Bằng việc triển khai những mô hình điểm, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, đưa giống cây - con mới có đặc tính ưu việt vượt trội... vào sản xuất, những năm gần đây, Trung tâm Khuyến nông Hà Nội đã giúp nông dân tăng thu nhập và có việc làm ổn định. Tuy nhiên, sau các mô hình điểm, việc nhân rộng vẫn còn nhiều vướng mắc cần tháo gỡ.
|
Mô hình nuôi cá lồng ở hồ Đồng Sương (huyện Chương Mỹ, Hà Nội). |
Vụ xuân năm nay, người dân xã Tuyết Nghĩa (Quốc Oai) phấn khởi tham gia mô hình cấy lúa bằng máy với giống lúa Kim Cương 111 do Công ty cổ phần Giống cây trồng Miền Nam cung cấp trên quy mô 10ha. Giống lúa này đạt năng suất (trên 60 tạ/ha) và chất lượng cao, có đặc tính vượt trội về khả năng chống chịu thời tiết bất lợi và kháng một số loại sâu bệnh. Giám đốc HTX Liên Thôn (xã Tuyết Nghĩa) Hoàng Văn Nhân cho biết: Mô hình được triển khai đồng thời 3 tiến bộ kỹ thuật mới, gồm: Sản xuất mạ khay bằng dây chuyền gieo mạ tự động, cấy lúa bằng máy và thử nghiệm giống lúa mới.
Hiện nay, lúa đang sinh trưởng và phát triển tốt. “Mô hình điểm sẽ giúp nông dân so sánh giống lúa mới với các giống đang sử dụng phổ biến ở địa phương, đồng thời xem hiệu quả kinh tế giữa cấy lúa truyền thống với cấy lúa bằng máy để mở rộng diện tích các vụ sau, hướng tới nền sản xuất hiện đại, quy mô lớn” - ông Nhân nhấn mạnh.
Theo Trưởng phòng Khuyến nông trồng trọt (Trung tâm Khuyến nông Hà Nội): Ngoài Quốc Oai, mô hình trình diễn giống lúa mới năng suất, chất lượng cao còn được triển khai tại các huyện Ba Vì, Phúc Thọ, Thạch Thất, Quốc Oai, Chương Mỹ, Thanh Oai, Ứng Hòa, Mỹ Đức, Phú Xuyên, Mê Linh với quy mô 200ha. Hầu hết các điểm đang triển khai mô hình, lúa đều sinh trưởng và phát triển tốt.
Cùng với mô hình cấy lúa bằng máy với giống lúa mới, Trung tâm Khuyến nông Hà Nội cũng triển khai mô hình nuôi gà Ai Cập sinh sản. Đầu tháng 3 vừa qua, Trung tâm đã hỗ trợ 2 xã Cát Quế và Tiền Yên (Hoài Đức) thực hiện mô hình với quy mô 10.000 con (bình quân 500 - 1.000 con/hộ). Khi triển khai, Trung tâm hỗ trợ 100% giống, 30% thức ăn cho gà từ 7 đến 20 tuần tuổi.
Trưởng phòng Khuyến nông chăn nuôi thủy sản (Trung tâm Khuyến nông Hà Nội) Nguyễn Hồng Sơn cho biết: Các hộ tham gia mô hình hoàn toàn tự nguyện, cam kết thực hiện chăn nuôi theo đúng quy trình hướng dẫn kỹ thuật, có đủ điều kiện cơ sở vật chất về chuồng trại, trang thiết bị chăn nuôi, bố trí đủ vốn đối ứng, nhân lực lao động theo yêu cầu. Theo chương trình khuyến nông chăn nuôi năm 2017, mô hình chăn nuôi gà Ai Cập sinh sản có quy mô là 50.000 con, được thực hiện trên địa bàn 5 huyện.
Theo Trung tâm Khuyến nông Hà Nội, từ đầu năm đến nay, Trung tâm này đã triển khai 10 dạng mô hình khuyến nông, gồm 3 mô hình trồng trọt và 7 mô hình chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản. Các mô hình được đánh giá cho hiệu quả kinh tế cao, sức lan tỏa rộng... Trung tâm cũng tiếp tục hướng dẫn thực hiện mô hình nuôi dê sinh sản năm thứ 2 ở các huyện Thạch Thất và Quốc Oai. Hiện nay, đàn dê ở 2 huyện này sinh trưởng và phát triển tốt. Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Nội Vũ Thị Hương nhìn nhận: Việc triển khai mô hình khuyến nông được người dân đón nhận rất tốt, cho giá trị kinh tế cao, nhưng khó khăn lớn nhất vẫn là duy trì và nhân rộng sau mô hình điểm có hỗ trợ.
Thực tế cho thấy, các mô hình khuyến nông đang được đầu tư triển khai dàn trải, manh mún, thiếu định hướng về thị trường để phát triển lên quy mô sản xuất hàng hóa. Đáng chú ý, một số mô hình chưa giải quyết được "đầu ra" cho sản phẩm; việc nhân rộng mô hình còn khó khăn do chưa có cơ chế hỗ trợ sau mô hình điểm...
Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ cho biết: Để các mô hình khuyến nông đạt hiệu quả và có thể nhân rộng, cần thay đổi chính sách, nhất là chính sách hậu mô hình; củng cố và nâng cao chất lượng cán bộ khuyến nông cơ sở; tạo điều kiện cho người dân tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi... Khi xây dựng mô hình, cần gắn với thị trường, tăng cường liên kết “bốn nhà” (nhà nông, nhà nước, nhà khoa học và nhà doanh nghiệp) để giải quyết vấn đề tiêu thụ cho nông dân - một trong những yếu tố có tính chất quyết định đến hiệu quả kinh tế.