Các cơ quan soạn thảo đề xuất sẽ thực hiện hàng loạt chính sách hỗ trợ bằng tiền vốn để doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp như miễn giảm tiền sử dụng đất, hỗ trợ tích tụ đất đai...
Ngày 19-6, tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã chủ trì cuộc họp với lãnh đạo các bộ, ngành, hiệp hội và đại diện của nhiều doanh nghiệp nông nghiệp để góp ý cho dự thảo Nghị định về chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Đây là dự thảo để bổ sung, thay thế một số nội dung hạn chế, không còn phù hợp được nêu ra tại Nghị định 210 của Chính phủ năm 2013.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ phát biểu tại hội thảo. Ảnh: VGP
Theo Bộ NN-PTNT, sau 3 năm triển khai Nghị định 210 về khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp nông thôn có hiệu lực từ tháng 2-2014 nhưng tính đến tháng 9-2016, mới chỉ có 4.424 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông lâm ngư nghiệp, chiếm chưa tới 1% tổng số doanh nghiệp cả nước.
Quy mô của doanh nghiệp nông nghiệp chủ yếu là nhỏ và vừa với quy mô vốn phần lớn ở mức dưới 5 tỷ đồng. Thậm chí có tới gần 50% doanh nghiệp có quy mô siêu nhỏ, dưới 10 lao động.
Theo dự thảo, nội dung nổi bật mà các cơ quan soạn thảo đề xuất là sẽ thực hiện hàng loạt chính sách hỗ trợ bằng tiền vốn để doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp như miễn giảm tiền sử dụng đất, hỗ trợ tích tụ đất đai, hỗ trợ cho nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ vào nông nghiệp, hỗ trợ chế biến bảo quản...
Đặc biệt là hỗ trợ đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao với mức 300 triệu đồng/ha nhưng tối đa không quá 10 tỷ đồng để làm cơ sở hạ tầng.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhận xét, sau 3 năm triển khai chính sách thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp nông thôn nhưng chỉ xây dựng được 64 dự án thì không đáng kể, chưa có hiệu quả.
Trước nhiều đề nghị xóa bỏ những bất cập về thủ tục hành chính khi đầu tư vào nông nghiệp cũng như thủ tục hỗ trợ, ưu đãi lãi suất, miễn giảm thuế, thúc đẩy quy hoạch...
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng, vấn đề then chốt hiện nay để khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp nông thôn không phải là hỗ trợ vốn, tín dụng mà chính là tìm cách tháo gỡ những khó khăn vướng mắc về cơ chế chính sách để doanh nghiệp có thể đầu tư vào nông nghiệp, chẳng hạn như thủ tục hành chính còn nhiêu khê, các bộ, ngành đùn đẩy trách nhiệm gây khó khăn cho nhà đầu tư.
Phó Thủ tướng yêu cầu rà soát lại các quy định về xác định tài sản thế chấp để doanh nghiệp có thể thuận lợi hơn khi vay vốn, thông qua nghị định mới này, sẽ xây dựng và ban hành được bộ khung về chính sách mới của Chính phủ, để khi ban hành sẽ thực sự thu hút được nhiều đầu tư của doanh nghiệp vào khu vực nông nghiệp nông thôn.