Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường.
PV: Bộ trưởng có thể khái quát bức tranh “tam nông” khi nhìn lại 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn?
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường: Thực hiện 10 năm nghị quyết 26 theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 7 khóa X, có thể khẳng định: Đây là Nghị quyết trúng và đúng, đáp ứng yêu cầu thực tiễn, do đó Nghị quyết đã đi vào cuộc sống một cách nhanh chóng và nhận được sự đồng tình, ủng hộ của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. 10 năm thực hiện Nghị quyết đã tạo ra một bước ngoặt lớn cho toàn ngành nông nghiệp.
Thứ nhất là giúp toàn xã hội nhận thức đúng vai trò, vị thế của người nông dân cũng như vai trò quan trọng của nông nghiệp và vấn đề xây dựng nông thôn mới. Từ nhận thức đó, chuyển biến thành sự chỉ đạo quyết liệt của cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương, tạo sức lan tỏa đến các thành phần kinh tế xã hội. Thời gian qua, từ việc thực hiện Nghị quyết này, chúng ta đã làm được nhiều việc. Cụ thể, trong 10 năm qua đã cho ra đời Luật Đất đai 2013, Luật Hợp tác xã 2012, riêng luật chuyên ngành, đã hình thành 9 bộ luật trong giai đoạn này.
Chỉ riêng chương trình mục tiêu xây dựng nông thôn mới, chúng ta đầu tư 1,7 triệu tỷ trong vòng 10 năm vào khu vực nông thôn mới. Trong đó ngân sách nhà nước chiếm 28%, người dân và cộng đồng đóng góp 15,82%. Từ những cái chung đó có thể thấy rõ những kết quả đạt được: Sản xuất nông nghiệp được củng cố và phát triển lên tầm cao mới. Điều này thể hiện qua những trụ cột của tái cấu trúc kinh tế nông nghiệp: Một là, Việt Nam tiếp tục trở thành một trong những quốc gia có sức sản xuất nông nghiệp rất lớn, đáp ứng cho nhu cầu của 100 triệu dân và cũng là một trong những nước đứng top đầu về xuất khẩu nông sản. Hiện, hàng nông sản của Việt Nam đã đặt chân đến 180 quốc gia vùng lãnh thổ…
Thưa Bộ trưởng, ông có thể nêu rõ kết quả cụ thể đối với từng lĩnh vực mà Nghị quyết “tam nông” đã lan tỏa?
- Điểm nổi bật là nhận thức của nông dân đã thay đổi. Đành rằng, hiện nay chúng ta sản xuất dựa trên quy mô hộ là phần đông nhưng nông dân đã trưởng thành, nhiều mô hình trang trại được xây dựng, nhiều nông hộ đã có ý thức liên kết với DN để tạo thành chuỗi sản xuất khép kín từ đầu vào đến đầu ra...Tất cả cho thấy sự trưởng thành về nhận thức của nông dân, đây là tiền đề để nông dân Việt Nam có thể tiếp xúc với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, với khoa học kỹ thuật hiện đại, tiên tiến. Điều rất phấn khởi là thu nhập của người nông dân tăng lên rõ rệt, vượt xa mục tiêu Nghị quyết đề ra.
Nghị quyết đặt ra mục tiêu khái quát là trong vòng 10 năm, tăng 2,5 lần mức thu nhập của người dân ở vùng nông thôn. Vào năm 2008, thu nhập trung bình của người dân vùng nông thôn là 9,1 triệu đồng/người/năm. Đến năm 2017, mức thu nhập đã đạt 32 triệu đồng/người/năm, tăng 3,6 lần so với năm 2008. Ước tính con số này sẽ tăng lên 36 - 37 triệu đồng/người/năm trong năm 2018.
Đối với phát triển nông thôn, nhiều khả năng chúng ta sẽ vượt mục tiêu (đến năm 2020, 50% số xã trên cả nước đạt chuẩn nông thôn mới), vì với những kết quả đạt được cho đến thời điểm này, ước tính năm 2019, sẽ có 50% số xã đạt chuẩn nông thôn mới. Đó là những kết quả đáng ghi nhận kể từ khi chúng ta thực hiện Nghị quyết “tam nông”.
Hội nhập kinh tế, cách mạng công nghiệp 4.0 đang đặt ra nhiều cơ hội cũng như thách thức đối với sự phát triển nông nghiệp, nông dân và nông thôn Việt Nam. Theo Bộ trưởng, đó là những cơ hội, thách thức gì?
- Tôi cho rằng, các tiến bộ khoa học kỹ thuật của cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ mở ra triển vọng phát triển kinh tế cho Việt Nam nói chung và nền kinh tế nông nghiệp nói riêng. Có thể khẳng định, đây là cơ hội rất tốt để nông nghiệp, nông dân, nông thôn Việt Nam vươn lên trong quá trình công nghiệp hóa. Tuy nhiên, song hành với các cơ hội cũng có không ít thách thức. Hội nhập toàn cầu cũng gây áp lực cho sản xuất nông nghiệp trong nước.
Và để bước qua những thách thức đó, chúng ta cần phải làm một số việc quan trọng. Thứ nhất, phải tổ chức thật nhanh nền sản xuất nhỏ quy mô nông hộ thành liên kết sản xuất lớn. Yếu tố này phải làm bằng được nếu muốn tái cơ cấu ngành nông nghiệp thành công. Thách thức thứ 2 là biến đổi khí hậu. Càng ngày, biến đổi khí hậu càng ảnh hưởng cực đoan đến sản xuất nông nghiệp, chúng ta phải đối diện và vượt qua được những rủi ro mà biến đổi khí hậu gây ra. Thứ 3, hội nhập cũng đặt ra áp lực lớn về cạnh tranh, các hàng hóa ngoại nhập ngày càng tràn vào trong nước, nếu không nỗ lực, cố gắng nâng sức cạnh tranh, chúng ta sẽ thua ngay trên sân nhà.
Trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!
Minh Phương (ghi)/ Đại đoàn kết
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn