Giao lưu giữa các đại biểu tham dự hội nghị. Ảnh: Dương Chí Tưởng-TTXVN
Theo đó, việc hình thành các chuỗi liên kết chăn nuôi để tạo ra sản phẩm, kết nối xuất khẩu sản phẩm của các hợp tác xã, trang trại chăn nuôi, nhất là những sản phẩm chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao theo hướng bền vững là việc nên làm của ngành chăn nuôi nước ta hướng tới.
* Dự địa lớn
Tại hội nghị kết nối xuất khẩu theo chuỗi các sản phẩm chăn nuôi công nghệ cao khu vực Đông Nam bộ được tổ chức ngày 11/12, tại Bình Phước, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam cho biết, lợi thế Việt Nam sản xuất thịt các loại đứng thứ 6 thế giới về ngành chăn nuôi, hàng năm tạo ra trên 5 triệu tấn thịt.
Giá trị xuất khẩu hàng năm đạt trên 500 triệu USD, thể hiện thế mạnh của Việt Nam. Dự kiến sản phẩm chăn nuôi năm 2017, tăng trên 12%.
Đặc biệt, vùng Đông Nam bộ có dư địa rất lớn có dư địa phát triển chăn nuôi, có nhiều đơn vị tham gia vào sản xuất, áp dụng công nghệ cao trở thành nơi sản xuất an toàn dịch bệnh.
Riêng Tập đoàn Hùng Nhơn đã có bước tiến liên kết chặt chẽ với các đơn vị nước ngoài trở thành chuỗi liên kiết chặt chẽ từ cung cấp con giống, đến thức ăn, bán đầu ra sản phẩm cho đơn vị giết mổ đem đi xuất khẩu.
Ông Nam còn cho biết, vùng Đông Nam bộ có lợi thế lớn để liên kết với trên 186 hợp tác xã chăn nuôi; trong đó, nhiều hợp tác xã nông nghiệp có ứng dụng công nghệ cao có hiệu quả và bên cạnh đó có 3.700 trang trại là chăn nuôi.
Theo báo cáo cho thấy, cả khu vực Đông Nam bộ bao gồm sáu tỉnh, thành phố: Tp. Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Phước, Bình Phước và Tây Ninh.
Đây là khu vực đóng góp 2/3 thu ngân sách hàng năm, có thế mạnh về công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ. Chỉ tính riêng về lĩnh vực chăn nuôi trong ngành nông nghiệp, tổng đàn lợn trên 3,3 triệu con, chiếm gần 12% cả nước; đàn gà trên 38 triệu con.
Theo đó, khu vực Đông Nam bộ có tiềm năng to lớn nâng cao số lượng trang trại, số gia súc, gia cầm nếu đầu tư xây dựng và phát triển nền nông nghiệp theo hướng ứng dụng công nghệ cao.
Hiện nay, đang là xu thế tất yếu của nhiều quốc gia trong quá trình thực hiện công nghiệp hóa- hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.
Với việc ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất chăn nuôi sẽ góp phần gia tăng giá trị, nâng cao hiệu quả sản xuất hướng đến phát triến chăn nuôi bền vững.
Riêng, trên địa bàn tỉnh Bình Phước hiện có đàn lợn hiện nay trên 340.000 con, tổng đàn gà gần 4,9 triệu con. Hàng năm, số lượng đàn gia gia súc, gia cầm tăng cao hơn năm trước.
Tuy nhiên, thực tế thời gian qua giá bán các sản phẩm lợn, gà xuống thấp, cung vượt cầu đã gây ra nhiều khó khăn và tổn thất kinh tế cho ngành chăn nuôi trong khu vực cũng như cả nước.
Còn theo Bí thư Tỉnh ủy Bình Phước Nguyễn Văn Lợi, nguyên nhân ngành chăn nuôi gặp bấp bênh là do thị trường cả trong và ngoài nước và xuất khẩu chưa có lối ra ổn định. Thiếu chuỗi liên kết chăn nuôi, liên kết giết mổ để tạo ra sản phẩm đáp ứng đủ chất lượng, luôn an toàn vệ sinh thực phẩm.
“Từ bài học chuỗi sản phẩm thịt gà đạt điều kiện xuất khẩu vào thị trường khó tính Nhật Bản, ngành chăn nuôi của tỉnh Bình Phước, khu vực Đông Nam bộ cần tổ chức lại ngành hàng này theo mô hình liên kết chuỗi với các cấp độ; trong đó, doanh nghiệp, hợp tác xã phải tập trung cao để xuất khẩu; tập trung đầu tư kinh phí cho ngành chăn nuôi – thú y từ tỉnh đến huyện, xã thực hiện tốt công tác quản lý và hướng dẫn chăn nuôi an toàn dịch bệnh, an toàn vệ sinh thực phẩm; các chương trình quốc gia về phòng chống dịch bệnh... vì đó cũng chính là các chỉ tiêu, yêu cầu thuộc đối tượng kiểm dịch của các nước rất nghiêm ngặt”, thư Tỉnh ủy Bình Phước nhấn mạnh.
Chia sẻ của ông Mr. Frank De Laat, Phó lãnh sự quán Hà Lan tại Việt Nam cho rằng, xây dựng chuỗi liên kết phát triển bền vững, Hà Lan đặc biệt coi trọng công tác truyền thông, an toàn vệ sinh thực phẩm từ khâu sản xuất đến chế biến.
Việc coi trọng người nông dân là những người trực tiếp sản xuất cũng chính là một trong những yếu tố quan trọng trong việc xây dựng chuỗi liên kết bền vững.
Ba kinh nghiệm chính được Hàn Lan rút ra là thiết lập một chuỗi liên kết thực sự trong ngành; xem người dân như những doanh nhân thực sự; đồng thời phát huy mối tương tác chặt chẽ theo mô hình kim cương (chính phủ - doanh nghiệp tư nhân), khối trí thức và con người nhằm đảm bảo nguồn lợi luôn được hưởng chung.
* Đa dạng hóa sản phẩm trong chăn nuôi
Ông Gabor Fluit, Tổng giám đốc Tập đoàn De heus Châu Á cho biết, Việt Nam đang có nhiều tiềm năng xuất khẩu thịt lợn, gà và trứng gia cầm rất lớn.
Tuy nhiên, hiện giá thành chăn nuôi ở Việt Nam bằng ngang với Thái Lan và kể cả châu Âu, song sản phẩm của Việt Nam nói chung và Đông Nam bộ nói riêng xuất khẩu chưa được nhiều. Nguyên nhân được chỉ ra là do chăn nuôi thiếu chuỗi liên kết bền vững.
Cũng theo ông Fluit, hiện Thái Lan xuất khẩu mỗi năm đạt trên 700.000 tấn thịt gia cầm (chủ yếu xuất khẩu ức gà). Song, Việt Nam mới xuất khẩu một vài lô hàng nhỏ sang thị trường Nhật Bản là quá khiêm tốn. Trong khi đó, nước ta nhập khẩu rất lớn đùi gà, cánh và chân. Đây là nghịch lý.
“Về sản phẩm trứng gà có rất nhiều tiềm năng để xuất khẩu cho Việt Nam. Chỉ tính riêng tại Hà Lan tạo ra trứng gà mỗi năm xuất khẩu gấp 4 lần so với tiêu thụ thị trường trong nước, đạt giá trị xuất khẩu lên đến 800 triệu USD.
Trong khi tại Việt Nam, một lượng lớn trứng làm ra chủ yếu tiêu thụ trong nước. Việc lệ thuộc thị trường trong nước, khiến nhà chăn nuôi luôn đối mặt với rủi ro do thị trường biến động, cụ thể nhất là năm 2017 giá các mặt hàng chăn nuôi “ lao dốc” đã ảnh hưởng đến trang trại, doanh nghiệp có ngành nghề này”, ông Fluit chia sẻ.
Về lâu dài ông Fluit chỉ ra, việc chăn nuôi gia súc, gia cầm ở Việt Nam do thiếu quy hoạch và chưa xác định vùng an toàn dịch bệnh. Theo quy định của quốc tế, vùng an toàn dịch bệnh trong bán kính 5km.
Theo đó, những mô hình chăn nuôi ở Việt Nam cần kiểm soát về an toàn dịch bệnh trong bán kính 5km và có địa lý chỉ dẫn cho thế giới biết, khi đó các sản phẩm về heo, gà mới xuất khẩu được ra thế giới.
Bởi, qua thông tin dịch bệnh lở mồm long móng xảy ra xung quanh khu vực, nhưng sản phẩm đưa ra thị trường chưa truy xuất được nguồn gốc, không xác định rõ vị trí nằm trong vùng an toàn dịch bệnh nên thị trường thế giới rất sợ sản phẩm chưa rõ ràng về an toàn vệ sinh thực phẩm.
Về giải pháp, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Trần Thanh Nam cho biết, Bộ đang định hướng ngành chăn nuôi theo hướng hiện đại, bền vững gắn với chuỗi liên kết chia sẻ lợi nhuận giữa hợp tác xã, doanh nghiệp và đơn vị giết mổ tiêu thụ.
Đặc biệt, quan tâm đến xây dựng vùng an toàn dịch bệnh, đây là vấn đề đặt ra trong thời gian tới. Bên cạnh đó, khuyến khích năng lực chế biến, đa dạng hóa sản phẩm trong lĩnh vực chăn nuôi.
Bộ cũng đang nghiên cứu đề án nâng cao năng lực của các doanh nghiệp chế biến để nâng cao giá trị gia tăng, đảm bảo cung ứng sản phẩm thị trường trong nước và xuất khẩu./.
Dương Chí Tưởng/TTXVN
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn