Liên kết sản xuất với ND
Tại Quảng Nam đang có hàng trăm HTX dịch vụ nông nghiệp được củng cố và phát triển mạnh, từ đó không những làm tốt vai trò “bà đỡ” trong các lĩnh vực sản xuất nông nghiệp mà còn giúp cho nông dân thay đổi cách nghĩ, cách làm để phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập và xóa đói giảm nghèo bền vững. Điển hình như ở huyện Điện Bàn, hầu hết các HTX Dịch vụ nông nghiệp và Kinh doanh tổng hợp (DVNN-KDTH) đều kinh doanh hiệu quả và phát huy tốt vai trò của mình trong xây dựng NTM cũng như chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở địa phương này. Ông Nguyễn Đức Kỉnh – Giám đốc HTX DVNN-KDTH Điện Phước 2 cho biết, trước đây đơn vị chỉ làm các dịch vụ chính, như điện, thủy lợi, cung ứng vật tư nông nghiệp… do đó hiệu quả kinh doanh không cao. Những năm gần đây, thực hiện theo chủ trương xây dựng NTM, HTX đã mạnh dạn liên kết với bà con nông dân trên địa bàn đưa các giống lúa chất lượng, năng suất cao vào sản xuất. Hiện nay, bình quân mỗi năm HTX sản xuất trên 120ha lúa giống, cung ứng trên 350 tấn ra thị trường. Với đầu ra ổn định, giá cả cao hơn so với sản xuất lúa thường nên doanh thu của HTX tăng lên nhiều lần so với trước đây, lợi nhuận cũng không ngừng tăng.
Cũng nằm trên địa bàn xã Điện Phước, nhưng HTX DVNN-KDTH Điện Phước 1 đã có những thành công đáng kể hơn trong việc sản xuất lúa giống và trở thành đơn vị dẫn đầu của Quảng Nam về lĩnh vực này. Ông Nguyễn Mạnh Hùng – Phó Giám đốc HTX này khẳng định: Vai trò của đơn vị trong xây dựng NTM của xã thời gian qua là hết sức quan trọng, chúng tôi đã góp phần nâng cao thu nhập cho bà con thông qua việc liên kết sản xuất lúa giống. Ông Hùng cho biết thêm, mấy năm gần đây, HTX đã tập trung xây dựng các cánh đồng mẫu sản xuất lúa giống, trong đó đã đưa vào sản xuất trên 65ha và đang tiếp tục hoàn thành khoảng 60ha. Hiện nay, giá trị bình quân 1ha cho doanh thu trên 100 triệu đồng và mỗi năm đơn vị sản xuất từ 1.200 - 1.400 tấn lúa giống… Năm 2013 vừa qua, tổng doanh thu của HTX trên 17 tỷ đồng, trừ các chi phí còn lợi nhuận trên 400 triệu đồng. Dự kiến năm 2014 lợi nhuận sẽ cao hơn năm ngoái.
Bao tiêu sản phẩm
Việc liên kết sản xuất lúa giống của các HTX trên địa bàn Quảng Nam không chỉ dừng lại ở chỗ sản xuất đơn thuần, mà các đơn vị này còn thực hiện khâu quan trọng nhất là bao tiêu đầu ra sản phẩm cho người nông dân. Ngay từ đầu vụ HTX đã lựa chọn một số doanh nghiệp có uy tín để ký hợp đồng hợp tác sản xuất lúa giống. Từ nguồn giống của các đơn vị này, HTX cung ứng giống chất lượng cho bà con để gieo sạ. Sau đó bà con bán lúa cho HTX với giá cao hơn thị trường 500 đồng/kg.
“Chúng tôi phục vụ sản xuất lúa giống cho bà con nông dân từ A tới Z, có nghĩa là cung cấp giống, làm đất, gieo sạ, chăm sóc, bán phân nợ… đến khi lúa chín bà con chỉ có việc gặt rồi cân bán cho HTX. Trước đây, bà còn nông dân làm lúa vài sào đã thấy cực, bây giờ một người có thể làm cả ha lúa nhưng vẫn sướng. Đặc biệt, làm lúa giống năng suất lại cao, giá cả ổn định, bà con thấy vậy mà phấn khởi hẳn lên…” - ông Kỉnh chia sẻ.
Ông Nguyễn Đức Chơi - Trưởng phòng NNPTNT huyện Điện Bàn cho biết, hiện toàn huyện có 29 HTX và 6 tổ hợp tác. Các đơn vị này có những đóng góp lớn cho phát triển của ngành nông nghiệp cũng như xây dựng NTM.
Theo danviet.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn