức chăn nuôi khác. Dự kiến, đến cuối năm 2014, HTX sẽ chuyển tiếp khoảng 20-30 trang trại sang hợp tác liên kết chăn nuôi với GREEN FOOD và năm 2015 sẽ chuyển số trang trại còn lại vào chuỗi liên kết.Chia sẻ về kinh nghiệm hợp tác, liên kết với nông dân, ông Tăng Xuân Trường, Giám đốc Công ty TNHH MTV Hưng Việt, cho biết, để đảm bảo hoạt động sản xuất, kinh doanh, công ty đã liên kết chặt chẽ với các hộ để cùng sản xuất theo quy trình an toàn, trên cùng một vùng, cùng giống, cùng thời gian và cùng thu hoạch. Hiện, công ty đã liên kết và ký hợp đồng với trên 50 công ty, doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân trên địa bàn nhiều tỉnh, thành, tập trung ở Hà Nội, Bắc Ninh, Thái Nguyên, Hải Phòng, Ninh Bình,… Với cách làm này, sản lượng tiêu thụ rau, củ, quả các loại của công ty tăng đều qua các năm, từ 7.925 tấn (năm 2011) lên 9.240 tấn (năm 2012), riêng năm 2014 ước đạt 11.500 tấn, doanh thu 6 tháng đầu năm 2014 đạt 25-30 tỷ đồng, lợi nhuận 650 triệu đồng.Công ty TNHH MTV Công nông nghiệp Hà Nội lại phối hợp với các HTX đẩy mạnh đưa cơ giới vào sản xuất. Đơn cử như tại HTX Dịch vụ nông nghiệp Quảng Đông (TP.Thanh Hóa - Thanh Hóa), trước khi công ty liên kết làm ăn, HTX chỉ làm một nhiệm vụ duy nhất là công tác bảo nông với mức phí 4kg thóc/sào. Sau đó, công ty liên kết với HTX đưa cơ giới hóa đồng bộ trong sản xuất lúa với diện tích 60ha từ làm đất bằng máy, sản xuất mạ khay bằng dây chuyền tự động, cấy bằng máy, chăm sóc và thu hoạch bằng máy gặt đập liên hợp. Kết thúc vụ sản xuất, 1ha lúa HTX tiết kiệm được 7,2 triệu đồng. Sau 6 vụ sản xuất, đến nay, HTX đã tích lũy được khoảng 1,25 tỷ đồng, đáp ứng nhu cầu máy móc thiết bị cho sản xuất 100-120ha lúa theo phương pháp cơ giới hóa đồng bộ.Cần có chính sách đồng bộThực tế, dù chủ trương đẩy mạnh liên kết “4 nhà” trong sản xuất, tiêu thụ nông sản đã có từ hơn 10 năm nhưng những mô hình liên kết thành công như trên vẫn chưa nhiều. Nguyên nhân là do còn thiếu một hệ thống cơ chế, chính sách đủ mạnh để thu hút doanh nghiệp tham gia, sản xuất nông nghiệp có nhiều rủi ro, bấp bênh, nông dân vẫn sản xuất theo lối manh mún, nhỏ lẻ nên doanh nghiệp ngại đầu tư. Ông Trường nêu một thực tế, mặc dù Nhà nước đã có chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, nhất là về tín dụng nhưng doanh nghiệp của ông vẫn gặp khó khăn về vốn. Ông Trường đề xuất, Nhà nước cần có giải pháp, chính sách hỗ trợ khuyến khích nông dân xây dựng cánh đồng quy mô lớn sản xuất hàng hóa tập trung; tạo điều kiện cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh tiêu thụ sản phẩm hàng nông sản được vay vốn với mức vay nhiều hơn, lãi suất thấp và dài hạn; đẩy nhanh thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi mặt bằng cũng như các ưu đãi khác để doanh nghiệp phát triển.Trong khi đó, ông Chiến kiến nghị, cần có chính sách ưu tiên cho ngành chăn nuôi về quy hoạch đất đai xây dựng trang trại, vốn vay ngân hàng được thế chấp bằng chuồng trại, vật nuôi, với lãi suất thấp, thời gian vay trung, dài hạn, hỗ trợ kinh phí và kỹ thuật đầu tư xây dựng hệ thống xử lý môi trường chăn nuôi, đầu tư xây dựng lò giết mổ, chế biến, cửa hàng để sản phẩm đến tay người tiêu dùng. Các ngành chức năng thường xuyên kiểm tra, đánh giá chất lượng, giá cả thức ăn, thuốc thú y, đầu vào của chăn nuôi và kiểm soát chất lượng giá cả đầu ra của sản phẩm, tránh bị tư thương ép giá. Xem xét giữa chăn nuôi tự đầu tư và chăn nuôi gia công cho công ty nước ngoài về thuế, thức ăn, quy trình đầu tư và các hồ sơ thủ tục pháp lý, giúp người hợp đồng chăn nuôi đảm bảo quyền lợi và sự bình đẳng. Cần có chính sách đặc thù đầu tư cho chuỗi liên kết từ sản xuất thức ăn, tổ chức chăn nuôi, xây dựng nhà máy giết mổ, chế biến đến tiêu thụ sản phẩm, đảm bảo quy trình đủ truy xuất được nguồn gốc, loại bỏ thực phẩm kém chất lượng. Khánh Nguyên
Nguồn kinhtenongthon.com.vn