Ảnh minh họa
Chiều 8/9, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chủ trì cuộc đối thoại giữa đại diện một số hiệp hội doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thực phẩm, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, các bộ, ngành liên quan về những bất cập trong quản lý an toàn thực phẩm đối với các doanh nghiệp.
Trên tinh thần trao đổi thắng thắn, ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) đề nghị Chính phủ và Bộ Y tế bãi bỏ quy định cấp giấy chứng nhận phù hợp quy định an toàn thực phẩm tại Nghị định 38, thay bằng Bản đăng ký chất lượng thực phẩm vì thủ tục này gây nhiều khó khăn cho doanh nghiệp.
Đại diện VASEP cũng nêu quan điểm Luật an toàn thực phẩm đã quy định doanh nghiệp chỉ có trách nhiệm đăng ký công bố hợp quy về ATTP mà không phải xin xác nhận của cơ quan nhà nước. Việc cấp xác nhận công bố phù hợp với quy định ATTP không làm thay đổi trách nhiệm của doanh nghiệp về ATTP đối với sản phẩm được công bố, nhưng lại dễ bị lạm dụng biến thành cấp phép, dẫn đến xin cho trên thực tế.
Trước đề xuất của VASEP, ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế nêu quan điểm chưa đồng ý đề xuất cho phép doanh nghiệp tự công bố phù hợp an toàn thực phẩm. Theo ông Phong nếu để doanh nghiệp tự công bố sản phẩm có thể gây nhầm lẫn cho người dùng, khó xử lý nếu việc công bố có các loại phụ gia thực phẩm, các loại dược liệu bị cấm hay khuyến cáo không sử dụng, các chỉ tiêu an toàn về vi sinh vật, kim loại nặng vượt mức cho phép…
Chủ trì cuộc họp, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nêu câu hỏi : ““Vậy có phải tất cả các sản phẩm thực phẩm đều như vậy hay có thể phân loại thành thực phẩm chỉ cần công bố nhưng những thực phẩm có nguy cơ cao thì buộc phải có xác nhận?” Phó Thủ tướng cũng chỉ rõ một số quy định về ghi trên nhãn, chỉ tiêu về hàm lượng kim loại, vi sinh vật… thì đương nhiên trong quy định của pháp luật đã có, doanh nghiệp vi phạm thì sẽ bị xử lý theo quy định, đây là trách nhiệm của các doanh nghiệp.
Trước ý kiến của các Hiệp hội và doanh nghiệp, đại diện Lãnh đạo Bộ Khoa học và Công nghệ cam kết phối hợp chặt chẽ với Bộ Y tế tiến hành thẩm định, công nhận các quy chuẩn, quy trình kỹ thuật đã có đầy đủ (hiện chiếm khoảng 60-70% số quy định công nhận phù hợp ATTP) trong thời gian không quá 30 ngày.
Còn Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Quốc Cường khẳng định, Bộ sẽ tiếp thu các ý kiến theo hướng doanh nghiệp có văn bản công bố phù hợp với quy định an toàn thực phẩm, gửi lên Cục An toàn thực phẩm theo hệ thống điện tử, sau một tuần cơ quan quản lý không có ý kiến, doanh nghiệp sẽ được triển khai thực hiện. Thứ trưởng cũng nêu rõ đối với một số nhóm thực phẩm có nguy cơ cao đến sức khỏe con người như sữa, thực phẩm công thức dinh dưỡng cho trẻ em; thực phẩm chức năng; phụ gia thực phẩm… cần có cơ chế kiểm soát phù hợp.
Theo Mạnh Nguyên/congly.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn