Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa chưa được quy định rõ ràng trong Nghị định số 42/2012/NĐ-CP nhằm đáp ứng mục tiêu giữ 3,8 triệu ha đất trồng lúa nhưng sử dụng một cách linh hoạt, hiệu quả.
Thêm vào đó, quy định bắt buộc các dự án bóc lớp đất mặt và bù bổ sung diện tích đất chuyên trồng lúa nước bị mất khi chuyển sang sử dụng với mục đích phi nông nghiệp là không khả thi, khó áp dụng trong thực tế, mặc dù Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có Thông tư số 30/2013/TT-BNNPTNT hướng dẫn; quy định chặt chẽ không được phép chuyển đất chuyên trồng lúa nước sang sử dụng vào mục đích phát triển kinh tế, đô thị gây khó khăn cho phát triển công nghiệp, dịch vụ ở nhiều địa phương, nhất là địa phương vùng đồng bằng.
Ngoài ra, việc quy định mọi trường hợp trước khi chuyển mục đích sử dụng đất chuyên trồng lúa nước sang sử dụng vào mục đích phi nông nghiệp phải báo cáo Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xem xét, trình Thủ tướng Chính phủ chấp thuận gây ảnh hưởng đến tiến độ triển khai các dự án, công trình, cũng như thực hiện xây dựng nông thôn mới.
Vì vậy, tại dự thảo, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đề xuất một số quy định mới về quản lý và sử dụng đất trồng lúa. Cụ thể là quy định về chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa. So với Nghị định số 42/2012/NĐ-CP đây là quy định mới về điều kiện chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng cây hàng năm hoặc trồng lúa kết hợp nuôi trồng thủy sản theo hướng người sử dụng đất được phép chuyển đổi nhưng phải đảm bảo duy trì mặt bằng, chất lượng đất, hạ tầng kỹ thuật để quay trở lại trồng lúa khi cần thiết và đất trồng lúa được chuyển đổi vẫn được thống kê là đất trồng lúa.
Về quy định điều kiện chuyển đất trồng lúa sang sử dụng vào mục đích phi nông nghiệp, dự thảo đề xuất quy định người được nhà nước giao đất, cho thuê đất để sử dụng vào mục đích phi nông nghiệp từ đất chuyên trồng lúa nước phải nộp một khoản tiền bằng 50% tiền giá đất chuyên trồng lúa nước trên địa bàn theo quy định cho UBND cấp tỉnh để tổ chức thực hiện khai hoang, phục hoá, bóc lớp đất mặt để cải tạo các vùng đất trồng lúa kém chất lượng, đất trồng trọt khác thành đất chuyên trồng lúa nước hoặc tăng hiệu quả sử dụng đất trồng lúa trên địa bàn.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, mức phải nộp 50% là mức trung bình được tính toán trên cơ sở so sánh giữa dự toán chi phí bóc lớp đất mặt để cải tạo các vùng đất trồng lúa kém chất lượng, đất trồng trọt khác thành đất chuyên trồng lúa nước so với giá đất chuyên trồng lúa nước trên địa bàn của một số địa phương.
Cũng theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tại dự thảo, trách nhiệm của người sử dụng đất trồng lúa về cơ bản được đề xuất tương tự như Nghị định số 42/2012/NĐ-CP, tuy nhiên để tạo thuận lợi, khuyến khích nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, dự thảo đề xuất quy định khi chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa chỉ cần báo cáo UBND cấp xã, mà không cần phải được chấp thuận hoặc cấp phép của cấp xã.
Theo baodientu.chinhphu.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn