Chế biến chè hoa vàng. |
Nhiều gia đình mùa thu hái chè này đã cho thu nhập hàng chục triệu đồng từ cây dược liệu quý hiếm này.
Cây chè hoa vàng tiếng Thái gọi là cỏ tắp quái, là loại cây thân gỗ nhỏ, cao từ 2 - 5m, rất giống cây chè ta. Cây chè hoa vàng là một loại dược liệu quý được sử dụng nhiều trong đông y để chữa bệnh. Đặc biệt cây chè hoa vàng sinh trưởng và phát triển tốt ở các vùng núi cao, mùa ra hoa kéo dài từ tháng 11 năm trước đến tháng 3 năm sau (âm lịch). Hoa chè có màu vàng, đỏ và trắng (đa số là màu vàng), nên được gọi là chè hoa vàng.
Hiện nay đang là mùa thu hái chè hoa vàng. Vì vậy rất nhiều bà con dân bản ở các xã Tiền Phong, Đồng Văn, Thông Thụ, Châu Kim, Hạnh Dịch… của huyện Quế Phong đổ xô vào rừng thu hái loại dược liệu quý hiếm này.
Đã hơn 1 tháng nay, cả 4 người trong gia đình bà Lương Thị Mận ở xã Tiền Phong cơm đùm, cơm gói kéo nhau vào rừng đi thu hái chè. Trung bình mỗi ngày cả nhà thu hái được từ 1,5 - 2,0 kg chè hoa vàng đem về nhập tươi ngay cho các thương lái đang chờ sẵn ở nhà với giá từ 800.000 - 1.200.000 đồng/kg chè, thu về trên 1.000.000 đồng/ngày.
Theo bà Lương Thị Mận, mấy năm trước mỗi lần đi vào rừng hái được nhiều hơn. Bây giờ phần thì người đi vào rừng hái ngày càng nhiều hơn, phần thì do bị hạn hán kéo dài, trời lại nắng to nên chè ra hoa ít hơn và phải vào tận trong rừng sâu mới có nhiều để hái.
Không chỉ có gia đình bà Mận, mà có đến hàng trăm gia đình ở các xã khác đều rủ nhau vào rừng tìm hái chè hoa vàng để bán, nhất là những ngày cuối năm âm lịch người vào rừng đi tìm cây chè hoa vàng để hái càng đông nhằm có thêm tiền sắm tết.
Việc thu hái chè cũng không dễ dàng gì, phải lội qua bao nhiêu khe suối, băng qua bao nhiêu đồi rừng để vào tận rừng sâu mới tìm thấy cây chè hoa vàng để hái. Có những cây chè to và cao 3-4m phải dùng thang để leo lên mà hái.
Hiện tại trên địa bàn huyện Quế Phong đã có nhiều thương lái thu mua chè để bán lại cho một số cơ sở chế biến chè nhỏ lẻ và có 01 cơ sở chế biến chè tươi thành sản phẩm cao cấp chè hoa vàng. Vì vậy nhu cầu nguyên liệu cần rất nhiều và từ đó bà con nhân dân hái về được bao nhiêu bán hết bấy nhiêu và bán được giá khá cao. |
Theo ông Nguyễn Văn Dũng, Trưởng phòng NN- PTNT huyện Quế Phong cho biết, mùa thu hái chè hoa vàng kéo dài khoảng 4 tháng. Trung bình mỗi mùa thu hái như hiện nay mỗi gia đình có thêm thu nhập nhiều nhất là 20 - 25 triệu đồng, ít nhất là 10 - 15 triệu đồng, là một nguồn thu không nhỏ đối với cà con các dân tộc ở đây.
Nhưng những năm gần đây cây chè hoa vàng được UBND huyện đưa vào diện quy hoạch khoanh nuôi bảo vệ nên việc khai thác phải theo quy định, không tự do chặt phá, khai thác bừa bãi như những năm trước đây.
Nhận thấy cây chè hoa vàng là một trong số các cây dược liệu quý hiếm trên đất Quế Phong, nên từ năm 2016 UBND huyện đã có đề án bảo tồn và phát triển cây dược liệu hiện có giá trị kinh tế cao giai đoạn 2016 - 2020.
Từ đề án này, UBND huyện giao cho Phòng NN- PTNT cùng với UBND các xã xây dựng kế hoạch bảo tồn cây chè hoa vàng đã có và vận động nhân dân trồng mới cây chè này ngay tại vườn nhà và vườn đồi của nhà mình càng nhiều càng tốt để tạo sinh kế bền vững cho người dân các xã vùng biên giới Việt Lào.
Trước mắt, UBND huyện Quế Phong hỗ trợ kinh phí khoanh nuôi bảo vệ và vùng nào có mật độ cây chè hoa vàng mọc lên dày thì vận động bà con nhân dân đào về trồng dặm hoặc trồng thành vùng tập trung để tạo thành vùng nguyên liệu lớn trong tương lai. Với chủ trương này, đến hôm nay toàn huyện Quế Phong đã có 12 ha chè hoa vàng được khoanh nuôi, bảo tồn thành cây thuốc quý phục vụ cho kế hoạch phát triển và mở rộng cây chè này trong những năm tiếp theo.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn