Ánh sáng của sự đồng thuận
Là địa phương “vùng khó” của huyện Như Xuân, thời gian qua, cùng với việc triển khai các chương trình phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, Đảng ủy, UBND xã Thanh Xuân đã chỉ đạo các tổ chức, đoàn thể trong xã triển khai thực hiện mô hình “Điện sáng đường quê”, bước đầu tạo được sức lan tỏa và có ý nghĩa thiết thực. Có “mục sở thị” mới thấy ánh điện từ các con đường liên thôn, bản vừa mang lại diện mạo mới cho thôn, bản, vừa góp phần bảo đảm an ninh trật tự, an toàn giao thông trên địa bàn.
Dẫn chúng tôi đi tham quan hệ thống cột điện, đèn đường, bác Hồ Thanh Tùng, bí thư chi bộ thôn Lâm Chính, vui vẻ cho biết, sau khi thống nhất chủ trương, dự toán kinh phí để thực hiện dựa trên số km đo đạc ở thôn, chúng tôi đã họp dân, bàn bạc công khai, dân chủ và được sự nhất trí cao của hơn 100 hộ trong thôn. Thế là, chỉ sau 2 tháng, từ nguồn “kích cầu” của huyện và hỗ trợ của xã, chúng tôi đã vận động nhân dân đóng góp hơn 30 triệu đồng để lắp đặt hệ thống đèn compact trên các cây cột kiên cố với tổng kinh phí hơn 70 triệu đồng, thắp sáng hơn 1,2 km đường trong thôn.
Theo đồng chí Phạm Văn Tiên, Chủ tịch UBND xã Thanh Xuân: Năm 2017, với mục tiêu bảo đảm an ninh trật tự, giảm tai nạn giao thông, tạo điều kiện cho người dân đi lại thuận lợi, khi huyện có chủ trương hỗ trợ các xã vùng khó như Thanh Xuân 30 triệu đồng/1km đường điện chiếu sáng, Đảng ủy xã Thanh Xuân phát động chương trình này đến tất cả các chi bộ, thôn, bản. Sau khi bàn bạc, thống nhất về điều kiện thực tế, xã đã chọn thôn Lâm Chính để triển khai thực hiện điểm. Thời kỳ đầu khi mới triển khai thực hiện chương trình, xã gặp không ít khó khăn, nhưng sau khi được tuyên truyền, vận động cùng với sự nỗ lực của các cấp ủy đảng, chính quyền, đội ngũ cán bộ, đảng viên, người dân trong xã đều hiểu rõ lợi ích do chương trình mang lại, do đó đã nhiệt tình hưởng ứng và tích cực tham gia. Cùng với nguồn hỗ trợ của huyện, xã Thanh Xuân đã trích nguồn kinh phí hỗ trợ mỗi thôn 10 triệu đồng để lắp đặt công tơ và các chi phí khác. Từ thôn Lâm Chính, đến nay, bà con 3 thôn: Đồng Phống, Thanh Đồng, Xuân Hòa, đã đóng góp tiền, công xây dựng được hơn 4km đường điện chiếu sáng. Điện “đi” đến đâu là mang theo niềm vui, phấn khởi cho bà con đến đó. Có điện sáng, hình ảnh các con đường thôn thay đổi hẳn vào ban đêm, không chỉ thuận tiện cho người dân đi lại, thể dục thể thao, giảm thiểu tai nạn giao thông mà an ninh trật tự thôn, làng được đảm bảo, tai nạn giao thông giảm hẳn.
Cũng như ở xã Thanh Xuân, trong quá trình xây dựng nông thôn mới ở địa phương, Đảng ủy xã Yên Lễ đã phối hợp với các cấp, các ngành, tranh thủ sự hỗ trợ của huyện, sự ủng hộ của các tổ chức xã hội, các doanh nghiệp, nhất là phát huy nội lực trong nhân dân để đóng góp kinh phí, tham gia ngày công xây dựng hệ thống đèn chiếu sáng trên các tuyến đường. Ngay sau khi ra quân (tháng 10-2017), đoạn đường đi qua 4 thôn: Thanh Yên, Thấng Sơn, Trung Thành, Mỹ Dé đã được hoàn tất hệ thống trụ cột, dây dẫn và đèn chiếu sáng với tổng chiều dài 6,5km, kinh phí gần 300 triệu đồng. Đến nay, cả 12 thôn trên địa bàn xã Yên Lễ đều xây dựng được hệ thống điện chiếu sáng với tổng số hơn 51 km, là địa phương dẫn đầu toàn huyện trong phong trào “Điện sáng đường quê”.
Khi mặt trời xuống núi cũng là lúc hệ thống điện thắp sáng đường quê thôn Mỹ Dé bật sáng. Đi dọc tuyến đường, bác Lê Đình Tuấn, bí thư thôn Mỹ Dé (xã Yên Lễ), phấn khởi cho biết: Có điện thắp sáng, con đường đi lại của người dân trong thôn cũng đỡ vất vả hơn, bà con cũng thuận tiện hơn trong việc vận chuyển hàng hóa nông, lâm sản. Dùng bóng đèn compact tiết kiệm điện, mỗi hộ cũng chỉ tốn có 10.000-15.000 đồng/tháng. Bà con hiểu rằng, có hệ thống điện chiếu sáng không chỉ góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống người dân, mà còn giảm thiểu tai nạn giao thông và bảo đảm tốt an ninh trật tự trên địa bàn. Con đường về nhà giờ đã không còn buồn tẻ, càng không phải lo lắng khi đi về buổi tối...
Dấu ấn đậm nét
Nhận thấy hiệu quả của mô hình “Điện sáng đường quê” ở các thôn, bản, lãnh đạo UBND huyện Như Xuân đã khuyến khích chính quyền các địa phương và người dân nhân rộng mô hình này ra khắp địa bàn huyện. Để tạo “cú hích” các xã tiếp tục đầu tư xây dựng hệ thống điện chiếu sáng công cộng trong năm 2017 và những năm tiếp theo, tháng 1-2017, UBND huyện Như Xuân đã xây dựng cơ chế khuyến khích hỗ trợ cho các xã triển khai thực hiện xây dựng hệ thống chiếu sáng công cộng. Theo đó, các xã đầu tư xây dựng hệ thống điện chiếu sáng công cộng đảm bảo về quy mô và quy cách vật tư, vật liệu xây dựng sẽ được hỗ trợ 30 triệu đồng/1 km đối với 6 xã vùng “6 Thanh” (xã đặc biệt khó khăn), các xã còn lại hỗ trợ 15 triệu đồng/1 km (trừ các xã đạt chuẩn nông thôn mới và thị trấn Yên Cát). Đến nay, qua 2 năm triển khai, toàn huyện đã vận động thực hiện được gần 180 km đường điện tại các tuyến giao thông thôn, bản cùng sự tham gia hàng ngàn ngày công của người dân với tổng vốn đầu tư hơn 18 tỷ đồng, trong đó, ngân sách huyện hỗ trợ hơn 1,8 tỷ đồng, vốn huy động nhân dân, các đơn vị, doanh nghiệp ước gần 11,7 tỷ đồng; nhân dân đóng góp ngày công, vật liệu gần 4,5 tỷ đồng... Để mô hình đi vào hoạt động có nền nếp, lãnh đạo các địa phương giao cho các tổ chức đoàn thể, như: Hội phụ nữ, hội cựu chiến binh, đoàn thanh niên chịu trách nhiệm quản lý, vận hành, đảm bảo các tiêu chí về môi trường, văn minh.
Anh Lê Trung Hoa, ở thôn Lâm Chính, xã Thanh Xuân, chia sẻ: Trước đây đường thôn tối mịt. Từ khi có điện, địa phương ngày càng được thay da, đổi thịt, không phải chứng kiến sự đau lòng do tai nạn giao thông gây ra, hay những ngày vào vụ với những chuyến xe chở lâm sản, sắn, ngô về nhà gập ghềnh trong bóng đêm. Mô hình này cũng đã góp phần nâng cao hiệu quả công tác tuần tra, kiểm soát an ninh trật tự của thôn, xã...
Khi đề cập đến đề tài điện sáng đường quê, Chủ tịch UBND huyện Lê Sỹ Nghiêm tỏ ra rất hào hứng, anh cho biết: Điện sáng đường quê, không chỉ có mình ý nghĩa là làm “sáng đường”, mà còn “sáng đầu” vì đó là “cuộc cách mạng” làm thay đổi nhận thức của người dân, xóa bỏ đi sự trông chờ, ỷ lại của người dân miền núi. Trước đây, những con đường liên thôn, liên bản chưa được lắp đặt hệ thống chiếu sáng, người dân rất ngại ra đường vào buổi tối. Nhưng bây giờ, có điện sáng người dân thường xuyên sang nhà nhau để trao đổi, học tập kinh nghiệm phát triển kinh tế, thắt chặt tình đoàn kết làng xóm. Cũng từ khi có điện tình trạng mất trật tự công cộng, trộm cắp tài sản giảm hẳn. Mặc dù mới triển khai thực hiện trong thời gian chưa lâu, nhưng mô hình “Điện sáng đường quê” đã trở thành dấu ấn đậm nét bởi tính hiệu quả của nó. Bà con mong muốn mô hình này sẽ tiếp tục nhân rộng ở khắp các địa phương trong huyện, góp phần làm thay đổi bộ mặt nông thôn miền núi huyện Như Xuân ngày càng văn minh, hiện đại...
Tác giả bài viết: Phan Nga
Nguồn tin: baothanhhoa.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn