Ông Trần Tuấn Anh, Thứ trưởng Bộ Công Thương cho biết, xuất khẩu (XK) nông sản 4 tháng đầu năm nay có sự sụt giảm quá lớn. Nguyên nhân trước hết là do năm 2015, biến động trên thị trường thế giới tương đối bất ngờ, cân đối cung cầu thay đổi nhiều. Một số sản phẩm như gạo, thủy sản, cao su… nguồn cung trên thị trường thế giới tăng nhờ các nước khác như Ấn Độ, Thái Lan, Myanmar, Campuchia đều tăng lượng XK. Một số mặt hàng khác mặc dù sản lượng không thay đổi, nhưng cầu tương đối yếu, khiến giá liên tục giảm, thậm chí giảm sâu như càphê, thủy sản.
Lãnh đạo TT Khuyến nông Quốc gia tham quan mô hình trồng vải thiều theo tiêu chuẩn GlobalGAP
để chuẩn bị XK đi Mỹ tại Lục Ngạn (Bắc Giang).
Trong khi đó, sức chống đỡ với biến động thị trường của nước ta quá yếu, do sự cố hữu của nền sản xuất trong nước, thiếu tầm chiến lược, tổ chức sản xuất vẫn dựa trên hộ cá thể dẫn tới quy mô sản xuất, ứng dụng khoa học công nghệ, năng suất lao động và chất lượng sản phẩm chậm cải thiện. Năng lực của doanh nghiệp (DN), kể cả chế biến XK thủy sản, cao su, chế biến XK gạo về mặt tài chính và thị trường còn yếu. Đây là những nguyên nhân gây nên sự sụt giảm XK trong bối cảnh toàn cầu hóa đang diễn ra nhanh và mạnh, tạo ra áp lực lớn cả thị trường quốc tế và nội địa.
Ông Nguyễn Trọng Thừa, Cục trưởng Cục Chế biến nông lâm thủy sản và Nghề muối cho hay, vừa qua, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã kiểm tra, rà soát lại các khu vực sản xuất ở các địa phương, làm việc với các hiệp hội ngành hàng, đặc biệt là các DN có kim ngạch XK lớn. Các DN có chung nhận định, các nước đang trở về xu thế muốn tự cung cấp, phấn đấu tăng sản xuất nội địa, giảm NK. Tỷ giá ngoại tệ giảm dẫn đến khó khăn cho XK. DN kinh doanh nông sản của nước ta chủ yếu vẫn là DN nhỏ và vừa, chưa xây dựng được thương hiệu nên XK nông sản lệ thuộc vào sự đặt hàng của các đối tác nước ngoài.
Ông Nguyễn Hữu Dũng, Phó chủ tịch Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam, cho biết, thủy sản từng chiếm đến 25% giá trị XK của nhóm hàng nông, lâm, thủy sản nói chung, nhưng từ đầu năm đến nay, kim ngạch giảm tới hơn 20% so với cùng kỳ 2014. Năm 2014, XK thủy sản thắng lớn quá, các đối tác nhập khẩu nhiều, dẫn đến đầu năm nay lượng hàng tồn của họ tăng lên, nhu cầu nhập giảm đi. Chúng ta cần bình bĩnh đánh giá, thị trường lên xuống là chuyện cần được nhìn nhận dài hạn. “Cần nhấn mạnh rằng, đang có sự tách nhóm các giải pháp giữa Bộ Nông nghiệp và PTNT, Bộ Công Thương và doanh nghiệp. Bộ Nông nghiệp và PTNT dường như chỉ quan tâm từng mặt hàng xuất đi được mấy trăm nghìn tấn hay mấy triệu tấn, cứ thấy lượng xuất đi giảm thì lo; Bộ Công Thương lại chỉ tập trung vào con số từng mặt hàng đạt được mấy tỷ USD. Trong khi DN họ không quan tâm đến xuất đi nhiều hay ít, mà họ chỉ tính lợi nhuận. Do đó 3 nhóm thông tin này cần có sự phối hợp thì chỉ đạo mới tránh sự gây khó khăn cho nhau nếu không sẽ kìm hãm nhau phát triển. Nhiều khi chính thông tin quá vội vã gây tác dụng ngược. Chẳng hạn, lượng thủy sản không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm bị trả về năm nay cũng chỉ như những năm trước, nhưng nếu các thông tin đưa ra cứ nhấn mạnh yếu tố này thì sẽ khiến tình trạng tồi tệ hơn”, ông Dũng bày tỏ.
Quyết định 80/2002/QĐ-TTg về liên kết 4 nhà ra đời đã 13 năm, nhưng đến nay mối liên kết này vẫn hết sức lỏng lẻo, dường như nông dân vẫn phải tự bơi trong cái điệp khúc được mùa mất giá. Vai trò hoạch định chính sách, quy hoạch của Bộ Nông nghiệp và PTNT ở đâu khi để nông dân cứ trồng theo phong trào để rồi ngậm quả đắng khi bị dội chợ, ép giá. Vai trò của Bộ Công Thương chẳng lẽ chỉ là xúc tiến thương mại, đem hàng ra các hội chợ để bán. Ông Trần Tuấn Anh nhận định, tồn tại của chương trình xúc tiến thương mại quốc gia là chậm đổi mới. Chúng ta đề cao vai trò của liên kết bốn nhà, nhưng thực tế cho thấy, liên kết bốn nhà cũng chỉ là một biện pháp để thực hiện liên kết chuỗi giá trị. Cơ chế chính sách để tổ chức thực hiện vẫn thiếu toàn diện và tổng thể, vẫn đứt đoạn trong quản lý nhà nước.
Ông Nguyễn Trọng Thừa nêu quan điểm, ngoài hệ thống các chính sách, thì việc chỉ đạo thực thi đúng các quy hoạch sản xuất nông sản đang là nhiệm vụ nan giải. Dù khi xây dựng quy hoạch, ngành chức năng đã làm rất bài bản trên cơ sở khảo sát, phân tích dựa trên tiềm năng của từng vùng sinh thái, xin ý kiến của các địa phương, chuyên gia nhưng khi triển khai vào thực tế lại bị phá vỡ (cây càphê, quy hoạch đến năm 2020 chỉ 500.000ha nhưng đến nay đã đạt hơn 600.000ha; cây cao su vượt 400.000ha so với quy hoạch đến năm 2020). Hay như câu chuyện cây mắc-ca, trong khi Bộ Nông nghiệp và PTNT đang làm quy hoạch, phấn đấu đến năm 2020 chỉ đạt khoảng 10.000ha thì ở nhiều địa phương nông dân đã ùn ùn trồng loại cây này, diện tích có thể lên đến hàng nghìn hecta. “Nếu ví mối liên kết 4 nhà như một dàn nhạc thì hiện nay các thành viên trong dàn nhạc chưa ăn khớp với nhau, vẫn mạnh ai nấy làm”, ông Thừa nhận xét.
Ông Dũng cho rằng: “Từ phía DN, thấy nước ta thực thi các chính sách vừa đủng đỉnh vừa hấp tấp. Quyết định 80 ban hành đến nay đã 13 năm mà chưa văn bản nào thay thế nó cả, đủng đỉnh quá. Trong khi, có những văn bản lại ban hành rất hấp tấp. Ví như Nghị định 36 đưa ra năm ngoái với hàng loạt quy định đang gây khó khăn cho các DN. Về phân công trong bộ máy, tôi nghĩ , Bộ Công Thương không phải người đi bán nông sản. Vụ việc dưa hấu vừa qua, tôi thấy buồn cười khi Bộ Công Thương mua dưa hấu đem về cổng Bộ, yêu cầu các viên chức phải mua giúp nông dân. Sao Bộ Công Thương không lo được giải pháp lớn để giải quyết toàn cục vấn đề, mà lại đi lo bán từng xe hàng nông sản như vậy. Việc quản lý chuỗi sản xuất tôi nghĩ vẫn phải do Bộ Nông nghiệp và PTNT làm, có một cục lo việc này nhưng lực lượng quá mỏng. DN gọi đó là “cục sọ dừa” vì không có tay chân. Thực tế Việt Nam hay nói đến từ “phối hợp” và cũng thực hiện điều này yếu nhất. Quy hoạch thì rất đẹp nhưng ai đôn đốc thực hiện thì không biết, ai làm sai cũng không có cơ chế để phạt. Nếu không có một chính sách cho đàng hoàng, thì địa phương cứ vẽ, làm cứ làm, các bộ ngành đá bóng trách nhiệm rất giỏi trong khi phối hợp rất kém”.
Ông Tuấn Anh đồng tình, Bộ Công Thương không thể đi bán cá, dưa hấu, quả vải mà trước tiên là khâu chính sách. Cần nghiên cứu thị trường, phân tích dựa trên yêu cầu sản xuất để cùng bộ ngành xây dựng định hướng thông qua quy hoạch sản xuất, rồi quy hoạch tiêu thụ. Ở tầm lớn hơn, quy hoạch không chỉ nằm ở phạm vi quốc gia mà còn toàn cầu. Ví dụ, Việt Nam trở thành quốc gia hàng đầu trong XK cao su, cà phê, gạo… nhưng diễn biến của thị trường thế giới còn phụ thuộc vào nhiều quốc gia khác, có tiềm lực về chất lượng sản phẩm, công nghệ sản xuất. Bởi vậy phải tính toán quy hoạch này ở tầm cung cầu thế giới, phối hợp với các quốc gia khác để điều tiết,chấp nhận cuộc chơi chung chứ không thể một mình một chợ.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn