Việt Nam hiện đứng thứ 5 thế giới và thứ 2 ở châu Á về xuất khẩu các sản phẩm chế biến từ gỗ. Năm nay, ngành này sẽ cán mốc xuất khẩu 9 tỷ USD. Chính phủ xác định đây là ngành kinh tế mũi nhọn và chỉ đạo đưa Việt Nam trở thành một trong những trung tâm sản xuất đồ gỗ có chất lượng của thế giới.
Theo nhiều doanh nghiệp, để ngành chế biến gỗ phát triển bền vững, Việt Nam phải phát triển được nguồn nguyên liệu gỗ hợp pháp từ việc trồng rừng, cải tổ lại sản xuất của doanh nghiệp, đào tạo nguồn nhân lực và đẩy mạnh xây dựng thương hiệu.
Thị trường xuất khẩu các sản phẩm đồ gỗ của Việt Nam hiện nay chủ yếu là Mỹ và Châu Âu. Các thị trường này ngày càng yêu cầu rất khắt khe và bắt buộc gỗ phải có nguồn gốc hợp pháp. Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp Việt Nam hiện nay vẫn phải nhập nguyên liệu gỗ nên chưa chủ động và khó đáp ứng các yêu cầu. Bước đầu, một số doanh nghiệp đã mạnh dạn đi tìm và đầu tư nguồn nguyên liệu.
Ví như, Công ty Scansia Pacific đã liên kết với nông dân ở huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế trồng gần 5.000 ha rừng keo theo tiêu chuẩn chứng chỉ về quản lý rừng. Doanh nghiệp này cam kết thu mua rừng keo với giá gần 200 triệu đồng/ha với gỗ 7-8 năm tuổi, giá này cao hơn gấp đôi so với người dân trồng rừng bán gỗ non trước đó. Trong thời gian trồng rừng, người dân nếu khó khăn về tài chính thì công ty sẽ hỗ trợ 4 triệu đồng/ha/năm.
Tuy nhiên, để phát triển được nguồn nguyên liệu gỗ hiệu quả, chất lượng thì cần sự hỗ trợ của các cơ quan chức năng, nhất về cây giống chất lượng, năng suất cao. Vì hiện nay, diện tích rừng trồng của Việt Nam rất manh mún, chất lượng không đồng đều, năng suất rất thấp. Cụ thể như năng suất rừng keo mới đạt mức 10-15m3/ha/năm, trong khi, các nước khác trong khu vực là 15-20m3/ha/năm.
Một hạn chế nữa của ngành chế biến sản phẩm gỗ của Việt Nam là chưa chú ý đúng mức xuất khẩu nhóm sản phẩm giá trị gia tăng cao mà còn xuất khẩu nhiều sản phẩm dăm gỗ, tốn nguyên liệu và dựa vào lao động giá rẻ.
Năm 2017, các doanh nghiệp xuất khẩu khoảng 8 triệu tấn sản phẩm dăm khô và tiêu thụ đến 16 triệu m3 bột gỗ với giá chỉ từ 120-124 USD/tấn và thu về dưới 1 tỷ USD. Trong khi, với sản phẩm ghế ngồi chỉ cần tốn 1/5 so với số lượng nguyên liệu dăm gỗ thì thu về hơn 1,2 tỷ USD.
Để tạo ra sản phẩm giá trị cao đòi hỏi phải có đội ngũ thiết kế giỏi, chuyên nghiệp và có kinh nghiệm. Điều này rất cần sự hỗ trợ của các bộ, ngành chức năng trong việc đào tạo nguồn nhân lực cho ngành gỗ từ khâu quản trị doanh nghiệp đến thiết kế…Quan trọng hơn, doanh nghiệp cần rà soát, tái cơ cấu để đầu tư trang thiết bị, máy móc, công nghệ, đội ngũ thiết kế, chuyển dần sang sản xuất những sản phẩm có giá trị cao.
Về việc xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm gỗ Việt Nam, nhiều doanh nghiệp rất tự tin. Thực tế, một số doanh nghiệp Việt Nam đã tham gia thiết kế các công trình nội thất cho nhiều khách sạn 5 sao trong nước và thế giới với hợp đồng hàng triệu đô la Mỹ. Để quy tụ được đội ngũ này, hàng năm các bộ, ngành chức năng nên tổ chức cuộc thi quốc gia về các thiết kế nội thất. Đồng thời, các đơn vị chức năng nên hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng thương hiệu.
Từng thương hiệu của các doanh nghiệp sẽ là điểm sáng tập hợp thành bức tranh cho thương hiệu sản phẩm đồ gỗ Việt Nam. Trước mắt, điều doanh nghiệp đang mong đợi hiện nay là có một trung tâm triển lãm, giới thiệu, giao dịch thương mại về sản phẩm đồ gỗ của Việt Nam, nên đặt tại tỉnh Bình Dương hoặc TPHCM.
Theo VOV
Ông Huỳnh Văn Hạnh, Phó Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TP.HCM kiến nghị Nhà nước ứng vốn để xây dựng trung tâm triển lãm quốc gia có diện tích từ 60.000 - 80.000 m2 để các doanh nghiệp trưng bày sản phẩm. Sau đó, nhà nước cho đấu thầu và hoàn lại vốn trong thời gian hợp lý nhà nước không mất vốn.
Trước những tồn tại của ngành gỗ, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo tiếp tục tục quản trị rừng và hợp tác các loại hình để phát triển rừng trồng có năng suất, hiệu quả cao, hạn chế và tiến tới sử dụng gỗ rừng tự nhiên nhập khẩu, đảm bảo thị trường xuất khẩu ổn định. Bộ NN&PTNT tham mưu cho Chính phủ để tiếp tục xây dựng thể chế, chính sách, pháp luật tạo điều kiện cho ngành gỗ phát triển nhanh, bền vững.
Nếu các bộ, ngành chức năng tích cực triển khai đồng bộ những giải pháp tháo gỡ khó khăn, hạn chế nêu trên thì ngành chế biến gỗ Việt Nam trong năm tới có thể đạt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu từ 10 - 11 tỷ USD và đến 2025 đạt từ 18 - 20 tỷ USD.
Việt Nam sẽ không chỉ xuất khẩu sản phẩm đồ gỗ mà còn xuất khẩu không gian thiết kế nội thất đồ gỗ với nhiều hàm lượng chất xám và giá trị gia tăng cao. Và tương lai không xa, Việt Nam sẽ sớm có tên trên bản đồ thương hiệu sản phẩm đồ gỗ của thế giới./.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn